Xã hội

Nỗ lực xây dựng y tế thông minh

Ngành Y tế Đồng Nai đang có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng nền y tế thông minh, từ việc triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử đến hướng tới các bệnh viện thông minh.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất được quay và phát trực tuyến đến các bệnh viện trong tỉnh. Ảnh: H.Dung
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất được quay và phát trực tuyến đến các bệnh viện trong tỉnh. Ảnh: H.Dung

TIN LIÊN QUAN
Y tế thông minh là ứng dụng tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số, kết nối internet và truyền hình giúp hội chẩn từ xa giữa các bệnh viện, cơ sở y tế, tổ chức, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước… tạo nên hệ sinh thái y tế toàn diện.

* Lợi ích của y tế thông minh

Hiện nay, Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC đang triển khai mô hình bệnh viện thông minh tại Bệnh viện K Hà Nội, đồng thời cũng đã tư vấn cho Sở Y tế Quảng Ninh xây dựng Trung tâm điều hành y tế thông minh, dự kiến sẽ đưa vào chạy thử trong tháng 10-2019.

Sở Y tế đang phối hợp với Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC (trụ sở chính đóng tại Hà Nội) xúc tiến triển khai xây dựng Trung tâm điều hành y tế thông minh tại Sở Y tế. Đây là một bộ phận trong tổng thể xây dựng thành phố thông minh.

Theo mô hình mà Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC đưa ra, hệ sinh thái y tế thông minh sẽ bao gồm: bệnh viện thông minh; quản lý, phân phối dược; quản lý trang thiết bị; quản lý bảo hiểm y tế; quản lý khám chữa bệnh; quản lý kiểm soát bệnh tật; cấp cứu thông minh; trung tâm chẩn đoán hình ảnh tập trung; hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa; kết nối thông minh; tiện ích người dùng.

Mô hình Trung tâm điều hành y tế thông minh tại Sở Y tế sẽ bao gồm một phòng điều hành rộng khoảng 30-100m2, với 3-5 người thường trực, được đầu tư bài bản về hạ tầng kỹ thuật, màn hình ghép và bộ điều khiển; máy trạm phục vụ giám sát và điều hành, hệ thống truyền thông hợp nhất, trang bị nội thất, ánh sáng, âm thanh và cabin dịch. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin cũng được đầu tư nâng cấp mạng LAN, hệ thống wifi, camera giám sát an ninh, phòng máy chủ. Các hệ thống sẽ được kết nối với nhau, định dạng dữ liệu. Ngoài kết nối giữa hệ thống điều hành của Sở Y tế với các đơn vị trực thuộc Sở, trung tâm điều hành sẽ kết nối với trung tâm điều hành tập trung của tỉnh khi xây dựng thành phố thông minh.

Trung tâm điều hành y tế thông minh khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho nhà quản lý những thông tin cần thiết để phục vụ việc ra quyết định, chỉ đạo điều hành cho ngành. Trong các trường hợp khẩn cấp như: thiên tai, dịch bệnh, trung tâm có khả năng cảnh báo trực quan, giúp cán bộ quản lý đưa ra chỉ đạo, cảnh báo.

Nhiều máy móc hiện đại được các bệnh viện đưa vào sử dụng nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh chuẩn bị chụp phim cho bệnh nhân bằng máy CT Scanner 128 lát cắt Ảnh: H.DUNG
Nhiều máy móc hiện đại được các bệnh viện đưa vào sử dụng nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh chuẩn bị chụp phim cho bệnh nhân bằng máy CT Scanner 128 lát cắt. Ảnh: H.Dung

Đối với bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, trên cơ sở dữ liệu có sẵn hoặc tập hợp được, trung tâm có thể cung cấp thông tin về các chương trình đào tạo bác sĩ, điều dưỡng viên, bao gồm kiến thức cơ bản, trang thiết bị thế hệ mới, loại thuốc truyền thống, thuốc mới, vật tư tiêu hao mới, kiến thức về y tế dự phòng.

