Xã hội

Bài 1: Không ít khó khăn

Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai luôn chú trọng đầu tư cho y tế cơ sở (tuyến huyện, tuyến xã). Chất lượng khám chữa bệnh ở những tuyến này ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, để đáp ứng được mong mỏi của người dân y tế cơ sở còn nhiều vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

Trung tâm y tế TP.Biên Hòa hiện xuống cấp trầm trọng. Ảnh: N.Thư
Trung tâm y tế TP.Biên Hòa hiện xuống cấp trầm trọng. Ảnh: N.Thư

Đồng Nai là địa phương đứng thứ 2 cả nước về hoàn thành tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2017, về đích sớm hơn 3 năm so với mục tiêu Bộ Y tế đề ra. Trong đó, nổi bật là các tiêu chí về: nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, y tế dự phòng, khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, ngoài những trạm y tế đã được đầu tư xây dựng, trong tỉnh vẫn còn một số trạm y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị ảnh hưởng đến hoạt động. Cụ thể hiện nay còn 42 trạm y tế xây dựng từ 10 năm trở lên, mặc dù được nâng cấp, mở rộng nhưng đã xuống cấp cần tiếp tục xây dựng lại trong giai đoạn 2016-2020.

* Bất cập y tế xã

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lang, Trạm y tế xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất), cho biết trạm được xây dựng cách đây 20 năm và có sửa chữa vào năm 2007, tuy nhiên cơ sở vẫn tiếp tục xuống cấp, nhiều phòng bị thấm dột, đường điện thường xuyên hư hỏng. Do phòng khám có diện tích nhỏ, chật chội nên vào đợt tiêm chủng mở rộng mỗi đầu tháng luôn bị quá tải, không đủ chỗ cho người dân đến ngồi chờ khám, tiêm chủng cho trẻ.

Trong tỉnh cũng còn trên 50 trạm chưa có bộ thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy đo điện tim. Điều này chưa bảo đảm quy định đối với trạm y tế có bác sĩ khám chữa bệnh ban đầu. Trong khi đó, một số trạm y tế được đầu tư máy siêu âm, máy đo điện tim… thì không sử dụng được do máy cũ đã hư hỏng hoặc không dám sử dụng vì thiếu nhân lực có chứng chỉ hành nghề nên bảo hiểm y tế không quyết toán.

Cụ thể như ở huyện Tân Phú, có đến 17/18 trạm y tế xã không triển khai siêu âm được vì thiếu người có chứng chỉ hành nghề. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phú Nguyễn Thanh Quang chia sẻ người dân ở huyện vùng sâu, vùng xa như Tân Phú thường xem trạm y tế như bệnh viện. Hiện 100% trạm y tế đã có bác sĩ. Việc trang bị máy siêu âm, máy đo điện tim rất tiện cho việc chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác hơn, đỡ phải chuyển bệnh lên tuyến trên. Bất cập hiện nay là rất nhiều trạm y tế có máy siêu âm nhưng muốn sử dụng thì người dân phải tự bỏ tiền vì bảo hiểm y tế không thanh toán.

Bác sĩ Quang giải thích theo quy định bảo hiểm y tế chỉ thanh toán tiền siêu âm khi người thực hiện có chứng chỉ hành nghề siêu âm 6 tháng, nhưng hiện nay không có nơi nào đào tạo siêu âm 6 tháng mà chỉ đào tạo 3 tháng nên phải đi học đến 2 lần. Trong khi đó mỗi trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ, nếu đi học thì không có người khám bệnh cho bệnh nhân.

Một số quy định của bảo hiểm y tế cũng là rào cản cho sự phát triển của y học cổ truyền ở tuyến xã, vốn trước kia thường được người dân lựa chọn. Trước đây, các trạm y tế đều có lương y y học cổ truyền nên lĩnh vực này hoạt động rất mạnh, người dân đến đông vì được bảo hiểm y tế chi trả. Sau đó theo quy định mới, bảo hiểm y tế chỉ quyết toán bảo hiểm y tế cho các kỹ thuật do bác sĩ y học cổ truyền chỉ định, vì thế trạm y tế không thể ký hợp đồng với lương y, trong khi nguồn nhân lực bác sĩ y học cổ truyền rất hạn chế. Do đó, y học cổ truyền ở hệ thống y tế cơ sở ngày càng mai một, gặp khó khăn trong phát triển.

* Thiếu đồng bộ y tế tuyến huyện

Trong thời gian qua, nhiều trung tâm y tế tuyến huyện (trước đây là bệnh viện tuyến huyện) có chuyển biến tích cực trong công tác khám chữa bệnh, phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Tuy nhiên, sự chuyển biến này chưa đồng bộ. Y tế tuyến huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là hạ tầng xuống cấp. Cụ thể như Trung tâm y tế TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng mới, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh tại 2 đơn vị này.

Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết hiện nay thu nhập của đa số bác sĩ trong hệ thống y tế công lập nói chung và bác sĩ tuyến huyện, tuyến xã nói riêng còn thấp, trong khi mức lương, thu nhập ở các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn nhiều lần (khoảng 30-50 triệu đồng/tháng). Trong khi đó ở tuyến huyện, tuyến xã có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế, khó hấp dẫn và thu hút, giữ chân bác sĩ.

Giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Hùng cho biết mặc dù hàng năm trung tâm đều được tu bổ, sửa chữa để đảm bảo hoạt động nhưng do cơ sở được xây dựng quá lâu nên đã cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng, thiếu phòng hoạt động cho công tác chuyên môn. Do đó, số bệnh nhân điều trị nội trú rất thấp, trung bình chỉ khoảng 70-80 bệnh nhân/ngày, trong khi công suất giường bệnh nội trú là 165 giường.

Tương tự, Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch dù đã cải tạo, nâng cấp mở rộng khu cấp cứu, khu chờ khám bệnh nhưng nhìn chung vẫn khá chật hẹp. Vào giờ cao điểm, bệnh nhân khám ngoại trú không có chỗ ngồi chờ. Năm 2017, trung tâm đẩy mạnh phát triển ngoại khoa nhưng toàn khu khám chữa bệnh chỉ có duy nhất 1 phòng mổ. Khi có mổ cấp cứu, các ca mổ chương trình đều phải dời lại nên bệnh nhân còn chờ đợi lâu.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch Hồ Thanh Phong cho biết cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị y tế còn thiếu, ngoại khoa còn chậm phát triển… là những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân ở Nhơn Trạch đi khám chữa bệnh ở Bệnh viện đa khoa quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) rất nhiều. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện đa khoa quận 2 khám 2-3 ngàn lượt bệnh nhân thì có đến 30% là người dân ở Nhơn Trạch.

Thời gian qua, ngoài các trang thiết bị đã được đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị còn chủ động mua sắm từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn cải cách tiền lương, xã hội hóa y tế để nâng cao hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn còn thiếu nhiều trang thiết bị. Một số cơ sở y tế tuyến huyện còn chưa có máy CT scanner, máy siêu âm màu 4D, máy gây mê giúp thở, X.quang cao tầng kỹ thuật số, máy chạy thận nhân tạo…

* Nguồn nhân lực là bài toán khó

Nguồn nhân lực bác sĩ tuyến huyện còn thiếu khá nhiều, nhất là bác sĩ các chuyên khoa gây mê, ngoại, chấn thương chỉnh hình, sản, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm... Theo lãnh đạo nhiều trung tâm y tế tuyến huyện, mỗi trung tâm còn cần hàng chục bác sĩ mới có thể phát triển đầy đủ các chuyên khoa. Trong khi việc thu hút bác sĩ về làm việc tại tuyến huyện đã khó khăn, tình trạng bác sĩ nghỉ việc vẫn còn diễn ra.

Nhân viên Trạm Y tế Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) làm thủ tục cho trẻ tiêm ngừa vaccine
Nhân viên Trạm Y tế Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) làm thủ tục cho trẻ tiêm ngừa vaccine

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ Lưu Văn Tường chia sẻ hiện trung tâm còn thiếu cả chục bác sĩ các chuyên khoa, nhưng nhiều năm nay không tuyển dụng được đủ. Trong khi đó, 3 năm qua đã có 3 bác sĩ nghỉ việc để ra làm ở phòng khám tư nhân với thu nhập từ 70-80 triệu đồng/tháng. Mới đây, có 1 bác sĩ đào tạo theo địa chỉ được phân công về huyện nhưng không đến nhận công tác. Đề án 1816 cử bác sĩ tuyến trên về “cầm tay chỉ việc” tuyến dưới, nhưng tuyến dưới không đủ bác sĩ để được “cầm tay chỉ việc”.

Việc thiếu nhân lực bác sĩ ảnh hưởng lớn đến công tác đào tạo, triển khai thực hiện chuyên môn kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Cụ thể, đến nay Trung tâm y tế huyện Tân Phú vẫn chưa triển khai các kỹ thuật ngoại khoa; các trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu gặp khó khăn khi triển khai đề án 1816 vì không có bác sĩ cử đi tiếp nhận chuyển giao…

Những khó khăn, bất cập nêu trên ít nhiều ảnh hưởng đến tay nghề của bác sĩ tuyến dưới và chất lượng khám chữa bệnh, niềm tin của người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây.

Ngọc Thư

Bài  2: Ưu tiên phát triển

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,149,452       474