Xã hội

Tín hiệu vui từ những ca mổ tim cho trẻ em

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật tim hở cho bệnh nhi P.H.T.T. (9 tuổi, ngụ KP.2, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa).

Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật tim cho bệnh nhi P.H.T.T.
Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật tim cho bệnh nhi P.H.T.T.

Đây là ca mổ tim hở thứ 2 cho trẻ em được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, mở ra nhiều cơ hội cho trẻ em bị tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh.

* Nhiều bệnh viện hợp sức

9 giờ sáng ngày 25-7, hai ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu cuộc phẫu thuật cho bệnh nhi P.H.T.T. Bác sĩ Trần Thị Khánh Vân của Bệnh viện Chợ Rẫy giữ vai trò phẫu thuật viên chính. Hai bác sĩ Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Công Tiến của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai giữ vai trò phụ phẫu thuật.

Sau khi trẻ được phẫu thuật tim, cha mẹ cần lưu ý về vấn đề dinh dưỡng, hạn chế cho trẻ vận động quá mạnh, chạy nhảy, leo trèo, tránh để vết mổ của trẻ bị nhiễm trùng, đặc biệt là 3 tháng đầu sau mổ.

Để quá trình phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, gần 15 bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên khác luôn túc trực trong và ngoài phòng mổ để hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật, từ gây mê, vận hành máy đến cung cấp dụng cụ phẫu thuật. Khi ê-kíp bác sĩ, kỹ thuật viên phẫu thuật vào trong phòng mổ, một ê-kíp y, bác sĩ khác ở vòng ngoài gấp rút chuẩn bị giường bệnh, máy móc để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhi sau phẫu thuật.

TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhi P.H.T.T. được phát hiện bị thông liên thất từ nhỏ, lỗ thông khoảng 9mm, là dạng phổ biến nhất của dị tật tim bẩm sinh. Mặc dù phát hiện bệnh từ sớm nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gia đình chỉ đưa em đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để thăm khám định kỳ và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bé T. đã 9 tuổi nhưng chỉ nặng có 22kg.

Trong 4 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã vá lỗ thông liên thất cho bệnh nhi bằng màng ngoài tim. Ca mổ diễn ra thành công và bệnh nhi tiếp tục được đưa ra phòng hồi sức sau mổ để được chăm sóc, theo dõi. Dự kiến, khoảng 3, 4 ngày sau mổ, bệnh nhi P.H.T.T. sẽ được chuyển qua Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để được chăm sóc trước khi được xuất viện về nhà.

* Bệnh nhi và người nhà được hưởng lợi

Bác sĩ Lê Thành Khánh Phong, bác sĩ gây mê của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Mỗi khi các bệnh viện ở Đồng Nai cần sự giúp đỡ, Ban giám đốc của Bệnh viện Chợ Rẫy phân công luân phiên các bác sĩ phù hợp để xuống Đồng Nai hỗ trợ phẫu thuật tim cho cả người lớn và trẻ em. Mỗi lần như vậy, bệnh viện cử một bác sĩ phẫu thuật, một bác sĩ gây mê và một kỹ thuật viên. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện ở Đồng Nai thực hiện các ca mổ tim, đem lại cơ hội sống tốt hơn cho bệnh nhân”.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, phẫu thuật tim hở là một kỹ thuật khó, càng khó hơn khi đó là trẻ em. Trước tình trạng nhiều bệnh nhi bị tim bẩm sinh ở Đồng Nai phải xếp lịch từ vài tháng đến vài năm để được các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh tiến hành phẫu thuật, tốn kém nhiều chi phí, công sức đi lại và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo Sở Y tế đầu tư một số máy móc cần thiết phục vụ phẫu thuật tim cho trẻ em đồng thời cử bác sĩ đi đào tạo tại Bệnh viện nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng hợp tác và nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện nhi đồng 1 để tiến hành hội chẩn, phẫu thuật cho trẻ; hợp tác với Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai trong vấn đề sàng lọc bệnh trước ca mổ và chăm sóc bệnh nhi sau ca phẫu thuật.

Được biết, hiện có 2 phương pháp chính để điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em. Đó là phẫu thuật tim hở và can thiệp tim mạch. Về phương pháp can thiệp tim mạch, các bác sĩ sẽ gây tê hoặc gây mê cho bệnh nhân rồi luồn các ống vào đường mạch máu ở tay hoặc chân rồi vào tận trong tim, dùng các dụng cụ để bít các lỗ hở hoặc dùng các quả bóng nong các chỗ hẹp ra mà không cần mổ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ chữa được một vài nhóm bệnh đơn giản, còn lại đa số các bệnh lý về tim vẫn phải điều trị bằng mổ tim hở. 

TS-BS.Nguyễn Anh Dũng cho hay, phẫu thuật tim hở cho trẻ em ngoài yêu cầu phải có đầy đủ các loại máy móc cần thiết như: máy tim phổi nhân tạo, máy gây mê, máy thở cho trẻ em còn đòi hỏi phải có ê-kíp bác sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề cao, chuyên về phẫu thuật tim cho trẻ em để tính toán liều lượng thuốc và xử lý ca bệnh cho tốt.

 “Phẫu thuật tim cho trẻ em yêu cầu tính chính xác cao để rút ngắn thời gian phẫu thuật không cần thiết, giúp trẻ phục hồi tốt hơn sau mổ. Diện tích cơ thể, sinh lý, khả năng chịu đựng của trẻ cũng kém hơn so với người lớn nên đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải thực hiện thật kỹ càng, tỉ mỉ, cẩn thận hơn rất nhiều so với phẫu thuật tim người lớn” - bác sĩ Anh Dũng cho biết.

Việc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có thể triển khai mổ tim hở cho trẻ em giúp các gia đình có trẻ bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh giảm được rất nhiều chi phí, thời gian, công sức đi lại, phẫu thuật so với trước đây khi phải lên các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh để phẫu thuật. Bên cạnh đó, các em còn được hưởng đầy đủ chế độ bảo hiểm y tế khi mổ tim hở tại Đồng Nai. Dĩ nhiên, rất cần sự chung tay, góp sức của các mạnh thường quân để các gia đình có thêm chi phí, giúp nhiều trẻ em bị tim có cơ hội chữa khỏi bệnh.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,114,100       628