Kinh tế

'Đặc sản' trứng vịt đồng Nhơn Trạch

Tận dụng lợi thế của địa phương có nhiều cánh đồng lúa, mía đan xen, có hệ thống sông ngòi với những kênh, rạch dày đặc, nhiều nông dân ở các xã Phú Đông, Phước Khánh, Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) đã chuyển sang nuôi vịt đẻ trứng và thu về tiền triệu mỗi ngày.

Mô hình nuôi vịt đồng đẻ trứng đem lại thu nhập khá cho nhiều nông dân ở huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc
Mô hình nuôi vịt đồng đẻ trứng đem lại thu nhập khá cho nhiều nông dân ở huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc

Sản phẩm trứng vịt đồng Nhơn Trạch hiện đang được tiêu thụ nhiều trong tỉnh và khu vực TP.Hồ Chí Minh. Trứng vịt đồng càng trở nên hút hàng do được nhiều người mua làm quà biếu để làm nên món ăn chính trong dịp Tết cổ truyền của người dân Nam bộ là thịt kho trứng.

* Nuôi vịt “đẻ” ra tiền

Có hơn 5 ngàn m2 đất bao quanh 4 bên các rạch lớn, rạch nhỏ, từ lâu, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (ấp 1, xã Vĩnh Thanh) đã nuôi vịt đẻ trứng. Với số lượng 1,6 ngàn con vịt đẻ, trung bình mỗi ngày gia đình bà Lan thu được 1,3 ngàn quả trứng và với giá bán bình quân 2,5 ngàn đồng/trứng, bà Lan thu về hơn 3 triệu đồng/ngày.

Bà Lan cho biết, trước đây, gia đình bà trồng lúa, tuy nhiên, do độ nhiễm phèn trong đất ngày càng cao, năng suất lúa kém hiệu quả dần và bà chuyển sang nuôi vịt. Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn vịt chậm lớn, đẻ trứng ít và không đều, kế hoạch nuôi vịt của gia đình thất bại. Không nản lòng, hai vợ chồng quyết định về miền Tây học tập kinh nghiệm nuôi vịt “chạy đồng” hiệu quả của người dân vùng vựa lúa lớn nhất cả nước và tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật nuôi vịt qua các tài liệu.

Bà Lan quyết định “bắt” 500 con vịt đồng đã qua một lứa trứng ở miền Tây về nuôi. Nhờ đúc rút kinh nghiệm từ đợt thất bại trước, lại có thêm kỹ thuật học hỏi được nên việc chăm sóc đàn vịt của gia đình trở nên dễ dàng hơn. Đến nay, tổng đàn vịt của gia đình bà Lan là 1,6 ngàn con, là hộ nuôi vịt lấy trứng lớn nhất ở huyện Nhơn Trạch.

“Mỗi đêm tôi nhặt khoảng 1,3 ngàn trứng. Trứng loại 1, loại 2 thì đem bỏ mối với giá bán lần lượt là 3 ngàn đồng/trứng, 2,8 ngàn đồng/trứng, loại còn lại tôi bán ở chợ xã, người quen đến nhà mua. Trứng càng về cuối năm càng có giá. Người thì mua ăn, người lại mua làm quà biếu người thân, bạn bè, đồng nghiệp để làm món trứng kho hột vịt, vì thế trứng rất đắt hàng, vịt đẻ không đủ trứng bán” - bà Lan nói.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đê (ấp 2, xã Phước Khánh) cũng là hộ nuôi vịt đẻ trứng lớn trong huyện. Với số lượng 500 con, trung bình mỗi ngày ông Đê thu 400 quả trứng và thu về hơn 1 triệu đồng, trong đó, lợi nhuận chiếm khoảng 60%. Nhờ có bí quyết chăn nuôi, đàn vịt của ông cho trứng quanh năm, bình quân khoảng 350 trứng/con/năm.

“Trước đây tôi làm ruộng và nuôi heo. Thấy heo bấp bênh, mà nhiều hộ nuôi vịt có thu nhập khá nên tôi chuyển sang nuôi vịt, tính đến nay cũng được hơn chục năm. Tôi vừa nuôi vịt, vừa làm lúa lại kết hợp thêm nuôi cá nên thu nhập khá ổn định. Lợi nhuận chủ yếu nằm ở đàn vịt, chúng “đẻ ra tiền” cho gia đình tôi mỗi ngày” - ông Đê cho hay.

