Xã hội

Cha mẹ đừng tạo ra những "gia đình smart phone"

PGS-TS.Trần Thành Nam hiện là Trưởng khoa Các khoa học giáo dục Trường đại học giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội). Ông nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học lâm sàng tại Trường đại học tổng hợp Vanderbilt - Hoa Kỳ.

  PGS-TS.Trần Thành Nam có nhiều năm kinh nghiệm thực hành can thiệp trị liệu và hơn 10 năm giảng dạy bậc sau đại học các chuyên đề về tâm lý, ông cũng là người chịu trách nhiệm triển khai chương trình Thạc sĩ tham vấn học đường từ năm 2018.

PGS-TS.Trần Thành Nam cho rằng trẻ em chính là tấm gương phản chiếu của hệ giá trị từ cha mẹ, nhà trường, và để có những đứa trẻ hạnh phúc, vui vẻ, tự tin tồn tại giữa xã hội ngày nay, cha mẹ phải là những người có vai trò trách nhiệm đầu tiên. Hãy dành cho con ít nhất 10 phút trò chuyện chất lượng mỗi ngày và đừng tạo thêm những “gia đình smart phone” .

* 20% trẻ em có tổn thương tâm lý

 Ông đánh giá và nhìn nhận thế nào về thực trạng tâm lý trẻ em và trẻ vị thành niên hiện nay? Các hiện tượng trẻ bị trầm cảm, tâm thần, sang chấn tâm lý... liệu có phổ biến và đáng lo ngại chưa?

- Theo các nghiên cứu về dịch tễ của ngành tâm thần học về tổn thương sức khỏe tâm thần học đường thì có khoảng 20% học sinh đang có những vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, bao gồm: lo âu, trầm cảm, các vấn đề rối loạn hành vi và cảm xúc... ở mức cần sự giúp đỡ. Theo tôi, 20% là tỷ lệ đáng báo động, nghĩa là cứ 5 em học sinh thì có 1 em cần được hỗ trợ về sức khỏe tâm thần với các mức độ hỗ trợ khác nhau.

Mặt khác, các nghiên cứu cũng chỉ ra cùng với sự phát triển nóng của kinh tế - xã hội, gãy vỡ trong các mối quan hệ gia đình, chất liệu bạo lực tràn lan từ đời thực đến mạng xã hội... góp phần làm cho tỷ lệ trẻ có vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần có xu hướng tăng. Bạo lực trong ứng xử và bạo lực học đường nói chung đang trở thành vấn nạn của xã hội. Điều này khiến Bộ GD-ĐT khá lo ngại và đã ra Thông tư 31 hướng dẫn về tham vấn tâm lý học đường, là một bước đầu tiên để phòng ngừa nguy cơ tổn thương tâm lý học đường.

 Ở các nước phát triển, thông thường trẻ em có người theo dõi và tham vấn tâm lý ngay tại trường. Điều này có khả thi với điều kiện của Việt Nam hiện tại?

- Thông tư 31 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông với 4 chương, 14 điều đã tạo một hành lang pháp lý để xây dựng đội ngũ chuyên viên tham vấn học đường tại các trường học để hỗ trợ học sinh. Hiện tại ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng có một số trường triển khai phòng tham vấn tâm lý, song chưa thực sự hoàn thiện về mô hình hay thực hiện đúng chức năng. Hơn nữa, đội ngũ nhân lực có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ của chuyên viên tham vấn học đường cũng chưa nhiều. Cho đến nay, mới chỉ có duy nhất chương trình đào tạo thạc sĩ tham vấn học đường được triển khai ở Trường đại học giáo dục chứ chưa có bất cứ một chương trình đào tạo nào khác với mã ngành này. Đó là một thách thức cần vượt qua

 Trong góc nhìn của ông, một xã hội đang chuyển mình và có những thay đổi mạnh mẽ về mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và văn hóa như Việt Nam hiện tại có phải là một môi trường ổn thỏa để trẻ vị thành niên phát triển tốt?

- Cuộc sống hiện tại thay đổi quá nhanh, trẻ em sống trong môi trường mà bản thân chúng bị kỳ vọng và đặt áp lực quá nhiều. Cha mẹ hoang mang vì không đủ kỹ năng để hỗ trợ con  trước những áp lực đổi thay nhanh và mạnh của xã hội.

Cách làm phổ biến hiện tại của nhiều cha mẹ là đóng tiền cho con đi học các khóa kỹ năng sống với học phí khá đắt đỏ. Nhưng theo quan sát của tôi, hiệu quả của các khóa học này không cao. Cha mẹ không thể biết người dạy cho con mình kỹ năng sống có thực sự giỏi kỹ năng đó không. Họ chỉ thuyết trình cho các em biết cần phải làm gì khi gặp tình huống (biết kỹ năng về lý thuyết) chứ không dạy cho các em làm như thế nào (thực hành kỹ năng). Dạy kỹ năng chỉ trong một tình huống giả định được sắp đặt chứ không phải là tình huống thực tế hằng ngày ở nhà. Dạy kỹ năng thuần túy mà không giáo dục giá trị: lòng trung thực, sự tự trọng, hướng thiện... thì những kỹ năng đó có thể quay ngược lại phục vụ cho những mục đích không tốt. Và với một đứa trẻ, điều này càng dễ xảy ra.

