Xã hội

"Lỗ hổng" an ninh bệnh viện

Bác sĩ Nguyễn Anh Vương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết thời gian gần đây tại Khoa Cấp cứu xảy ra khá thường xuyên tình trạng người nhà bệnh nhân đe dọa hành hung, chửi bới, gây áp lực với bác sĩ, nhân viên y tế.

Một ca cấp cứu do tai nạn giao thông tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.LÊ
Một ca cấp cứu do tai nạn giao thông tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.LÊ

Mặc dù chưa có vụ việc nghiêm trọng nào xảy ra nhưng điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của y, bác sĩ cũng như chất lượng các ca cấp cứu. Nhất là đối với những ca trực khuya, lúc nào bác sĩ cũng có cảm giác không được an toàn.

* Lo sợ bị hành hung

Bác sĩ Vương chia sẻ: “Khi người bệnh vào cấp cứu cần có thời gian để đánh giá ban đầu, xem xét vết thương cũng như các xét nghiệm lâm sàng, từ đó có những biện pháp điều trị thích hợp, tránh sai sót trong chuyên môn. Tuy nhiên, người nhà không hiểu, có những hành động gây áp lực với các y, bác sĩ. Dĩ nhiên vừa làm việc vừa lo sợ bị người nhà hành hung, chất lượng ca cấp cứu rất ảnh hưởng”.

Còn bác sĩ Đỗ Anh Quang, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay: “Khi bị đe dọa, hành hung chúng tôi thường chọn giải pháp im lặng để tự bảo vệ, tiếp tục công việc chuyên môn, nếu người nhà quá kích động chúng tôi sẽ nhờ lực lượng bảo vệ can thiệp, tuy nhiên bản thân họ cũng bị đe dọa”.

Chính vì vậy, mặc dù lương và các chế độ khác tại Khoa Cấp cứu cao sơn so với các khoa, phòng khác nhưng để giảm bớt áp lực, không ít nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu xin lãnh đạo bệnh viện cho điều chuyển đội ngũ làm tại khoa. “Bản thân tôi mới đây cũng đã phải xin điều chuyển về Phòng đào tạo vì không chịu nổi áp lực” - bác sĩ Quang chia sẻ.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết việc bị hành hung, đe dọa không chỉ xảy ra ở những nhân viên y tế làm trực tiếp mà còn xảy ra ở nhiều bộ phận khác như: kế toán, bảo vệ…  Đơn cử như mới đây, một nhân viên bảo vệ tại khoa đã bị người nhà bệnh nhân đánh với lý do là không cho họ vào thăm nuôi, mặc dù khoa đã có quy định giờ thăm nuôi bệnh nhân. Một trường hợp nữa là điều dưỡng trong Khoa Cấp cứu bị dọa đánh, xô ngã ở phòng chăm sóc bệnh nhân…

“Không như những khoa lâm sàng khác, đặc điểm của Khoa Cấp cứu là “chớp nhoáng” đánh giá nhanh, xử lý nhanh. Nếu trì hoãn thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, nhất là đối với những ca liên quan đến việc sống, chết, bác sĩ luôn đặt cứu chữa bệnh nhân lên hàng đầu. Tuy nhiên, phía người nhà bệnh nhân do không hiểu hết tính chất công việc, nhiều người gây áp lực cho bác sĩ, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả công việc do bác sĩ vừa phải cấp cứu vừa lo sợ người nhà bệnh nhân hành hung” - bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

* Cần có giải pháp ngăn chặn

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, để hạn chế tình trạng người nhà bệnh viên đe dọa, hành hung bác sĩ, giải pháp trước mắt vẫn là làm sao tạo được sự tin tưởng giữa người nhà bệnh nhân với cơ sở y tế. Cụ thể, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai luôn quán triệt dù trong hoàn cảnh nào cũng phải hòa nhã, thân thiện, cố gắng giải đáp hết các thắc mắc của người nhà, động viên họ yên tâm chờ đợi để được cứu chữa, kiềm chế không tranh cãi khi bị người nhà bệnh nhân đe dọa. Tiến hành song song việc sơ cấp cứu, xét nghiệm với các thủ tục hành chính cần thiết tránh để bệnh nhân hay người nhà chờ đợi quá lâu gây bức xúc, từ đó người nhà sẽ tin tưởng vào ê-kíp và chấp nhận chờ đợi để người nhà mình được cứu chữa.

Bên cạnh đó cần có những chế tài xử lý nghiêm đối với những người có hành vi truy sát, hành hung, đe dọa y, bác sĩ… Phải xem bác sĩ đang cứu chữa bệnh nhân là người đang thực thi nhiệm vụ và việc hành hung phải được xem là hành động chống người thi hành công vụ, từ đó xử lý nghiêm theo pháp luật.

Bác sĩ Nguyễn Anh Vương thì cho rằng cần bố trí Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Thống nhất hợp lý hơn như: Phòng Cấp cứu phải có khu cách ly với người nhà bệnh nhân, chỉ có bác sĩ và nhân viên y tế được vào và phải có bảo vệ chuyên nghiệp trực gác 24/24 giờ. Có như vậy bác sĩ và nhân viên y tế mới yên tâm làm việc, toàn tâm toàn ý cho ca cấp cứu của mình.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết tình trạng hành hung nhân viên y tế đang là vấn đề rất nhức nhối, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu rõ về quy trình cấp cứu, khám chữa bệnh để họ không bức xúc, gây khó cho nhân viên y tế. Thời gian tới ngành y tế tiếp tục tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện, nhất là hệ thống cấp cứu về kỹ năng xử lý các tình huống, kỹ năng nắm bắt tâm sinh lý người bệnh, người nhà từ đó có những ứng xử phù hợp hơn.

Ngoài ra, cần tăng cường lực lượng bảo vệ ở khoa cấp cứu để bác sĩ yên tâm làm việc. Sở Y tế cũng đã ký kết quy chế phối hợp với Công an tỉnh trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh vực y tế. Theo đó, sở sẽ đề nghị phía ngành công an cử thêm chiến sĩ trực chiến 24/24 giờ tại các bệnh viện lớn nhằm kịp thời khống chế những đối tượng quá khích, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về sự hy sinh thầm lặng của những người làm nghề y, để họ hiểu, thông cảm với sự vất vả của nghề này.

Hoàn Lê

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,143,037       234