Xã hội

Cô giáo của học trò nghèo

Cận ngày bế giảng năm học 2017-2018, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, chủ nhiệm lớp 5B Trường tiểu học Tân An, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) lại chuẩn bị chia tay thêm một lứa học trò tiểu học ở vùng quê Tân An, trong số đó có cả con cái của những học sinh cũ của cô.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết cùng các trò lớp 5B Trường tiểu học Tân An, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu).
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết cùng các trò lớp 5B Trường tiểu học Tân An, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu).

28 năm trước, mỗi ngày cô Tuyết phải lọc cọc đạp xe từ ấp Bình Phước (xã Tân Bình) để đến với các trò nhỏ Trường phổ thông cơ sở Đại An (nay chia thành Trường THCS Tân An và Trường tiểu học Tân An). Cả đoạn đường đi và về phải mất hơn 30km. Những năm tháng đó còn đọng lại trong cô và những học trò nghèo nơi đây đầy ắp những kỷ niệm đẹp về tình cô trò.

* Tuổi 20 nhiệt huyết

Năm 1990, tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm Bà Rịa (lúc đó còn thuộc tỉnh Đồng Nai, nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cô Tuyết được điều động về dạy tại Trường phổ thông cơ sở Đại An. Lớp 1 cô phụ trách năm đó có 30 học sinh. Học trò của cô tuổi tác không đồng đều (từ 7-10 tuổi) và có cả 2 anh em tuổi tác chênh lệch vẫn cùng vào lớp học.

Người âm thầm tiếp sức cho cô giáo Tuyết trong sự nghiệp trồng người là ông Lâm Hồng Đức (chồng của cô Tuyết). Thấu hiểu công việc và tấm lòng của vợ với nghề giáo, ông Đức luôn ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ để vợ yên tâm làm việc và cống hiến. Ông cũng giúp vợ đưa đón học trò nghèo về nhà dạy miễn phí, động viên trò bỏ học quay lại lớp...

Điểm Trường phổ thông cơ sở Đại An (ấp Bình Chánh, xã Tân An) nơi cô Tuyết đứng lớp rất tuềnh toàng, xung quanh um tùm cỏ dại. Lớp trò nhỏ đầu tiên của cô giáo Tuyết thời đó không có đồng phục, quần áo có gì mặc đó, sách vở được bỏ vào túi ny-lông cầm tay, đi dép lê trên những đoạn đường bụi đỏ, sình lầy tới trường.

Thời đó, đường tỉnh 768 từ ấp Bình Phước (xã Tân Bình) đến xã Tân An dài hơn 15km nhưng đi lại rất vất vả vì là đường đất đỏ nên “ngày nắng bụi mù, ngày mưa lầy lội”. Để đến được điểm dạy học, cô Tuyết còn phải qua những cây cầu sắt như: Cây Khô, Rạch Tôm, Rạch Đông... ván bong tróc, nếu sơ suất dễ sẩy chân té ngã. Vậy mà cô Tuyết vẫn cùng các đồng nghiệp cọc cạch xe đạp mỗi ngày đến với các trò nhỏ.

Dạy học ở điểm trường ấp Bình Chánh được 4 năm, cô Tuyết được điều về dạy tại điểm trường dân sinh ấp Cây Xoài (xã Tân An), đi và về phải mất 50km. Được người thân mua cho chiếc xe máy, cô Tuyết có thêm động lực, lòng nhiệt tình để đến với học sinh vùng sâu, xa nhất xã Tân An những năm tháng “cái ăn còn khó nói gì đến chuyện học hành”.

Lớp học được lợp bằng tranh, vách ván, trò đến lớp thiếu sách vở, áo quần không lành lặn, cô Tuyết cùng các đồng nghiệp trẻ Linh, Trang vẫn nhiệt huyết tiếp bước lớp thầy cô đi trước rèn cho học sinh vùng quê nghèo này con chữ, phép tính, lời văn. Hàng ngày, thấy cô Tuyết vượt hàng chục cây số trên xe máy cũ kỹ tới lớp là người dân ở ấp Cây Xoài yên tâm vì dù khu dân cư nằm ở xa nhưng nơi nào có trường, có học sinh là có giáo viên về phụ trách lớp.

