Xã hội

Nguồn lực lớn từ xã hội hóa giáo dục

Nhờ vận dụng linh hoạt chính sách xã hội hóa giáo dục nên đến nay Đồng Nai đã có hệ thống trường tư thục từ mầm non đến đại học khá hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, đồng thời tiết kiệm cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng đầu tư.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tham quan sản phẩm do sinh viên Trường đại học Lạc Hồng chế tạo chuyển giao cho doanh nghiệp
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tham quan sản phẩm do sinh viên Trường đại học Lạc Hồng chế tạo chuyển giao cho doanh nghiệp. Ảnh: C. Nghĩa

Bà Nguyễn Thị Thu Lan, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Từ đầu những năm 1990, Đồng Nai đã mạnh dạn đi sớm hơn cả nước trong việc áp dụng chính sách huy động doanh nghiệp tham gia xã hội hóa giáo dục. Một trong những ngôi trường đầu tiên ra đời từ mô hình này là Trường THPT bán công Định Quán (huyện Định Quán). Tiếp đó là hàng loạt những trường THPT khác ra đời tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, huyện Long Thành… Sau này, Nhà nước quy định chỉ còn 2 loại hình trường là công lập và tư thục nên các trường bán công lần lượt được chuyển đổi thành trường công lập”.

* “Cú hích” cho giáo dục ngoài công lập

Trước đây, nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả muốn cho con theo học các chương trình giáo dục quốc tế sẽ phải đưa con lên TP.Hồ Chí Minh. Khoảng 10 năm nay, mô hình trường quốc tế tại Đồng Nai cũng đã ra đời. Đó là Trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương (GLOBAL DONG NAI thuộc hệ thống trường của TTC EDU hiện nay). Bên cạnh đó, còn có mô hình trường song ngữ như Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (LHBS), Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (ACB EDU) tại TP.Biên Hòa.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn để có thêm nguồn lực cho giáo dục

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh: “Chủ trương huy động xã hội hóa cho giáo dục là chỉ đạo xuyên suốt nhiều năm nay của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Các ngành, các địa phương cần kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn để ngày càng có nhiều nguồn lực của tư nhân tham gia vào lĩnh vực GD-ĐT, đặc biệt là những địa phương đang “nóng” về tình trạng quá tải trường lớp nhưng thiếu nguồn lực đầu tư”.

Đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của người dân, TP.Biên Hòa còn có trên 100 cơ sở ngoại ngữ giảng dạy nhiều trình độ khác nhau. Đặc biệt, một số trung tâm ngoại ngữ lớn trước đây chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh cũng đã có mặt ở TP.Biên Hòa như: Trung tâm Anh ngữ ILA, Trung tâm Anh ngữ Apollo. Đây cũng là 2 cơ sở ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên xuất hiện tại Đồng Nai.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ, tính đến đầu năm học 2019-2020, hệ thống các trường đại học tư thục trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định với 3 trường đại học, 26 trường THPT và trường phổ thông nhiều cấp học, 126 trường mầm non. Bên cạnh đó, còn có 972 nhóm trẻ tư thục với quy mô nhỏ đang từng bước được xem xét chuyển đổi lên thành trường mầm non tư thục.

Hệ thống các trường tư thục trên địa bàn tỉnh đang đảm nhận một số lượng học sinh, sinh viên khá lớn so với hệ thống trường công lập trên địa bàn tỉnh. Trong số 740 ngàn học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT của tỉnh, hiện hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập thu hút tới 92 ngàn học sinh.

Đồng Nai cũng đã có hai trong số 3 trường đại học ngoài công lập đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn chất lượng. Đó là  Trường đại học Lạc Hồng và Trường đại học công nghệ Đồng Nai. Đặc biệt, Trường đại học Lạc Hồng có 2 ngành là công nghệ thông tin và cơ điện tử đã được công nhân đạt chuẩn chất lượng của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN).

* Chia sẻ gánh nặng với ngân sách

Là huyện miền núi nhưng những năm qua huyện Xuân Lộc đã huy động được khá lớn nguồn đầu tư xã hội hóa cho giáo dục. Trong đó, năm 2013 Công ty cổ phần Him Lam đã tài trợ cho huyện xây dựng Trường THCS Trần Phú trên diện tích 31 ngàn m2 với kinh phí lên đến 45 tỷ đồng. Trong khi đó, Tập đoàn Phong Thái hiện đang đầu tư nhà máy sản xuất giày thể thao tại huyện đã đầu tư 1 trường mầm non cho con công nhân. Sắp tới, Tập đoàn Phong Thái còn khởi công tiếp 1 trường tiểu học quy mô hiện đại trên địa bàn huyện Xuân Lộc.

Bà Lưu Thị Ngọc Quế, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom cho biết, trong vài năm trở lại đây, kinh tế - xã hội của huyện phát triển mạnh kéo theo nhu cầu về trường lớp lớn, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách sẽ rất khó khăn. Nhờ vào nguồn lực xã hội hóa, đến nay, huyện đã có nhiều trường do tư nhân trực tiếp đầu tư như: Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa, TH-THCS-THPT Trịnh Hoài Đức, TH-THCS-THPT Trần Quốc Tuấn, Trường bán trú Hoa Sen… Doanh nghiệp còn xây dựng tặng cho huyện 1 trường tiểu học, đồng thời trực tiếp xây dựng và vận hành 1 trường mầm non tư thục với quy mô gần 1 ngàn trẻ là con công nhân.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng chia sẻ, những năm gần đây, năm nào Biên Hòa cũng dành khoảng 50% nguồn lực chi thường xuyên cho giáo dục. Dù chi rất lớn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng quá tải về trường lớp. Có những phường thành phố đã phải liên tục đầu tư ngân sách xây dựng nhưng vẫn quá tải, điển hình như phường Trảng Dài trong 5 năm qua đã xây 3 trường mới. Do đó, nếu không có nguồn lực từ xã hội hóa vào giáo dục như những năm qua thì thực sự thách thức đặt ra cho thành phố về quá tải trường lớp là rất lớn.

Công Nghĩa

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,083,355       177