Giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của Việt Nam hiện cao hơn mặt bằng nhiều nước trên thế giới. Nguyên nhân chính là do nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên |
Theo người chăn nuôi, hiện TĂCN chiếm hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường nhập khẩu cũng là một trong những rào cản khiến ngành chăn nuôi trong nước kém sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
* Chi hàng tỷ USD nhập nguyên liệu
Theo TS.LÊ QUÝ KHA, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhiều nước xuất khẩu nông sản mạnh, trong đó có xuất khẩu nguyên liệu TĂCN như: Mỹ, Brasil… có ưu thế về diện tích lớn, họ đã áp dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất vào tất cả các khâu từ sản xuất, kiểm soát vật tư đầu vào, kiểm soát dịch bệnh, điều khiển tưới, bón dinh dưỡng tự động bằng những bộ phận cảm biến… Trong khi đó, ở Việt Nam cây bắp từ khâu gieo trồng đến chăm sóc đều thủ công; thu hoạch cũng mới chỉ có số ít diện tích được đầu tư máy móc. Chi phí cao, năng suất không cao bằng nhiều nước trên thế giới nên không cạnh tranh được với bắp ngoại nhập. Chìa khóa là phải tổ chức lại sản xuất, phối hợp nhiều công nghệ đồng bộ trên cánh đồng, nhất là khai thác ưu thế của cơ giới hóa. |
Năm 2019 là năm nhiều khó khăn với ngành chăn nuôi do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi làm tổng đàn heo của cả nước giảm mạnh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thức ăn gia súc cũng giảm theo.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu chỉ giảm nhẹ do ngành chăn nuôi trong nước ngày càng phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng của năm 2019, Việt Nam chi hơn 3,3 tỷ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, chỉ giảm hơn 4% so với cùng kỳ.
Riêng Đồng Nai, dựa trên số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, trong năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất chế biến thực phẩm của Đồng Nai tăng gần 8% so cùng kỳ (mức tăng trưởng năm 2018 đạt gần 9,9%), chủ yếu do ngành sản xuất TĂCN gặp khó khăn.
Theo đó, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của tỉnh ước đạt gần 727 triệu USD, giảm 11% so cùng kỳ. Riêng nhập khẩu bắp vẫn tăng mạnh. Cụ thể, trong năm, Đồng Nai nhập khẩu trên 2,5 triệu tấn bắp, so với cùng kỳ tăng gần 66% về lượng và tăng trên 52,6% về giá trị. Giá bắp nhập khẩu hiện đang ở mức 206 USD/tấn, giảm gần 3,9% so cùng kỳ.
Một đại lý thức ăn chăn nuôi tại huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên |
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết, đây là năm khá “mệt mỏi” của ngành sản xuất TĂCN, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc giảm mạnh công suất hoạt động. Doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các tập đoàn lớn, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn không nhỏ nhưng họ vẫn tồn tại được vì đã xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu đầu của quy trình sản xuất đến tận bàn ăn người tiêu dùng. “Theo tôi, hiện nhiều doanh nghiệp chế biến TĂCN đang nhập khẩu quá nhu cầu sản xuất nên đang bị tồn nguyên liệu. Đây sẽ là điều bất lợi về thị trường cho nguyên liệu chế biến TĂCN trong nước thời gian tới” - ông Bình nói.
* Lo phụ thuộc lâu dài
Cũng theo ông Bình, nguyên liệu sản xuất TĂCN hiện nay đa phần đều từ nguồn nhập khẩu. Riêng cây bắp, thời gian trước Việt Nam trồng nhiều nhưng vài năm trở lại đây cũng giảm mạnh về diện tích vì bắp nội khó cạnh tranh lại hàng nhập khẩu giá rẻ. Ông Bình nhận xét: “Nhiều doanh nghiệp chế biến TĂCN hầu như không còn mua bắp nội vì nguồn cung trong nước ngày càng ít. Các loại nguyên liệu khác như: đậu nành, bột cá… hiện chủ yếu là hàng nhập khẩu”.
