Xã hội

Cẩn trọng với dịch sốt xuất huyết

Đồng Nai là tỉnh thứ 5 trong cả nước có trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết gây ra kể từ đầu năm 2018 đến nay (4 tỉnh khác là: Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa).

Bệnh nhi bị sốt xuất huyết có dấu hiệu bệnh nặng được theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
Bệnh nhi bị sốt xuất huyết có dấu hiệu bệnh nặng được theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

* Hơn 1,1 ngàn ca sốt xuất huyết

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bạch Thái Bình cho biết đến giữa tháng 6 toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,1 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 992 ca đang được điều trị nội trú tại các bệnh viện, trung tâm y tế. TP.Biên Hòa có số ca mắc cao nhất (412 ca), tiếp đến là huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom. So với cùng kỳ năm 2017, địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng gồm: Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu.

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết: “Chiến dịch diệt lăng quăng vòng 2 sẽ được tổ chức đồng loạt tại 171 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh vào đầu tháng 7-2018. Vòng 3 và 4 được triển khai tại 49 xã, phường, thị trấn, những nơi có số ca mắc cao, có nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết, Zika vào tháng 8, tháng 10-2018”.

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị cho 188 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 170 người lớn. Còn tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận và điều trị 10 trường hợp. Có những trường hợp bệnh nặng phải chuyển từ Khoa Bệnh nhiệt đới sang Khoa Hồi sức tích cực - chống độc để được thở máy và điều trị.

Bà Đỗ Thị Giỏi (43 tuổi, ngụ tổ 13, KP.4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết mới đây chồng bà phải nhập viện Bệnh viện đa khoa Đồng Nai còn con gái nhập viện Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để điều trị sốt xuất huyết sau khi bị sốt 4 ngày tại nhà không khỏi. Trước khi vào viện, bà có đưa con đi khám tại phòng khám tư và được truyền dịch nhưng tiểu cầu hạ, nôn mửa, mệt mỏi nên phải nhập viện ngay. Bà Giỏi cho hay gia đình bà khi đi ngủ đều mắc mùng nhưng do xung quanh nhà cây cối rậm rạp nên có lẽ muỗi bay vào nhà và đốt khi mọi người sinh hoạt trong nhà.

Bác sĩ Hoàng Nghĩa Đài, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), khuyến cáo người dân nên nhập viện điều trị càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả đáng tiếc; đặc biệt không được tự ý truyền dịch, dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.

Bác sĩ Đài thông tin thêm, trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh sốt xuất huyết mới đây cũng do chủ quan, không đi thăm khám sớm. Bệnh nhân nữ 30 tuổi, ngụ KP.2, phường Bình Đa
(TP.Biên Hòa) bị sốt 4 ngày ở nhà nhưng không nhập viện mà đi điều trị bên ngoài. Ngày 19-6, khi đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thì bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc nặng. Khoảng 1 giờ sau, bệnh tiến triển nặng nên bệnh nhân được chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn bệnh viện, tuân thủ phác đồ điều trị và ra sức cứu chữa nhưng do bệnh quá nặng cộng thêm bệnh nhân bị viêm cơ tim, tràn dịch màng tim, màng phổi nên sau 7 giờ nhập viện đã tử vong.

* Tăng cường phòng chống dịch

Ngay sau khi xảy ra trường hợp tử vong, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã đến phường Bình Đa để kiểm tra dịch tễ và tiến hành phun thuốc diệt muỗi.

Nhiều hộ dân vẫn để các vật chứa nước mưa trong nhà, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra thực tế công tác phòng dịch sốt xuất huyết tại nhà dân ở KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).
Nhiều hộ dân vẫn để các vật chứa nước mưa trong nhà, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra thực tế công tác phòng dịch sốt xuất huyết tại nhà dân ở KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).

Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bạch Thái Bình, từ đầu năm đến nay tỉnh tổ chức phát động chiến dịch diệt lăng quăng tại 51 xã, phường, thị trấn với nhiều hoạt động như mít-tinh, treo băng rôn, tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tới các hộ gia đình; tuyên truyền trong các trường học và huy động học sinh tham gia dọn dẹp vệ sinh, diệt lăng quăng nơi công cộng và tại gia đình học sinh; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh sốt xuất huyết cho hệ điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai...

Tính đến giữa tháng 6, toàn tỉnh đã xử lý 230 ổ dịch sốt xuất huyết/232 ổ dịch; trong đó gồm tổ chức diệt lăng quăng, phun hóa chất trên diện rộng tại các xã, phường trên địa bàn 2 huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP.Biên Hòa, những nơi tập trung đông khu nhà trọ công nhân, khu đất trống trong các khu dân cư hình thành bãi rác tự phát hoặc các vũng nước, tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển…

Nhân dịp nguyên nhân chính dẫn đến trường hợp bệnh nhân tử vong vừa qua là do phòng khám tư nhân đã giữ bệnh nhân lại để điều trị quá lâu, chỉ khi bệnh quá nặng mới chuyển lên bệnh viện, Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải đưa ra giải pháp cần đào tạo cho nhân viên y tế của hệ thống y tế tư nhân kiến thức chuyên môn về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết vì đa phần đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế tại đây chưa có kinh nghiệm.

TS.Phùng Đức Tuyền, Phó viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng TP.Hồ Chí Minh, đề nghị Đồng Nai cần có những đánh giá chỉ số côn trùng trước và sau khi phun hóa chất để xem xét hiệu quả thực hiện; tăng cường chất lượng nhân lực trong điều trị sốt xuất huyết từ tỉnh xuống huyện, hạn chế chuyển viện; tăng cường tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ tại các cơ sở y tế, nhất là y tế tư nhân; đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau, liên hệ chặt chẽ với các viện chuyên môn để có hỗ trợ kịp thời về chuyên môn, kinh phí, sớm kiện toàn Ban chỉ đạo để hoạt động phòng chống sốt xuất huyết được xuyên suốt”.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,145,747       191