Xã hội

Điểm mới trong xử lý nợ bảo hiểm xã hội

Đến cuối tháng 7-2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong toàn tỉnh là 540,4 tỷ đồng, trong đó riêng nợ BHXH là 379,9 tỷ đồng.

Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tập huấn các nội dung liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp cho cán bộ Công đoàn cơ sở và cán bộ chuyên trách của doanh nghiệp trong tỉnh
Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tập huấn các nội dung liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp cho cán bộ Công đoàn cơ sở và cán bộ chuyên trách của doanh nghiệp trong tỉnh

Để xử lý tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm dây dưa, kéo dài, mới đây Tòa án nhân dân tối cao và BHXH Việt Nam đã công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15-8-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định rõ hơn về xử lý các tội trốn đóng, nợ đóng các loại bảo hiểm đối với người lao động.

* Nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng”

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, mặc dù tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN của Đồng Nai (chiếm 2,6% tổng số tiền phải thu) thấp hơn mức nợ bình quân của cả nước (hơn 4,6%), nhưng có một số doanh nghiệp nợ số tiền lớn trong thời gian dài đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” khiến các cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Đến hết tháng 7-2019, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trong cả nước là hơn 16,8 ngàn tỷ đồng. Có 28,8 ngàn đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3-6 tháng; 12,1 ngàn đơn vị nợ từ 6-12 tháng và 14,9 ngàn đơn vị nợ trên 12 tháng.

Cụ thể như tại TP.Long Khánh có Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam nợ hơn 9 tỷ đồng của 861 lao động. Huyện Long Thành có Công ty TNHH P&F Vina nợ hơn 15,7 tỷ đồng của hơn 600 lao động. Huyện Trảng Bom có Công ty cổ phần Vietbo nợ hơn 8,1 tỷ đồng của 50 lao động.

Ngoài ra, còn một số công ty khác đã nợ BHXH trong thời gian quá dài mà đến nay vẫn chưa có cách giải quyết triệt để. Đó là Công ty TNHH Kumsung Vina (huyện Long Thành, nợ 86 tháng với số tiền 11,6 tỷ đồng), Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (huyện Tân Phú, nợ 83 tháng với số tiền hơn 2 tỷ đồng), Công ty cổ phần Licogi 16 M&C, chi nhánh Nhơn Trạch nợ 60 tháng của chỉ 1 lao động số tiền 559 triệu đồng…

Riêng trường hợp của Công ty TNHH KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom) đến nay vẫn chưa thống nhất được việc thu hồi tiền nợ để ưu tiên trả tiền lương và đóng BHXH cho người lao động khiến gần 2 ngàn lao động của công ty này tiếp tục phải chờ đợi.

Lo ngại tình trạng doanh nghiệp không có khả năng chi trả các khoản nợ như BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Long Thành Nguyễn Hữu Thành cho hay, có những doanh nghiệp như Công ty TNHH P&F Vina hiện có hơn 600 lao động ngoài nợ tiền BHXH còn nợ cả tiền đoàn phí Công đoàn 4 tỷ đồng, nợ thuế. “Trước đây cơ quan BHXH tỉnh cũng đã đến làm việc với công ty nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng nợ BHXH của công ty. Vì thế, Liên đoàn Lao động huyện rất lo lắng vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động” - ông Nguyễn Hữu Thành bộc bạch.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành, một “lỗ hổng” khác trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến chế độ bảo hiểm đối với người lao động là bản thân người lao động vẫn chưa hiểu rõ về quyền lợi của mình khi tham gia BHXH. “Vừa qua, thanh tra BHXH tỉnh đi thanh tra tại một doanh nghiệp ở huyện Thống Nhất có tình trạng hơn 100 công nhân lao động tự nguyện ký đồng tình với chủ doanh nghiệp đồng ý không tham gia đóng BHXH. Điều này sẽ gây ra nhiều thiệt thòi đối với người lao động” - ông Thành cho biết.

* Hướng dẫn cụ thể những trường hợp phạm tội

Trước tình trạng các doanh nghiệp nợ BHXH số tiền lớn, thời gian kéo dài gây nhiều khó khăn trong công tác chốt sổ BHXH, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động, BHXH tỉnh vừa gửi công văn đến Sở Lao động - thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch - đầu tư, Cục Hải quan Đồng Nai, Cục Thuế Đồng Nai, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai để phối hợp xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp cố tình chậm đóng các loại bảo hiểm.

Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà cho hay, trong Bộ luật Hình sự có bổ sung 3 tội danh là: tội gian lận BHXH, BHTN; tội gian lận BHYT và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Việc bổ sung này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, do những quy định này còn chung chung nên thời gian qua các cơ quan chức năng rất khó xử lý các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực nợ bảo hiểm.

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15-8-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra đời hướng dẫn cụ thể việc áp dụng 3 điều của Bộ luật Hình sự gồm: Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN; Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2019.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Nghị quyết số 05 quy định rõ ràng, cụ thể hơn trường hợp nào phạm tội, trường hợp nào không phạm tội để các cơ quan có liên quan có thể nắm rõ và có cách xử lý phù hợp. Nghị quyết nêu rõ: “Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị  khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Còn đối với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự”.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,105,620       501