Xã hội

Giấc mơ vào đại học của cô gái nghèo

Ngày biết tin cô học trò nhỏ Nguyễn Dương Kỳ Duyên (ngụ xã Ngọc Định, huyện Định Quán) đậu đại học, nhiều thầy cô, bạn bè của Duyên ở Trường THPT Tân Phú (huyện Định Quán) rất mừng cho em. Sau nhiều năm nỗ lực vượt khó, học giỏi cuối cùng Duyên đã đạt được ước mơ đậu đại học của mình.

Ngoài việc làm thêm kiếm tiền, em Nguyễn Dương Kỳ Duyên còn chăm sóc cha bị liệt và mẹ bị bệnh
Ngoài việc làm thêm kiếm tiền, em Nguyễn Dương Kỳ Duyên còn chăm sóc cha bị liệt và mẹ bị bệnh

Từ khi nhận được giấy báo đậu vào Khoa Quan hệ quốc tế, Trường đại học ngoại ngữ - tin học (TP.Hồ Chí Minh), cả nhà Duyên đều phấn khởi, vui nhiều nhưng lo cũng nhiều vì giấc mơ đậu đại học của Duyên đã thành hiện thực nhưng hoàn cảnh quá khó khăn nên vẫn chưa đủ tiền để đóng học phí.

* Nỗi lo từng ngày

Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ với từng mảng tường loang lổ những vết nứt của gia đình Duyên nằm thấp hơn hẳn so với mặt đường nhựa trước nhà gần 1m. Mỗi lần mưa lớn, nước trên đường ào ào chảy vào nhà Duyên làm ngập cả đồ đạc. Thế mà bao năm nay, gia đình Duyên vẫn cứ sống như thế vì hoàn cảnh quá nghèo, không có tiền để sửa chữa nhà cửa.

Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ngọc Định (huyện Định Quán) cho biết: “Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng Nguyễn Dương Kỳ Duyên luôn nỗ lực chăm ngoan, học giỏi, đặc biệt là rất hiếu thảo. Chúng tôi rất mong các mạnh thường quân sẽ giúp đỡ Duyên có đủ tiền vào đại học, tiếp sức cho em viết tiếp ước mơ thoát khỏi cái nghèo bằng con đường học vấn”.

Bà Dương Thị Thu Liễu (52 tuổi, mẹ của Duyên) rơm rớm nước mắt kể lại, khoảng 20 năm trước, sau những lần đi trao quà từ thiện thì bà gặp và yêu ông Nguyễn Kỳ Phong (49 tuổi, cha của Duyên bây giờ). Ông Phong khi ấy là trẻ mồ côi, đôi chân bị tật nguyền không đi lại được. Bất chấp bị người thân ngăn cản, 2 ông bà vẫn đến với nhau.

Trước đây, khi còn khỏe, hằng ngày, ông Phong ngồi trên chiếc xe tự chế bằng gỗ với 4 chiếc bánh nhỏ nằm sát đất đi học nghề sửa chữa điện tử rồi tự nhận hàng về sửa để lo cho gia đình. Còn bà Liễu phải làm đủ nghề như: bán rau, giúp việc nhà, chở hàng thuê cho người khác. Nhờ đó cuộc sống gia đình của ông bà cũng đắp đổi qua ngày.

Đến năm 2015, ông Phong khi đang làm việc thì bị tai biến và liệt nửa người. Từ đó, mọi sinh hoạt, ăn uống và vệ sinh cá nhân của ông đều phụ thuộc vào vợ con. Đến năm 2017, bà Liễu vì thường xuyên phải mang vác, chở hàng nặng nên bị thoái hóa đĩa đệm, trật cột sống phải phẫu thuật. Tuy nhiên do bị nhiễm trùng sau mổ, nên từ năm 2017 đến nay bà Liễu phải ra vào viện nhiều lần để điều trị, sức khỏe ngày càng yếu không thể làm việc như trước đây.

