Xã hội

An sinh cho lao động tự do

Nhằm góp phần đảm bảo an sinh cho lao động tự do khi về già, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bưu điện huyện Trảng Bom đã tăng cường tuyên truyền, vận động các thành phần lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện Trảng Bom trao sổ bảo hiểm cho bà Nguyễn Thị Lan. Ảnh: B.Mai
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện Trảng Bom trao sổ bảo hiểm cho bà Nguyễn Thị Lan. Ảnh: B.Mai

Việc làm này đã giúp nhiều người nội trợ, bán vé số, tiểu thương không bị phụ thuộc nhiều vào con cháu khi về già.

* Điểm tựa cho tuổi già

“Trước đây, tôi cứ nghĩ phải làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc đi làm công ty tham gia bảo hiểm trên 20 năm, về già mới có lương hưu. Khi biết người nội trợ cũng có lương hưu nếu tham gia BHXH tự nguyện và đóng đủ năm, tôi đã mua cho mình một suất, cho con gái một suất. Tôi đóng 5 năm liên tục..." - bà Nguyễn Thị Lan (53 tuổi, KP.5, thị trấn Trảng Bom), người vừa tham gia BHXH tự nguyện chia sẻ.

Nhiều lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện

Theo quy định hiện hành, người đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện. Nhà nước hỗ trợ 30% phí đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% phí đóng với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo, 10% phí đóng với các trường hợp khác. Khi hết tuổi lao động và đủ 20 năm, người đóng được hưởng lương hưu hằng tháng, khi mất, người thân được hưởng tiền tuất.

Tính đến hết tháng 10-2019, BHXH huyện Trảng Bom phát triển được hơn 500 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó chủ yếu là người đã từng tham gia đóng BHXH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sau đó nghỉ việc và đóng tiếp, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có nguồn thu ổn định.

Bà Lan từng có 10 năm làm giáo viên, công tác ở xã 4 năm, nhưng quãng thời gian đó bà không tham gia BHXH. Năm 2000 bà nghỉ việc ở nhà buôn bán nhỏ. Mặc dù thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng nhưng bà vẫn lo lắng cho tuổi già. "Mình khỏe còn làm được, còn có đồng ra đồng vào, nhưng khi già yếu thì làm gì ra tiền. Có tiền bảo hiểm, tôi cũng yên tâm hơn. Biết sớm tôi đã tham gia lâu rồi” - bà Lan giải thích.

Bà Lan tham gia BHXH tự nguyện ở mức lương tối thiểu 700 ngàn đồng, tương đương số tiền đóng 154 ngàn đồng/tháng. Bà Lan cũng mua BHYT tự nguyện. Định kỳ mỗi tháng, bà cầm thẻ bảo hiểm đến bệnh viện khám bệnh, nhận thuốc điều trị bệnh tiểu đường về uống. Đối với bà Lan, BHYT như “tấm lưới” giúp bà yên tâm điều trị bệnh còn BHXH giúp bà đỡ lo lắng hơn khi tuổi già đến gần.

Khác hẳn với trường hợp của bà Lan vừa lớn tuổi vừa mắc bệnh tiểu đường, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Hùng (32 tuổi) và chị Huỳnh Thị Cúc (29 tuổi, KP.3, thị trấn Trảng Bom) lại là người có điều kiện về kinh tế, còn khá trẻ nhưng vẫn chọn tham gia BHXH tự nguyện.

“Vợ chồng tôi kinh doanh nhà nghỉ và một số dịch vụ khác, thu nhập hằng tháng khá ổn định ở mức vài chục triệu đồng, nhưng tôi vẫn muốn tham gia BHXH tự nguyện để phòng rủi ro cũng như tích lũy khi về già. Có khoản thu nhập ổn định hằng tháng bản thân cũng an tâm và đỡ gánh nặng kinh tế cho con. Tôi sẽ tính toán đóng BHXH tự nguyện cho hai con và xem đó là “của hồi môn” cho con” - anh Hùng chia sẻ.

Ngay sau khi chọn mức lương đóng 5 triệu đồng/người/tháng, vợ chồng anh Hùng đã quyết định đóng “một gói” cho cả 3 năm để được giảm 10% theo quy định của Chính phủ và giảm thêm 7,25% trong tổng 22% phải đóng. Ngoài ra, vợ chồng anh Hùng cũng quyết định mua tặng một suất bảo hiểm tự nguyện cho người thân.

Một trường hợp khác cũng vừa quyết định tham gia BHXH tự nguyện là bà Phương Anh (47 tuổi, xã Bình Minh). Trước đây, bà Phương Anh là công nhân một công ty may. Bà đã đóng bảo hiểm được 12 năm. Cách đây vài tháng, bà nghỉ việc. Đang định làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và lãnh bảo hiểm một lần, bà được nhân viên BHXH huyện tư vấn và quyết định chuyển sang đóng BHXH tự nguyện cho đủ năm để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, hưởng BHYT và tử tuất sau này.

* Nâng tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện

BHXH là an sinh xã hội cho người lao động khi về già. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn nhiều người chưa biết và tham gia BHXH tự nguyện, nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn tìm cách "né tránh" thực hiện trách nhiệm với người lao động.

Để giúp người dân hiểu hơn về chính sách này, cơ quan BHXH và Bưu điện huyện đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể, trong đó đáng chú ý là thực hiện phong trào thi đua Mỗi công chức, viên chức, nhân viên trong ngành BHXH Đồng Nai là một tuyên truyền viên vận động ít nhất 1 người tham gia BHXH tự nguyện, khen thưởng những cán bộ làm tốt; tổ chức các buổi tư vấn, tuyên truyền tại xã, ấp, khu dân cư, hộ gia đình.

Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Bưu điện huyện Trảng Bom, người trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện cho rằng, từ khi hiểu chính sách về BHXH tự nguyện, chị hầu như không có ngày nghỉ cuối tuần, mong muốn của chị là giới thiệu được cho nhiều người biết, tham gia bảo hiểm của Nhà nước. Ngoài ra, mỗi tuần 2 tối, chị cùng với các thành viên tổ tuyên truyền tìm đến các khu nhà trọ, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, lao động tự do trên địa bàn huyện vận động họ tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, tổ tuyên truyền của chị đã vận động và hỗ trợ làm thủ tục cho hơn 200 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, khoảng 500 đối tượng tham gia BHYT.

Ông Nguyễn Quí Hạc, Phó giám đốc phụ trách BHXH huyện Trảng Bom cho rằng, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của 2 đơn vị đang thuận lợi, đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện ngày càng tăng. Không còn hô hào, tuyên truyền hình thức, cán bộ hai bên đã gõ cửa từng nhà, vận động từng người. Ngoài ra, các ngành, đoàn thể ở xã, huyện cũng triển khai vận động cán bộ công chức, viên chức đóng góp hỗ trợ thẻ BHYT cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con đi học. Hiện tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn huyện đạt 86% và hơn 500 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Cũng theo ông Hạc, để BHXH tự nguyện thực sự trở thành chỗ dựa cho lao động phi chính thức, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thời gian tới BHXH và Bưu điện huyện sẽ tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, dễ nhớ, dễ hiểu, giúp các tầng lớp nhân dân nắm bắt được quy định mới, chính sách ưu đãi cũng như lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Trước mắt, BHXH chú trọng đến nhóm đối tượng đã từng tham gia đóng bảo hiểm nhưng nghỉ việc, những người có thu nhập ổn định, khu vực có điều kiện kinh tế đang phát triển.

Ban Mai

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,077,560       254