Đối với bệnh nhân, khi triển khai mô hình y tế thông minh, bệnh nhân có thể xem được các thông tin trong bệnh án điện tử của mình qua internet, thiết bị di động, gửi thông tin bệnh án cho bác sĩ điều trị, đặt lịch khám chữa bệnh online hay thanh toàn viện phí, trao đổi trực tuyến với bác sĩ, điều dưỡng về tình hình bệnh của mình. Ngoài ra, người dân có thể tìm hiểu thông tin về bệnh viện, bác sĩ để lựa chọn nơi khám, lựa chọn bác sĩ khám...

* Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC cho biết, qua khảo sát hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Y tế Đồng Nai cho thấy, hiện tại Sở Y tế đã có đường truyền internet tốc độ cao, đáp ứng được công việc nhưng hệ thống mạng nội bộ chưa được đầu tư đồng bộ. Tính bảo mật thông tin của Sở cũng cần được nâng cấp, cập nhật thường xuyên để bảo đảm an ninh thông tin. Sở Y tế chưa có trung tâm dữ liệu tập trung cho ngành mà chỉ có máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh được chia sẻ từ phần mềm HIS (phần mềm quản lý bệnh viện) và các cơ sở dữ liệu cấp phép hành nghề y dược, chưa tập trung được cơ sở dữ liệu về y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số - kế hoạch hóa gia đình, bà mẹ và trẻ em…

Hệ sinh thái y tế thông minh sẽ được triển khai tại Đồng Nai. (Đồ họa: An Yên)
Hệ sinh thái y tế thông minh sẽ được triển khai tại Đồng Nai. (Đồ họa: An Yên)

Các đơn vị trực thuộc Sở đã có hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, nhất là 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và 8 trung tâm y tế. Tuy nhiên, Sở Y tế lại chưa có trung tâm điều hành hệ thống báo cáo, cảnh báo thông minh.

Về điều kiện cơ sở vật chất, theo lãnh đạo Sở Y tế, hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện đều được tỉnh đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại. Tuy nhiên, ngoài Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh được đầu tư mới 100%, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất được đầu tư khá lớn thì hầu hết các trung tâm y tế tuyến huyện đều đã xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc thu hút bệnh nhân.

Bên cạnh đó, hiện tại các bệnh viện đang sử dụng một số phần mềm của Công ty cổ phần FPT, nay nếu triển khai bệnh viện thông minh, các bệnh viện sẽ phải thuê thêm phần mềm, tốn thêm một khoản kinh phí đồng thời phải có đội ngũ nhân lực có trình độ để vận hành hệ thống bệnh viện thông minh, kết nối dữ liệu với Trung tâm điều hành y tế thông minh.

* Chuẩn bị kỹ về nhân lực, vật lực

Mặc dù dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án xây dựng Trung tâm điều hành y tế thông minh, nhưng theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ: “Nếu không đi sẽ không bao giờ đến và khó khăn là để vượt qua chứ không phải để chùn bước. Ngành Y tế sẽ nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC và các đơn vị liên quan để  xây dựng thành công nền y tế thông minh, hiện đại tại Đồng Nai nhằm đến mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho rằng, tham vọng xây dựng nền y tế thông minh dựa trên những cơ sở, tiền đề cụ thể. Hiện tại, UBND tỉnh đã cấp cho ngành Y tế 11 tỷ đồng để triển khai thực hiện hồ sơ sức khỏe cá nhân, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có 85% người dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe cá nhân dựa vào những thông tin, dữ liệu có sẵn của cơ quan bảo hiểm. Mặt khác, bệnh án điện tử cũng đang được triển khai thí điểm tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Dự kiến đến đầu năm sau sẽ triển khai đến tất cả các bệnh viện công lập và đến năm 2023 sẽ nhân rộng đến các bệnh viện tư nhân trong tỉnh để tạo khối liên kết thống nhất.