Kinh nghiệm chăn nuôi của ông Đê là nên chọn loại vịt vừa lớn hoặc đã qua một lần đẻ về nuôi chứ không nên nuôi vịt con bởi chi phí thức ăn lớn. Sau đó, phải thường xuyên khử trùng chuồng trại, tiêm phòng cho vịt, cung cấp đầy đủ thức ăn tươi, lúa và rau xanh để vịt không ngừng đẻ.

* Đặc sản quà Tết

Theo những người nuôi vịt, trứng vịt Nhơn Trạch là đặc sản xưa nay được thị trường ưa chuộng vì lòng đỏ to, đậm màu, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng hơn hẳn so với các loại trứng vịt khác trên thị trường. Vì vịt được nuôi thả đồng, kênh, ăn thức ăn tự nhiên như lúa rụng hoặc thu hoạch sót, cá tép, rau cỏ và rễ bèo là chủ yếu. Từ lâu, đây đã trở thành đặc sản riêng của địa phương được nhiều người đặt mua làm quà biếu dịp Tết.

Ông Nguyễn Văn Đê (ấp 2, xã Phước Khánh) giới thiệu đặc sản trứng vịt đồng Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc
Ông Nguyễn Văn Đê (ấp 2, xã Phước Khánh) giới thiệu đặc sản trứng vịt đồng Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc

Anh Lê Văn Trung, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch cho biết, năm nào gần Tết gia đình anh cũng mua 300 trứng, một phần để nấu thịt kho trứng, phần còn lại chia đều biếu cho họ hàng. Ngoài ra, mỗi dịp Tết, anh còn mua hộ cho bạn bè, đồng nghiệp ở TP.Biên Hòa với số lượng 500 trứng. “Bạn bè, người thân của tôi quen ăn trứng vịt đồng ở Nhơn Trạch, năm nào họ cũng nhờ tôi đặt. Mùa Tết, trứng vịt đồng rất hút hàng, do đó, để có trứng to, mới, tôi phải dặn chủ trại cả tháng mới có” - anh Trung chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lan, hộ nuôi vịt đẻ lớn nhất huyện Nhơn Trạch cho biết, bí quyết để sản phẩm trứng của gia đình bà luôn hút hàng đó là cho vịt ăn lúa, cá tôm và rau muống. Để vịt đẻ đều, không nghỉ ngắt quãng, bà mua thêm các loại cá nhỏ, hến, ốc cho vịt ăn. Hiện tại, bà Lan đã nhận đặt trứng đến ngày 29 Tết. “Năm nào tôi cũng phải dặn bà con trong xóm, ngoài làng sáng 30 Tết hãy lấy trứng. Khi đó, trứng vừa mới, lại vừa ưu tiên bán được cho mối và khách xa. Tháng Giêng, nhu cầu tiêu thụ trứng ít hơn, tôi bán giá thấp hơn một chút. Nhìn chung, trứng vịt đồng của nhà tôi không khi nào ế” - bà Lan chia sẻ.

Trước đây, phần lớn các hộ gia đình có ruộng, gần kênh, rạch ở các xã ven sông của huyện Nhơn Trạch đều nuôi vịt lấy thịt, lấy trứng, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số hộ bỏ nuôi, một số đầu tư chuồng trại chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn. Và mô hình nuôi vịt thả đồng không chỉ giúp người chăn nuôi tiết kiệm được chi phí thức ăn, có thu nhập khá mà còn góp phần tạo nên sản phẩm trứng vịt nổi tiếng ở huyện Nhơn Trạch.

Ông Dương Quốc Bình, Chủ tịch UBND xã Phước Khánh cho biết, xã Phước Khánh có lợi thế là 4 mặt đều giáp sông. Sông ngòi ở hạ du có đặc điểm nhiều nhánh, rạch với sự đa dạng, phong phú các loài thủy hải sản. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có nhiều cánh đồng mía rất phù hợp cho chăn nuôi vịt.

Vài năm trở lại đây, một số hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn đã tận dụng các con rạch quây lưới nuôi vịt đẻ trứng rất hiệu quả. Qua nắm bắt, đầu ra của sản phẩm trứng vịt rất tốt. Những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản phẩm trứng được thị trường đón nhận và bán được giá cao sẽ là tiền đề để xã tính toán, quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi gia cầm lấy trứng. Ngoài ra, Hội Nông dân xã cũng tuyên truyền để các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Hoàng Lộc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,240,114       51