Xã hội

Gia tăng bệnh ung thư phổi

Gần đây, bệnh nhân ung thư phổi nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có xu hướng tăng. Đáng lo ngại nhất là bệnh nhân thường vào viện ở giai đoạn muộn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân P.V.H. tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: T.ANH
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân P.V.H. tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: T.ANH

Theo TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bệnh ung thư phổi nếu phát hiện sớm, được điều trị và theo dõi tích cực có thể khỏi bệnh, còn phát hiện muộn không chỉ khó khăn trong điều trị mà còn có nguy cơ dẫn đến tử vong cao.

* Nhập viện trễ, tử vong cao

Đang chờ để phẫu thuật cắt khối u phổi tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ông Phạm Văn H. (52 tuổi, ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) rất lo lắng về căn bệnh của mình. Ông H. cho biết bị ho 4 năm nay; mỗi lần ho, khạc đàm có máu và sau 1 tuần lại hết, 6 tháng sau tình trạng này lại tái diễn. Thấy sức khỏe và ăn uống bình thường nên chủ quan không đi khám, nhưng 2 tháng gần đây ông ho và khạc đàm có máu nhiều nên mới đến Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành kiểm tra sức khỏe. Qua thăm khám và chụp X-quang, CT, ông được chẩn đoán là bị u phổi và được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để điều trị.

Nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ung thư phổi là do người bệnh hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, khói bụi…; trong đó hút thuốc lá được ghi nhận là nguyên nhân hàng đầu vì chiếm đến 80%. Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân ung thư phổi nhập viện điều trị tại bệnh viện ngày càng gia tăng. Nếu như trước đây trung bình mỗi tháng có từ 2-3 ca ung thư, thì đến thời điểm này cứ trung bình 1 tháng đã có hơn 10 ca nhập viện điều trị.

Còn ông Dương Văn N. (56 tuổi, ở phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) mang trong mình căn bệnh u phổi giai đoạn muộn và khả năng dẫn đến ung thư cao nhưng ông không hề hay biết. Đến khi nhập viện điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai do bị tai nạn té trên giàn giáo xuống thì ông N. được bác sĩ cho biết thêm ông bị u phổi ở giai đoạn trễ. ông N. cho biết thi thoảng xuất hiện những cơn ho và tức ngực nhưng cứ nghĩ do lao động nặng nhọc và hút thuốc lá lâu năm nên mới như vậy.

Theo TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, đối với bệnh nhân H. do được phát hiện sớm nên kết quả điều trị sẽ tốt hơn và có nhiều hy vọng. Còn phát hiện muộn như bệnh nhân N. thì khả năng dẫn đến ung thư cao, vì bệnh gây tràn dịch màng phổi, xâm lấn và gây khó thở. Trước tiên bác sĩ  sẽ áp dụng phương pháp điều trị triệu chứng và giảm đau, sau đó mới cho bệnh nhân hóa trị, xạ trị tùy theo tình trạng bệnh.

Bệnh ung thư phổi được ghi nhận tỷ lệ mắc nhiều nhất và tử vong cao trong các loại ung thư ở nam giới và đứng thứ 2 sau ung thư vú ở nữ giới. Bệnh gây nên tình trạng khá nguy hiểm, thế nhưng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chỉ có khoảng 10-20% được phát hiện, điều trị ở giai đoạn sớm, còn 80-90% bệnh nhân đều vào viện ở giai đoạn muộn.

Cũng theo TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, bệnh nhân khi phát hiện sớm chỉ cần cắt bỏ khối u, sau đó tiếp tục hóa trị hoặc xạ trị mới có kết quả tốt, nếu sau 5 năm bệnh không tái phát là đã khỏi bệnh. Còn phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân chỉ điều trị tạm thời các triệu chứng và giảm đau, hoặc có thể hóa trị, xạ trị tùy theo. Thực tế cho thấy, những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn điều trị không mang lại kết quả tốt mà còn dẫn đến tử vong cao trong vòng 1 năm, tỷ lệ này chiếm đến 90%.

* Phát hiện sớm cứu chữa kịp thời

Biểu hiện bệnh ung thư rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, chẳng hạn người bình thường có biểu hiện ho, người mệt mỏi, đau ngực… những biểu hiện này nằm trong bệnh cảnh của rất nhiều bệnh khác. Vì vậy, bệnh nhân hay chủ quan bỏ qua triệu chứng và đến bệnh viện ở giai đoạn muộn.

Theo TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, biểu hiện đầu tiên của bệnh ung thư phổi là ho, ho kéo dài từng cơn, có đàm và không có đàm... Bệnh nhân thường được điều trị giống như viêm nhiễm đường hô hấp không khỏi, kéo dài mấy tuần thậm chí mấy tháng, rồi dần dần ho ra máu, đau ngực, người mệt mỏi, chán ăn, gầy sút làm cho bệnh nhân rất khó chịu.

TS-BS.Nguyễn Anh Dũng cho biết, bệnh nhân ung thư có liên quan đến hút thuốc lá, để phòng bệnh trước hết cần bỏ thuốc lá, những người nào đang hút thuốc lá cần bỏ ngay, với người chưa hút thì tuyệt đối không nên hút, vì không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe cho bản thân và mọi người xung quanh. Ngoài ra, sống trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ, tránh các khói bụi từ nhà máy và môi trường xung quanh.

Hiện nay, có nhiều phương pháp giúp chẩn đoán bệnh như: chụp X-quang, CT cắt lớp phổi và MRI. Nếu qua hình ảnh chụp nghi ngờ có khối ở phổi người bệnh tiếp tục được nội soi phế quản xem có tổn thương hay không, rồi lấy mẫu phần bị tổn thương đi làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó, các bác sĩ mới đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp nhằm mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân. Do đó, khi có các biểu hiện trên bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế kiểm tra để chẩn đoán bệnh sớm và được cứu chữa kịp thời.

Thảo Anh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,147,734       267