Xã hội

Đảm bảo đủ tỷ lệ bác sĩ/vạn dân

Dự kiến đến cuối năm 2019, Đồng Nai sẽ đạt tỷ lệ 8,3 bác sĩ/vạn dân, đảm bảo đến năm 2020 sẽ đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao là 8,5 bác sĩ/vạn dân.

TP.Biên Hòa đang là địa phương có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cao nhất tỉnh với 12 bác sĩ/vạn dân. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện viện đa khoa Đồng Nai chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật
TP.Biên Hòa đang là địa phương có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cao nhất tỉnh với 12 bác sĩ/vạn dân. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện viện đa khoa Đồng Nai chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Ảnh: H.Dung

Tuy nhiên, hiện đang có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ở các địa phương trong tỉnh.

* Thiếu bác sĩ cục bộ

Toàn tỉnh hiện có gần 2,5 ngàn bác sĩ, trong đó số lượng bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập chiếm hơn 72%, còn lại là các cơ sở y tế ngoài công lập.

TP.Biên Hòa là địa phương có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cao nhất tỉnh với 12 bác sĩ/vạn dân. Tiếp đến là TP.Long Khánh (9,3 bác sĩ/vạn dân), huyện Long Thành (7,5 bác sĩ/vạn dân). Ở các huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú, tỷ lệ này dao động từ 4-5,9 bác sĩ/vạn dân. Hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch có tỷ lệ thấp nhất là 3,9 bác sĩ/vạn dân.

Lý giải về sự chênh lệch này, ông Hà Đức Minh, Phó chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, do TP.Biên Hòa là nơi tập trung nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân nên có số lượng bác sĩ lớn. Tương tự, TP.Long Khánh những năm gần đây thu hút được nhiều bác sĩ về làm việc tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh vì điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế làm việc thông thoáng, điều kiện đi lại thuận lợi. Ngược lại, ở những địa phương có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thấp do không thu hút được bác sĩ về làm việc.

Có nhiều nguyên nhân như điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở vật chất của trung tâm y tế, trạm y tế các huyện chưa đảm bảo, cơ chế, thu nhập của bác sĩ còn thấp nên có nhiều trường hợp bác sĩ về làm việc hôm trước, hôm sau đã nghỉ việc.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ Lưu Văn Tường bộc bạch: “Mặc dù trung tâm đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hút bác sĩ nhưng do điều kiện đường sá đi lại khó khăn, xa xôi, cộng với cơ sở vật chất của các cơ sở y tế xuống cấp nên nhiều bác sĩ không mấy mặn mà”.

Vừa qua, Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch đã hợp tác với Bệnh viện quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) thành lập khu khám, chữa bệnh chất lượng cao tại cơ sở 2 của Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch đóng ở xã Phú Hội. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của địa phương này mới đạt 3,9 bác sĩ. Điều này khiến lãnh đạo trung tâm “đau đầu” vì rất khó thu hút bác sĩ mới.

* Bổ sung bác sĩ cho những nơi thiếu

Mới đây, Sở Y tế đã phân công công tác cho 11 bác sĩ vừa tốt nghiệp Trường đại học y dược Cần Thơ theo chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh về các đơn vị: Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, Bệnh viện da liễu Đồng Nai, Bệnh viện phổi Đồng Nai và các trung tâm y tế: TP.Long Khánh, huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. Đây là những đơn vị mà trước khi được cử đi đào tạo, các sinh viên đã đăng ký và cũng là những đơn vị đang thiếu bác sĩ.

Đến cuối tháng 12-2019, Sở Y tế sẽ tiếp tục bố trí công tác cho 25 bác sĩ đa khoa tốt nghiệp Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh) về công tác tại các đơn vị y tế trong tỉnh, nhất là những đơn vị còn thiếu nhiều bác sĩ.

Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, các cơ sở y tế trong tỉnh cũng sẽ tuyển dụng thêm những bác sĩ mới nhằm đáp ứng đủ số lượng bác sĩ/vạn dân. Ở một số địa phương, ngoài chế độ thu hút bác sĩ theo chính sách của tỉnh còn có thêm chế độ thu hút khác của đơn vị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán cho biết, ngoài 150 triệu đồng theo chế độ thu hút của tỉnh, mỗi bác sĩ về làm việc tại bệnh viện còn được hưởng thêm 150 triệu đồng, trích từ nguồn quỹ ngân sách của bệnh viện. Nhờ chế độ này mà vài năm gần đây, mỗi năm bệnh viện thu hút được 7-8 bác sĩ.

Ngoài ra, theo ông Hà Đức Minh, Phó chánh văn phòng Sở Y tế, ngành Y tế vẫn đang thực hiện Đề án 1816 về cử bác sĩ luân phiên từ tuyến tỉnh về tuyến huyện; bác sĩ từ tuyến huyện về tuyến xã, nhất là những nơi thiếu nhiều bác sĩ nhằm đảm bảo công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân, tránh việc Bảo hiểm xã hội xuất toán bảo hiểm y tế vì quy định phải có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề tham gia khám, chữa bệnh mới được bảo hiểm thanh toán. Cụ thể, hiện nay các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất vẫn thực hiện luân phiên xuống các địa phương như Vĩnh Cửu để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Không “ngồi một chỗ” để chờ bác sĩ đến xin việc, có nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến, “đặt hàng” các sinh viên y khoa của các trường đại học y dược. Qua đó cũng thu hút được một lượng lớn bác sĩ về Đồng Nai công tác”.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,076,428       198