“Tôi là lao động chính trong gia đình nhưng do những cơn đau hành hạ nên giờ chỉ ở nhà lo nấu cơm nước. Hiện tại, gia đình tôi sống nhờ vào số tiền 900 ngàn đồng/tháng trợ cấp khuyết tật của chồng, gạo thì được các mạnh thường quân cho, còn mọi chi phí khác đều trông chờ vào tiền do con gái đi phụ việc nhà” - bà Liễu tâm sự.

* Quyết tâm học để thoát nghèo

Dù không hoàn cảnh không may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa, nhưng không vì thế mà Duyên chùn bước trước số phận. Với nỗ lực, cố gắng, trong suốt 10 năm học (từ lớp 1 đến lớp 10) Duyên luôn đạt học sinh giỏi của trường. Đến năm lớp 11 và 12, do cha bị liệt, mẹ bệnh nên Duyên phải dành nhiều thời gian chăm sóc cha mẹ và làm thêm, ít có thời gian học nên kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng, chỉ đạt loại khá.

Niềm vui của em Nguyễn Dương Kỳ Duyên khi nhìn lại thành tích học tập trong suốt 12 năm của mình
Niềm vui của em Nguyễn Dương Kỳ Duyên khi nhìn lại thành tích học tập trong suốt 12 năm của mình

Khi chúng tôi hỏi làm thế nào để vượt qua quãng thời gian khi cha mẹ đều bị bệnh, Duyên xúc động kể lại: “Những ngày đầu mẹ nằm viện, buổi sáng sau khi học xong, em đón xe buýt lên Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa) để chăm sóc mẹ rồi chiều tối lại về lo cho cha. Sau 21 giờ, em mới bắt đầu học bài. Khi mẹ khỏe hơn thì buổi sáng em vẫn đến trường, trưa về chăm sóc cha và chiều đi giúp việc nhà cho người ta để kiếm tiền lo viện phí cho mẹ, đến cuối tuần mới lên thăm mẹ ở bệnh viện”.

Vì quá vất vả nên vào đầu năm học lớp 12, Duyên xin cha mẹ cho em nghỉ học để đi làm công nhân nhưng cha mẹ em không đồng ý và thường xuyên động viên con cố gắng học tiếp vì chỉ con đường học vấn mới giúp Duyên thoát khỏi cái nghèo, cái khổ.

Nghe lời cha mẹ, Duyên quyết tâm học tập. Cô học trò nghèo không có tiền đi học thêm nên những lúc rảnh rỗi em tự ôn bài ở nhà. Những kiến thức chưa nắm rõ Duyên đi hỏi thầy cô và mượn thêm sách vở của bạn bè về học. Để dễ nhớ, Duyên tự tóm tắt các bài học ở trường thành một hệ thống thật súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và chịu khó giải thêm nhiều đề thi từ sách hoặc trên internet.

Riêng tiếng Anh là môn học Duyên yêu thích nên sau khi được người quen cho chiếc điện thoại cũ, Duyên đã tự tìm hiểu cách học, nắm vững ngữ pháp tiếng Anh trên internet. Em thường xuyên luyện giải các bài tập nâng cao và nhiều đề thi tiếng Anh trên mạng. Nhờ đó, nhiều năm liền Duyên được nhà trường khen thưởng vì đạt thành tích cao trong cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet.

Với sự nỗ lực không ngừng, Duyên đã vượt qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và trúng tuyển vào Khoa Quan hệ quốc tế Trường đại học ngoại ngữ - tin học (TP.Hồ Chí Minh) với 21,35 điểm.

Sau khi nhận giấy báo trúng tuyển của nhà trường, Duyên đã nhận thêm công việc giúp việc nhà cho một số gia đình trong xã để có tiền lo cho cha mẹ và đóng học phí.

 “Mấy tuần nay, em ráng làm để có đủ tiền đóng học phí nhưng đến nay vẫn chưa đủ. Em chỉ cần đủ tiền đóng học phí năm học đầu tiên để lên TP.Hồ Chí Minh làm thủ tục nhập học. Lên đó em sẽ kiếm việc làm để kiếm tiền lo cho cha mẹ và trang trải việc học hành” - Duyên nói trong sự quyết tâm.                                                                  

    Tố Tâm

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,103,489       764