3 năm gắn bó với học sinh ấp Cây Xoài là 3 năm đầy kỷ niệm với cô Tuyết và học trò nghèo nơi đây. Cô giáo Tuyết tâm sự: “Lương giáo viên của tôi thời đó chỉ đủ chi phí sinh hoạt, xăng xe. Dù vậy, tôi và các đồng nghiệp vẫn chia sẻ với các trò nghèo từng cây viết, cuốn tập và động viên nhau bám điểm trường, bám cả phụ huynh và cán bộ ấp để giữ học trò”.

* Nước mắt cô giáo

Ngồi ở quán cà phê cóc trên đường tỉnh 768 (ấp Bình Chánh, xã Tân An) đợi cô giáo Tuyết dạy xong tiết học cuối để trao đổi thêm câu chuyện, chúng tôi gặp được học trò cũ của cô là anh Quốc (người dân ấp Cây Xoài), mở tiệm bán sơn sát vách quán cà phê. Anh Quốc khoe hiện con trai anh tên Gia Bảo đang là học trò cô giáo Tuyết.

Thời cô Tuyết về đứng lớp ở ấp Cây Xoài, anh Quốc còn là cậu bé học lớp 4. Lúc đó, gia cảnh anh rất nghèo nên được cô thương và hay giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Dù lúc đó học lực của anh Quốc không bằng Gia Bảo - con trai anh bây giờ - anh luôn được cô Tuyết quan tâm, kèm cặp, dạy dỗ tận tình nên cứ đều đều lên lớp. Nếu không có sự giúp đỡ của cô, chắc việc học hành của anh đã kết thúc từ năm lớp 4 để lo phụ giúp gia đình.

Hồi đó, lũ trò nghèo ở ấp Cây Xoài vốn là đám trẻ ngỗ nghịch, cô giáo Tuyết khuyên dạy mãi vẫn cứng đầu nên có lúc làm cô bật khóc. Nhiều lần thấy cô khóc, sợ cô bỏ lớp không dạy nữa nên đám bạn ngỗ nghịch của anh Quốc đã biết sửa lỗi, chăm học hành hơn. Đến nay, nhiều học trò cũ của cô Tuyết đã nên người và luôn thể hiện sự tôn trọng, yêu quý mỗi khi nhắc về cô.

Tiếng trống trường báo hiệu tan lớp, cô giáo Tuyết vẫn ngồi đó đợi chúng tôi trong khi các trò nhỏ của cô được phụ huynh vội vã đón về nhà. Cô Tuyết kể sau 3 năm đứng lớp ở ấp Cây Xoài, cô được trường điều về điểm trường chính dạy cho đến nay. Dù cảnh vật đổi thay, kinh tế phát triển, cuộc sống người dân vùng quê này sung túc hơn xưa, đường đến trường không còn khó khăn nữa, cô giáo Tuyết vẫn nói về chuyện nghề tràn đầy nhiệt huyết như tuổi 20 cho dù tóc cô đã điểm vài sợi bạc.

28 năm bám vùng đất Tân An dạy học, cô giáo Tuyết đã đưa nhiều thế hệ học trò “qua sông”, trong đó có không ít học trò nghèo đã được cô yêu thương, giúp đỡ. Cô đã để lại rất nhiều kỷ niệm sư phạm đẹp trong lòng bao thế hệ học sinh và đồng nghiệp.

Thầy Lê Trọng Viễn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân An, bộc bạch cô giáo Tuyết không chỉ quan tâm chăm lo cho học sinh nghèo của lớp mà với vai trò Chủ tịch Công đoàn trường, cô đã kịp thời đề xuất với Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường những giải pháp tích cực trong việc chăm lo đời sống cho giáo viên.

Đoàn Phú

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,149,451       465