Khi Việt Nam tham gia sâu vào hội nhập, sự cạnh tranh của thị trường chung khiến đầu tư của doanh nghiệp cũng như mức chênh lệch về giá TĂCN giữa thị trường thế giới và Việt Nam được kéo gần hơn về khoảng cách. Nguyên nhân do thuế nhập khẩu giảm khi các hiệp định thương mại có hiệu lực và sự cạnh tranh trong ngành này cũng góp phần ổn định thị trường hơn. Mặc dù vậy, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN vẫn không ngừng tăng lên qua các năm.
Đồ họa thể hiện tổng sản lượng thức ăn gia súc của Đồng Nai sản xuất và tổng diện tích trồng bắp của Đồng Nai giai đoạn 2010-2018. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Lo lắng vì nguyên liệu sản xuất TĂCN trong nước phụ thuộc quá lớn vào các nguồn nhập khẩu, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết phân tích, hiện TĂCN đang chiếm từ 70-80% chi phí nuôi con gà công nghiệp. Trong khi đó, giá TĂCN ở Việt Nam vẫn theo đà tăng đều mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu đều là do giá nguyên liệu TĂCN trên thị trường thế giới tăng. Điều này là rào cản rất lớn để giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi nội địa khi bước vào hội nhập. “Nếu tăng được nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN tại chỗ với giá rẻ hơn thì mới là căn cơ nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước” - ông Quyết nhận định.
* Yếu thế trong cạnh tranh
Nói về thiệt thòi của ngành chăn nuôi khi sản xuất TĂCN quá phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức ngụ tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) dẫn chứng, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nguyên liệu TĂCN hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Điều người chăn nuôi lo lắng nhất hiện nay là ngành chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Ông Lâm Thanh Đức dẫn chứng, không ít lần doanh nghiệp rơi vào cảnh lỗ vốn vì vừa đặt mua bắp nhập khẩu với sản lượng lớn dự trữ để chế biến TĂCN thì ngay sau đó mặt hàng này giảm giá. Nhưng nếu không chủ động trữ hàng thì giá nguyên liệu TĂCN lại tăng không ngừng. Người chăn nuôi đang “thiệt đơn thiệt kép” vì tình hình giá cả biến động thất thường này.
Theo ông Đức, việc nhập khẩu nguyên liệu TĂCN chủ yếu vẫn nằm “trong tay” các tập đoàn lớn của nước ngoài và thị trường này đang có dấu hiệu bị thao túng. Nguyên nhân do họ mạnh về nguồn vốn nên thường dự trữ sản lượng lớn nguồn nguyên liệu trong chế biến, khi giá nguyên liệu chế biến vừa tăng giá, giá TĂCN lập tức sẽ tăng theo. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước không cạnh tranh được với hàng nhập. Đây cũng là nguyên nhân TĂCN trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới khiến sản phẩm chăn nuôi nội địa cũng khó cạnh tranh về giá so với hàng nhập.
Ông Phạm Văn Đạo, chủ trang trại nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, người chăn nuôi Việt Nam thiệt thòi hơn nông dân các nước vì phải trả chi phí mua TĂCN cao hơn. Hiện nay, thịt heo Mỹ đang được nhập về nhiều, giá rẻ hơn so với heo nội vì giá thành chăn nuôi của họ thấp. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là nông dân Mỹ mua được nguyên liệu TĂCN tại chỗ với giá rẻ hơn nhiều so với người chăn nuôi trong nước. Nếu chưa giải quyết được bài toán giảm giá thành sản xuất TĂCN bằng việc chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước thì chăn nuôi nội địa sẽ gặp khó khăn ngay trên sân nhà vì áp lực cạnh tranh với thịt ngoại. Việc sản phẩm chăn nuôi trong nước tham gia thị trường xuất khẩu cũng gian nan hơn vì khó cạnh tranh được về giá so với nhiều nước trên thế giới.
Bình Nguyên