Một số các dấu hiệu cơ bản có thể quan sát ở một học sinh có dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần đó là: suy giảm hoặc không thực hiện được các hoạt động chức năng hằng ngày (ví dụ như rối loạn nhịp ăn, ngủ, kết quả học tập giảm sút; thu mình, không thể giao tiếp hiệu quả với bạn bè); cảm xúc thay đổi thất thường; dễ cáu bẳn và mất kiểm soát hành vi... Đó là những dấu hiệu mà cha mẹ có thể nhận ra ở con mình để sớm có phương pháp hỗ trợ giúp đỡ con.

Hạnh phúc có phải là một yếu tố quan trọng trong đời sống của trẻ em? Chúng ta phải làm gì để giúp trẻ em trở nên hạnh phúc?

- Khái niệm hạnh phúc khá rộng, một đứa trẻ hạnh phúc cũng khó định nghĩa. Nhưng nôm na đó là trạng thái thỏa mãn, hài lòng, luôn có nhiều cảm xúc tích cực như vui vẻ, hứng thú, tự hào, cảm thấy trân trọng cuộc sống.

Để giúp trẻ trở nên hạnh phúc, hãy thỏa mãn những nhu cầu của trẻ. Các em đều cần được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được thông cảm, được thấy mình có giá trị để trở nên hạnh phúc.

Trẻ sẽ cảm thấy an toàn khi được khoan dung và coi mọi lỗi lầm mắc phải đều là cơ hội để học tập và lớn lên. Trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương khi được đối xử ân cần và thân mật. Trẻ sẽ cảm thấy được hiểu và được tôn trọng khi mọi ý kiến đều được lắng nghe. Trẻ sẽ cảm thấy có giá trị khi thường xuyên nhận được sự động viên khích lệ.

* Hãy đồng hành, đừng giám sát

 Trẻ em ngày nay chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mạng xã hội, theo ông điều này có đáng lo ngại?

- Mạng xã hội là con dao 2 lưỡi. Một mặt nó cung cấp một kênh giao tiếp, học tập, kết nối thông tin hiệu quả, nhiều lúc có thể làm con người bớt cô đơn. Song mặt khác nó có thể làm cho người ta cô đơn hơn nếu chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi những nhóm người tiêu cực. Đứa trẻ có thể bị lôi kéo tham gia những trò chơi vô bổ, ít kỹ năng sống thực tế mà chìm vào thế giới ảo. Chưa kể những trò khoe khoang trên mạng xã hội có thể làm trẻ em tự ti hơn, thu mình hơn, nghĩ mình bất hạnh... vì nó chưa hiểu sự đa chiều của đời sống con người.

 Khi là một người cha, ông có giám sát con mình trên mạng xã hội hay không? Có giới hạn thời gian sử dụng hoặc cấm con dùng mạng xã hội?

- Trung thực mà nói, tôi muốn giám sát con tôi. Nhưng tôi biết chắc rằng tôi không thể giám sát và điều khiển đứa trẻ. Vậy nên tôi chọn cách trao đổi, chia sẻ, đồng hành với con về những điều đúng hoặc sai, những thông tin nào là ảo, là thật, cách để không bị nhầm lẫn giữa cuộc sống trên mạng và ngoài đời, cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả... Và tôi cố gắng trở thành một người bạn tốt của con, đưa ra mọi ý kiến vì quyền lợi của trẻ nhưng để cho con tự lựa chọn và quyết định.

 Ông có nhận ra là ngay cả những người làm cha mẹ cũng đang hoang mang sợ hãi trong việc nắm bắt và hiểu tâm lý của con? Làm cách nào để có thể “gần” con một cách hiệu quả nhất?

- Rõ ràng là làm cha mẹ ngày nay khó hơn xưa, bởi sòng phẳng mà nói cha mẹ không được trang bị đủ kỹ năng để thích nghi với những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc của xã hội. Nhưng tôi nghĩ ngoài những kỹ năng cần thiết, chúng ta phải làm cha mẹ bằng tất cả trái tim mình trước.

Mỗi ngày dù bận đến mấy hãy dành ra ít nhất 10 phút đặc biệt. Chỉ 10 phút không điện thoại hay công việc để trò chuyện cùng con trong sự tôn trọng và thấu hiểu mọi vấn đề của con. Đây cũng chính là 10 phút phần thưởng cho cha mẹ để thư giãn với người quan trọng nhất đời bố mẹ. 10 phút này sẽ bù trừ và giải tỏa những bức xúc giữa các thế hệ nếu có. Nhiều gia đình mà mỗi ngày cha mẹ quần quật bên ngoài, tối về lại chìm trong smart phone, kể cả trong bữa ăn gia đình và đứa trẻ dù vẫn ở trước mặt cha mẹ, chúng vẫn rất cô đơn và “bạn thân” của chúng chỉ là “ông Google” với những điều sai - đúng đan xen. Tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu đổi thay từ những điều nhỏ nhất.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,143,041       230