Xã hội

Sâu nặng nghĩa tình với người có công

Hội thu Áo lụa tặng bà chỉ là một trong số rất nhiều mô hình tri ân người có công, gia đình người có công đã và đang được thực hiện ở Đồng Nai trong nhiều năm qua.

Xếp hàng theo các bạn tiến về phía thùng quyên góp hội thu Áo lụa tặng bà do Nhà thiếu nhi Đồng Nai phát động, em Nguyễn Văn Trung (học năng khiếu ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai, ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho hay, em mong những phần quà từ số tiền quyên góp sẽ giúp các Bà mẹ Việt Nam anh hùng vui vẻ, sống lâu.

Những phần quà do các em thiếu nhi quyên góp trong Hội thu
Những phần quà do các em thiếu nhi quyên góp trong Hội thu "Áo lụa tặng bà” do Nhà thiếu nhi Đồng Nai phát động. (ảnh: Văn Truyên).

TIN LIÊN QUAN
Hội thu Áo lụa tặng bà chỉ là một trong số rất nhiều mô hình tri ân người có công, gia đình người có công đã và đang được thực hiện ở Đồng Nai.

Nhiều mô hình ý nghĩa

Trong dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7), tỉnh Đồng Nai có gần 16,5 ngàn đối tượng có công được nhận quà 27-7 của Trung ương với 2 mức quà là 400 ngàn đồng/phần và 200 ngàn đồng/phần. Ngoài ra, có trên 17,3 ngàn thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gia đình liệt sĩ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh được nhận quà của UBND tỉnh trị giá 700 ngàn đồng/phần.

Mô hình mỗi cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng từ 1-2 gia đình chính sách ở huyện Xuân Lộc thời gian qua nhận được sự, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Mỗi tháng, từ số tiền do người lao động đóng góp, từng cơ quan, đơn vị tổ chức đến thăm, dành thời gian trò chuyện, dọn dẹp nhà cửa, trao tặng quà... cho những gia đình có công.

Theo ông Lương Thanh Tùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Xuân Lộc, đến nay các cơ quan, đơn vị trong huyện đã nhận phụng dưỡng được 82 gia đình người có công. Mô hình tri ân này sẽ tiếp tục được huyện Xuân Lộc nhân rộng để có thêm nhiều gia đình có công được nhận sự chăm sóc hằng tháng.

Theo mức hỗ trợ chung của Nhà nước thì người có công, gia đình có công được nhận 40 triệu đồng khi xây nhà và 20 triệu đồng khi sửa chữa nhà. Để căn nhà tình nghĩa thêm khang trang, UBND huyện Thống Nhất đã vận động từ nguồn xã hội hóa cùng đóng góp vào việc xây, sửa nhà cho gia đình chính sách.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hảo (99 tuổi, ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, là vợ của liệt sĩ Ngô Hảo) đang được con trai là ông Ngô Văn Thuận chăm sóc. ảnh: V.Truyên
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hảo (99 tuổi, ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, là vợ của liệt sĩ Ngô Hảo) đang được con trai là ông Ngô Văn Thuận chăm sóc. ảnh: V.Truyên

Bà Lê Thị Hoa (87 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm 2, vợ liệt sĩ Trần Đình Thi) là một trong những gia đình người có công được nhận sự hỗ trợ về nhà ở theo chương trình này. Theo quy định, gia đình bà chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng. Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Thống Nhất đã vận động từ nguồn xã hội hóa được 50 triệu đồng để tiếp thêm kinh phí giúp bà Hoa có được căn nhà tươm tất hơn.

Tính từ cuối năm 2018 đến nay, thông qua cách làm này gần 10 gia đình chính sách ở huyện Thống Nhất đã có thêm điều kiện đầu tư cho ngôi nhà bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

* Nén hương ấm lòng liệt sĩ

Hiện toàn tỉnh đang quản lý hồ sơ của 52.954 người có công và gia đình có công. Từ đầu năm 2019 đến nay, Đồng Nai đã thực hiện chi trả trên 116 tỷ đồng cho những người có công hưởng trợ cấp hằng tháng và trợ cấp 1 lần.

Không chỉ phụng dưỡng hằng tháng, xây dựng, sửa chữa về nhà ở cho đối tượng người có công như tại Xuân Lộc và Thống Nhất, huyện Tân Phú còn duy trì những mô hình bữa cơm tri ân ở gia đình những liệt sĩ.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú cho biết từ nhiều năm qua, Chi đoàn Khối văn hóa xã hội UBND huyện thường xuyên đến từng gia đình có công để chuẩn bị bữa ăn và ăn cùng các thành viên trong gia đình. Nhận thấy việc làm của Chi đoàn Khối văn hóa xã hội UBND huyện có ý nghĩa, vừa qua Huyện đoàn Tân Phú đã nhân rộng mô hình bữa cơm tri ân trong toàn huyện.

Riêng tại xã Phú Điền của huyện Tân Phú, từ 25 năm qua duy trì được mô hình dâng hương liệt sĩ trong ngày giỗ thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương dành cho liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Ông Lê Hoàng Dân (76 tuổi, ngụ xã Phú Điền), em trai liệt sĩ Lê Văn Thành cho hay, việc làm của UBND xã đối với gia đình liệt sĩ là rất ý nghĩa. Chưa năm nào cán bộ địa phương quên ngày giỗ của anh trai ông mà định kỳ đến dâng hương, cúng trái cây lên bàn thờ liệt sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đến các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (ảnh: Huy Anh)
Cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đến các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (ảnh: Huy Anh)

Do huyện Thống Nhất không có nghĩa trang liệt sĩ nên tất cả phần mộ của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng đều được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom. Rất nhiều người thân là cha mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ do đã già, sức khỏe yếu nên việc di chuyển bằng xe máy trên quãng đường vài chục cây số từ huyện Thống Nhất đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom viếng mộ người thân là rất khó khăn.

Xuất phát từ thực tế đó, nhiều năm qua cứ đến dịp 27-7, UBND huyện Thống Nhất đều tổ chức xe đưa đón người thân của liệt sĩ đang sinh sống ở huyện đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom để viếng, dâng hương. Sau khi dâng hương xong, Ban tổ chức đưa mọi người trở về nơi tổ chức lễ kỷ niệm để dự lễ, ôn lại truyền thống…

Theo bà Đặng Thị Canh (70 tuổi, con dâu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, ngụ xã Xuân Thiện), việc làm của UBND huyện Thống Nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân người có công, nhất là với những người lớn tuổi như mẹ con bà vượt đường xa đến viếng phần mộ liệt sĩ là người thân trong những dịp lễ, tết.

Võ Tuyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,115,016       668