Đồ họa lộ trình xây dựng nền y tế thông minh của ngành Y tế Đồng Nai (Đồ họa: H.Dung)
Đồ họa lộ trình xây dựng nền y tế thông minh của ngành Y tế Đồng Nai (Đồ họa: H.Dung)

Bác sĩ Bảo Phi, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, sau 3 tuần triển khai bệnh án điện tử, đến nay bệnh viện đã thống nhất được các bước thực hiện cụ thể. Bệnh viện đang tiếp tục mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, làm việc với Công ty cổ phần FPT để xây dựng các mô hình bệnh án điện tử cụ thể, phấn đấu sẽ hoàn thành tất cả các mô hình vào cuối năm nay. Về nhân lực, đa số các bác sĩ của bệnh viện đều trẻ, khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ thông tin tốt nên việc triển khai bệnh án điện tử gặp nhiều thuận lợi. Hồ sơ sức khỏe cá nhân và bệnh án điện tử là điều kiện cần để xây dựng bệnh viện thông minh.

Để chuẩn bị kỹ cho mục tiêu 6 năm nữa sẽ vận hành hệ thống y tế thông minh, trong thời gian tới, Sở Y tế chủ động triển khai đào tạo cho cán bộ quản lý cấp Sở, cán bộ công nghệ thông tin của Sở và các đơn vị trực thuộc. Đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ cho cán bộ chuyên môn trong công tác khám chữa bệnh, đào tạo kết nối với chuyên gia quốc tế. Bởi, nếu không có con người có đủ năng lực để sử dụng, vận hành máy móc thì máy móc dù có thông minh, hiện đại đến đâu cũng không phát huy được tác dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng:
Kết nối đồng bộ cả y tế công lập và y tế tư nhân

 Do nguồn kinh phí để vận hành hệ thống có thể rất lớn nên Sở Y tế và Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC cần tính toán xem phần nào lấy từ ngân sách nhà nước, phần nào của các bệnh viện và phần nào kêu gọi xã hội hóa để vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước vừa tăng cường hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Ngoài ra, cần đánh giá sát hiệu quả của các phần mềm để lựa chọn những phần mềm phù hợp, mang tính mở để sau này khi có những phần mềm khác tiên tiến hơn, hiện đại hơn sẽ tích hợp vào với phần mềm cũ chứ không cần phải làm lại từ đầu. Đặc biệt, vấn đề bảo mật thông tin phải được đặc biệt coi trọng, đảm bảo tính phân quyền tiếp cận thông tin. Sau khi triển khai tại các bệnh viện công lập, ngành Y tế cũng cần tính toán để triển khai, kết nối đồng bộ với các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân và các cơ sở y tế trên địa bàn. Từ đó, có sự quản lý chặt chẽ, tạo sự đồng bộ.

Hạnh Dung


Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh:
Phải xác lập rõ lộ trình thực hiện

Trung tâm điều hành y tế thông minh là “bộ não” của ngành Y tế Đồng Nai, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhà quản lý, bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân, người dân. Trong thời gian tới, Sở Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC tổ chức khảo sát để hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành y tế thông minh. Trong đó, phải xác lập được kế hoạch, lộ trình thực hiện, cụ thể hóa các công việc cần làm, phân công rõ vai trò, trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp có liên quan, tính toán điều kiện khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là điều kiện về tài chính, nhân lực, vật lực.

Ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế:
Tính toán kỹ để có kinh phí hoạt động lâu dài

Trung tâm điều hành y tế thông minh nếu thành hiện thực sẽ giúp ngành Y tế thuận lợi hơn nhiều trong việc quản lý, hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, để vận hành trung tâm này, ngoài con người thông minh, máy móc đồng bộ cần phải có nguồn kinh phí lớn mới đảm bảo vận hành lâu dài, thông suốt. Một khó khăn lớn mà hiện nay hầu hết các bệnh viện đang gặp phải là vượt dự toán bảo hiểm y tế. Do đó, lấy đâu ra nguồn thu để thực hiện các “học phần” trong hệ thống y tế thông minh là điều khiến các bệnh viện phải trăn trở.

