Xã hội

Ở trọ ngay trên quê nhà

Những năm gần đây, không chỉ ở thành thị mà cả những vùng nông thôn như huyện Xuân Lộc, giá đất cũng tăng lên vùn vụt. Hệ lụy là không ít người lao động ở huyện Xuân Lộc khó mua được đất xây nhà vì mức thu nhập không thể theo nổi "cơn sốt" đất.

Những năm gần đây, không chỉ ở thành thị mà cả những vùng nông thôn như huyện Xuân Lộc, giá đất cũng tăng lên vùn vụt. Hệ lụy là không ít người lao động ở huyện Xuân Lộc khó mua được đất xây nhà vì mức thu nhập không thể theo nổi “cơn sốt” đất.    

Nhiều lao động là người địa phương ở huyện Xuân Lộc phải đi ở trọ do không có đất xây nhà. Ảnh: N.PHƯƠNG
Nhiều lao động là người địa phương ở huyện Xuân Lộc phải đi ở trọ do không có đất xây nhà. Ảnh: N.PHƯƠNG

Hiện nay, tại thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc) và các xã ven thị trấn mọc lên ngày càng nhiều khu nhà trọ dành cho người có thu nhập thấp. Những người đi ở trọ không chỉ là người dân nhập cư đến làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện mà có cả người dân địa phương.

* Khó mua đất ở nông thôn

Tại xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) có khá nhiều khu nhà trọ nhưng lúc nào cũng chật kín. Trong đó có nhiều người đi ở trọ là công nhân, người lao động tự do là người dân địa phương.

Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết, hiện nay huyện chưa có các khu nhà ở, khu đất dành cho người thu nhập thấp. Đây cũng là vấn đề đang được UBND huyện tính toán, cân nhắc nhằm hướng đến mục tiêu tạo nơi ở ổn định cho tất cả người dân. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, UBND huyện sẽ tiến hành khảo sát kỹ lưỡng về thực trạng khó khăn nhà ở của người dân. Trên cơ sở đó sẽ quy hoạch về đất đai cũng như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Gia đình bà Trần Thị Hồng và ông Phan Thanh Dũng (ngụ xã Xuân Hiệp) đi ở trọ đã 8 năm qua. Vì cha mẹ hai bên đều nghèo, không có đất đai tài sản để lại nên vợ chồng ông bà phải ra ngoài thuê nhà trọ. Hằng ngày, ông Dũng đi bán kem dạo, còn bà Hồng do sức khỏe yếu nên ở nhà nhận sửa quần áo cũ, bán tạp hóa cho khách ở các dãy trọ.

 Bà Hồng tâm sự: “Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi chỉ nghĩ ra ở trọ vài năm rồi kiếm tiền mua đất, cất nhà. Ấy thế mà đã gần chục năm trôi qua, số tiền tích cóp cũng chẳng được là bao so với giá đất hiện nay”.

Còn đối với gia đình ông Mai Văn An và bà Mari (ngụ ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp), việc mua đất xây nhà hiện khó có thể thực hiện. Lương công nhân của vợ chồng ông chỉ khoảng trên 10 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng chi phí ăn uống, thuê nhà, học hành của con... cũng tiêu tốn khá nhiều, tiền dành dụm chẳng còn đáng là bao trong khi giá đất thì mỗi ngày mỗi tăng.

“Một lô đất diện tích chỉ vài chục mét vuông, vị trí nằm cách xa khu dân cư giá cũng phải 500 triệu đồng, khó mà mua nổi. Còn đất nông nghiệp mà người dân tự xẻ ra bán giấy tay cũng đôi ba trăm triệu thì mình không dám mua” - ông An cho biết.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Xuân Lộc cho hay, trong khoảng 2 năm trở lại đây, không riêng tại Xuân Lộc mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh giá đất đều tăng rất cao. Rất nhiều người từ khắp nơi đến đây mua đất, thông qua lực lượng môi giới hay còn gọi là “cò đất” thì giá trị của các mảnh vườn, mảnh rẫy có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba lần, thậm chí nhiều hơn. Khi mua được, họ lại nhờ đến “cò” để bán kiếm lãi và cứ như thế giá đất đẩy lên vùn vụt, điều này khiến cho giá cả sang nhượng đất ở của người dân cũng như các công trình dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn.

* Cần có quy hoạch xây nhà ở xã hội

Cũng theo ông Nguyễn Thế Bảo, hiện nay địa phương vẫn chưa có khu đất nào quy hoạch nhà ở cho người có thu nhập thấp mà chỉ có 3 khu tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng đất và nhà ở để thực hiện các công trình dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện ở thị trấn Gia Ray và các xã Xuân Hiệp, Xuân Tâm.

Là người dân ở xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) nhưng chị Trần Thị Hồng vẫn đi ở trọ do không mua nổi đất vì giá đất tăng cao
Là người dân ở xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) nhưng chị Trần Thị Hồng vẫn đi ở trọ do không mua nổi đất vì giá đất tăng cao

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Xuân Lộc cho biết, hiện nay các chính sách thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo thì rất nhiều như: hỗ trợ vốn, nghề nghiệp, cây - con giống, nhà ở, bảo hiểm y tế... nhưng việc hỗ trợ về đất ở thì chưa có.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Xuân Lộc cũng cho hay, hiện nay số công nhân, người lao động trên địa bàn có khoảng 26 ngàn người. Trong đó khoảng 98% là người địa phương, số còn lại ở các địa phương lân cận như: Định Quán, Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) thường đi về trong ngày do có xe đưa đón công nhân. Do đó nhu cầu nhà ở của công nhân là người dân địa phương rất lớn.

Trong những năm gần đây, phong trào Mái ấm Công đoàn đã được các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện quan tâm, chăm lo cho người lao động. Cụ thể từ năm 2018 đến nay, Liên đoàn Lao động huyện đã vận động xây dựng được 2 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Từ nay đến cuối năm 2019 sẽ tiếp tục xây thêm 3 căn nữa. Mỗi căn nhà sẽ được hỗ trợ tiền xây dựng là 50 triệu đồng, được xây dựng trên phần đất của gia đình người lao động. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động huyện cũng vận động các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động tặng thêm các vật dụng khác trị giá từ 5-10 triệu đồng/trường hợp.

Tuy nhiên, phong trào Mái ấm Công đoàn chỉ hỗ trợ tiền xây nhà cho người lao động. Việc hỗ trợ đất xây nhà cho công nhân, người lao động thì đơn vị không thực hiện được. Do đó, việc triển khai phong trào Mái ấm Công đoàn cũng gặp khó khăn vì thiếu nguồn đất để xây nhà.

Trong cơn sốt đất hiện nay, ước mơ có một căn nhà nhỏ của những người lao động có thu nhập thấp, ngay ở vùng nông thôn cũng không dễ thực hiện. Vì vậy, khi đưa các khu công nghiệp vào hoạt động nên chăng các địa phương cần có quy hoạch xây dựng các khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp để họ an cư lạc nghiệp, yên tâm lao động, sản xuất.     

Nam Phương

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,106,214       654