Xã hội

Thiệt thòi quyền lợi vì bị nợ bảo hiểm

Việc doanh nghiệp (DN) nợ BHXH gây ra rất nhiều hệ lụy cho cả DN lẫn người lao động (NLĐ). Trong đó, NLĐ luôn thiệt đơn, thiệt kép.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh (bên phải) chi tiền hỗ trợ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho công nhân Công ty TNHH KL Texwell Vina sau khi chủ doanh nghiệp này bỏ trốn về Hàn Quốc. Ảnh: A.Yên
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh (bên phải) chi tiền hỗ trợ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho công nhân Công ty TNHH KL Texwell Vina sau khi chủ doanh nghiệp này bỏ trốn về Hàn Quốc. Ảnh: A.Yên

TIN LIÊN QUAN
* Ốm đau không được lãnh tiền bảo hiểm

Là công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH một thành viên K&T (phường Xuân Hòa, TP.Long Khánh), một trong những DN nằm trong danh sách nợ BHXH kéo dài trên địa bàn Đồng Nai, chị Nguyễn Thị H., công nhân thuộc bộ phận bôi keo buồn bã chia sẻ: “Tôi biết công ty nợ BHXH của NLĐ từ cuối năm 2017 đến nay. Tiền lương hằng tháng tôi cũng phải nhận làm 2, 3 lần. Việc DN chậm chi trả lương, chậm đóng BHXH khiến nhiều công nhân, trong đó có tôi gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Với số tiền hơn 1 triệu đồng tiền lương mỗi đợt tôi không đủ đóng học cho con nói gì đến chi tiêu hoặc làm những việc lớn hơn. Tôi ốm đau, có giấy chứng nhận của bệnh viện nhưng không được lãnh tiền bảo hiểm cho những ngày nghỉ việc”.

Cũng theo chị H., bên cạnh việc nợ NLĐ những khoản cơ bản bắt buộc như trên, nhiều phúc lợi trước đây cũng bị công ty cắt, giảm như cơm trưa, tiền lễ, tết, tiền thăm hỏi ốm đau. Vì đã gắn bó với DN nhiều năm, hơn nữa ở tuổi 47 khó tìm một công việc mới nên chị H. chấp nhận ở lại làm việc.

Theo Liên đoàn Lao động TP.Long Khánh, việc Công ty TNHH một thành viên K&T nợ BHXH của NLĐ (khoảng 500 công nhân, trong đó gần một nửa công nhân đã nghỉ việc) gây ra rất nhiều hệ lụy cho cả hai bên. DN mất đơn hàng, mất cơ hội ký hợp đồng với các đối tác lớn, cùng với đó mất đi lao động có tay nghề, lao động trẻ. Còn về phía NLĐ thì thiệt đơn, thiệt kép. Bộ phận đã nghỉ việc, không chốt được sổ BHXH để tiếp tục tham gia BHXH ở nơi làm việc mới, còn những người đang làm việc thì không hoặc phải chờ rất lâu mới được hưởng quyền lợi. Nhiều công nhân, cả người đã nghỉ việc và những người đang còn làm việc thường xuyên gọi điện cầu cứu Liên đoàn Lao động thành phố.

* Thiệt đủ đường

Với một DN đang nợ BHXH của NLĐ, dù vì “cực chẳng đã” mà phải tiếp tục gắn bó như chị H. hay chọn cách nghỉ việc và đi tìm việc mới, NLĐ đều bị thiệt thòi. Tại nhiều DN, nhiều chế độ chính sách khác như: tiền lương, trợ cấp thôi việc… cũng không được giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp ông Mai Văn Cường, từng là công nhân Công ty cổ phần Lilama 45-4 (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), nơi đến nay còn nợ hàng tỷ đồng tiền BHXH của NLĐ là một ví dụ.

Ông Cường rất bức xúc khi chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh của mình và nhiều đồng nghiệp khi làm việc tại đây: “Từ giữa năm 2016 trở đi, công ty liên tục nợ lương công nhân khiến tôi và nhiều công nhân khác rơi vào cảnh túng quẫn. Để xoay xở cuộc sống, tôi đành phải xin nghỉ hưu “non” rồi ra ngoài làm thuê để kiếm tiền, dù lúc đó mức lương tại công ty đã là hơn 10 triệu đồng”.

Ông Cường nói tiếp: “Biết nghỉ hưu “non” là rất thiệt thòi, nhưng đi làm mà không được trả lương thì lấy tiền đâu ra mà ăn, mà nuôi con. Đến nay, dù đã nghỉ việc tại công ty hơn 3 năm nay nhưng nhiều chế độ chính sách như: tiền lương 2 tháng, trợ cấp thôi việc, tiền phép năm… với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng, tôi vẫn chưa được công ty chi trả theo đúng quy định của pháp luật. Từ khi nghỉ việc công ty, thu nhập của tôi cũng không còn ổn định, công việc bấp bênh, cuộc sống rất khó khăn”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Năm, công nhân Công ty TNHH P/F Vina (xã An Phước, huyện Long Thành) đang hết sức lo lắng vì dù đã nghỉ việc được 11 tháng nhưng đến nay công ty vẫn chưa chốt và trả sổ BHXH cho anh. Việc công ty không chốt và trả sổ BHXH khiến anh phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Anh chưa thể tiếp tục đóng BHXH ở nơi làm việc mới, quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Anh Năm cho hay, anh vào công ty làm việc từ ngày 1-5-2016 thì đến ngày 1-9-2016 được công ty ký hợp đồng xác định 12 tháng. Đến ngày 1-9-2017, anh tiếp tục được ký hợp đồng xác định thời hạn 12 tháng lần 2. Vị trí công việc là quản lý xưởng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Trong quá trình làm việc, anh trích đóng BHXH đầy đủ.

Tuy nhiên, dù chưa đủ thời gian báo trước theo quy định, với lý do hết hạn hợp và không tái ký, ngày 1-9-2018, công ty đã ra quyết định cho anh nghỉ việc.  Mặt khác, từ lúc cho anh nghỉ việc đến nay, công ty vẫn chưa chốt và trả sổ BHXH cho anh, khiến quyền lợi của anh bị thiệt thòi. Bức xúc và lo lắng, mới đây, anh đã làm đơn “cầu cứu” các cơ quan chức năng để được can thiệp, giúp đỡ.          

Thảo Lâm - An Yên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,085,178       103