Xã hội

Ứng phó với già hóa dân số

Tính đến ngày 1-4-2019, quy mô dân số của Việt Nam đạt 96,2 triệu người, trong đó có khoảng 62 triệu người trong độ tuổi lao động.

Ông bà và các cháu trong một gia đình tham gia hoạt động dành cho gia đình. Ảnh: H. Dung
Ông bà và các cháu trong một gia đình tham gia hoạt động dành cho gia đình. Ảnh: H. Dung

Mặc dù vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất.

* Phát huy lợi thế “dân số vàng”

Đồng Nai hiện có gần 3,1 triệu dân, đứng thứ 5 cả nước. So với 10 năm trước, dân số trong tỉnh tăng gần 611 ngàn người. TP.Biên Hòa là địa phương có số dân đông nhất với hơn 1 triệu người. Tiếp đến là huyện Trảng Bom (349,2 ngàn người), huyện Nhơn Trạch (260,5 ngàn người), huyện Long Thành (hơn 246 ngàn người). Những địa phương có dân số đông do tập trung nhiều khu công nghiệp, thu hút lượng lao động nhập cư lớn. Ngược lại, những địa phương vùng sâu, vùng xa, ít khu công nghiệp lại có dân số thấp.

Già hóa dân số hay còn gọi là giai đoạn dân số đang già là tình trạng dân số có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số trở lên; hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số trở lên.

Người dân các tỉnh, thành khác nhập cư vào Đồng Nai phần lớn đang trong độ tuổi lao động. Điều này giúp Đồng Nai có nguồn lao động dồi dào, đáp ứng yêu cầu về nhân công của các doanh nghiệp nói riêng và các ngành sản xuất khác nói chung.

GS-TS.Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường đại học kinh tế quốc dân) cho hay, với hơn 63% dân số có độ tuổi từ 15-64, Việt Nam đang có ưu thế lớn để phát triển kinh tế, bởi lực lượng lao động này có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh, linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, lực lượng lao động trẻ có trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo GS-TS.Nguyễn Đình Cử, nếu Việt Nam không có những giải pháp để khai thác lợi thế này thì lợi thế sẽ mất đi. Thay vào đó, quá trình già hóa dân số sẽ đến sớm hơn và Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức mới.

* Cần thêm nhiều chính sách với người cao tuổi

Tính đến nay, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,4% dân số cả nước, tức là đang trong giai đoạn già hóa dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.

Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người. Dự kiến, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân thì có 1 người cao tuổi.

Lý giải nguyên nhân của việc già hóa dân số nhanh, bà Nguyễn Kim Tuyến, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng, nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai hiện chưa đạt được mức sinh thay thế cần phải có. Tức là mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản chưa sinh đủ 2 người con để thay thế mình thực hiện nhiệm vụ sinh sản trong những năm tiếp theo. Đặc biệt là các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, mức sinh thay thế ở nhiều nơi rất thấp. Không những thế, tâm lý ngại sinh con của nhiều cặp vợ chồng trẻ cũng khiến mức sinh chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhiều gia đình hiện nay chỉ muốn sinh 1 con để chăm sóc và nuôi dạy cho tốt.

Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên của tỉnh đã từng kết hôn chiếm 73,2%, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước 4,3%. Trong đó, có 66% đang có vợ/chồng, 4,9% dân số góa vợ/chồng, 2,2% dân số đã ly hôn hoặc đang ly thân.

Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến tốc độ già hóa dân số đến nhanh hơn. Khi đó, số người phụ thuộc là người cao tuổi sẽ tăng lên, số người trong độ tuổi lao động sẽ thấp đi. Kéo theo đó là các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội.

GS-TS.Nguyễn Đình Cử cho biết, theo điều tra quốc gia về người cao tuổi, người cao tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp, huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi. Đa số người cao tuổi nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ. Vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn.

Mặc dù số lượng người cao tuổi đang tăng lên hằng năm nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở nước ta còn hạn chế. Tại tuyến Trung ương mới chỉ có một bệnh viện lão khoa. Còn ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, vấn đề này chưa được đầu tư tương xứng. Người cao tuổi đi khám, chữa bệnh thường ở các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế mà chưa có bệnh viện chuyên về lão khoa.

Ngoài vấn đề sức khỏe, vấn đề đời sống vật chất của người cao tuổi cũng đang gặp nhiều khó khăn. Mới chỉ có hơn 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội. Còn lại khoảng 8 triệu người cao tuổi khác chủ yếu sống nhờ vào con cháu hoặc sống neo đơn.

“Các nhà hoạch định chính sách cần có những định hướng để phát triển, tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, có cơ chế phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ đối với người cao tuổi. Trong đó, mô hình liên kết giữa trường đào tạo khối ngành Y với cơ sở y tế và trại dưỡng lão cần được quan tâm đẩy mạnh” - GS-TS.Nguyễn Đình Cử đề xuất.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,067,795       152