Tôi hoàn toàn ủng hộ mô hình Trung tâm điều hành y tế thông minh và xây dựng nền y tế thông minh nhưng chúng ta cần phải tính toán kỹ lưỡng và làm từng bước. Bởi ở một số nước có nền y tế phát triển như Đài Loan (Trung Quốc) cũng mới chỉ triển khai mô hình bệnh viện thông minh tại một số bệnh viện lớn của đất nước họ chứ chưa triển khai đồng bộ đến tất cả các bệnh viện trong cả nước. Điều mà ngành Y tế Đồng Nai đang rất cần và hy vọng Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC có thể cung cấp cho chúng tôi là những ứng dụng trên thiết bị di động (app) để tuyên truyền công tác phòng, chữa bệnh đến từng người dân.

Ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC:
Phối hợp, tính toán kỹ để đem lại hiệu quả cao nhất

 Những thắc mắc của các bệnh viện và lãnh đạo Sở Y tế đã được công ty lường trước và đã chuẩn bị sẵn những phần mềm để tích hợp thông tin, chuyển đổi dữ liệu, kết nối các phần mềm của các bệnh viện với phần mềm của Trung tâm điều hành y tế thông minh tại Sở Y tế. Chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia thiết kế phân quyền truy cập để bảo mật, kiểm soát thông tin một cách tốt nhất. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng đã tính toán đến phương án nếu hệ thống bị tấn công, chiếm nguồn điều khiển trung tâm điều hành, chúng tôi sẽ có cách để khôi phục lại hệ thống và dữ liệu sẽ “chạy” chậm hơn tốc độ thông thường một khoảng thời gian rất ngắn. Sau khi lãnh đạo Sở Y tế thống nhất mô hình đề xuất của công ty đưa ra, chúng tôi sẽ tư vấn, làm việc với Sở Y tế, các bệnh viện và các đơn vị để khảo sát đề án trình cơ quan thẩm quyền. Sau đó phối hợp triển khai thực hiện. Dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành.

Bà Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai:

Quan tâm đến “đường đi” của dữ liệu

 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hiện đang sử dụng 30 phân hệ trong hệ thống phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện của Công ty cổ phần FPT, từ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, ngân hàng máu đến kế toán, nhà thuốc. Điều mà bệnh viện quan tâm khi vận hành Trung tâm điều hành y tế thông minh là “đường đi” của dữ liệu, thông tin của bệnh viện sẽ được chuyển đến Trung tâm điều hành của Sở Y tế như thế nào, làm sao để tích hợp dữ liệu từ các phần mềm hiện có của bệnh viện vào các phần mềm mới do Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC cung cấp.

 Bên cạnh đó, nếu vận hành hệ thống bệnh viện thông minh, bệnh viện cần được bổ sung thêm đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin để có thể vận hành tốt hệ thống. Hiện tại, chúng tôi chỉ có tổng số 22 cán bộ công nghệ thông tin ở cả 2 khu A và B, sẽ không thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Ông Lê Văn Kỳ (phường Long Bình, TP.Biên Hòa):
Năng lực của đội ngũ y, bác sĩ vẫn là quan trọng nhất

Tôi mong muốn ngành Y tế sẽ có nhiều cải tiến hơn nữa để người dân có thể đặt lịch khám, lựa chọn phòng khám, bác sĩ khám bệnh cho mình qua điện thoại, thanh toán tiền khám trước qua tài khoản. Đến khi chúng tôi đến bệnh viện thì không cần phải bốc số, xếp hàng chờ đợi lâu, không cần phải mang theo sổ khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế mà hệ thống thông tin của bệnh viện vẫn có được đầy đủ thông tin của người bệnh.

Sau khi khám bệnh, nếu có làm xét nghiệm, siêu âm, chụp phim, chúng tôi cũng không cần phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ để có kết quả. Đặc biệt, điều mà chúng tôi mong muốn nhất, dù các bệnh viện có thông minh đến đâu thì năng lực, thái độ của đội ngũ y, bác sĩ cũng phải đặt lên hàng đầu, giúp phát hiện, chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị hiệu quả, giá cả hợp lý.

An Yên (ghi)


Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,090,867       248