Kinh tế

Chuẩn bị tốt cho thị trường EU

Dự kiến giữa năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) sẽ có hiệu lực. Ngay sau đó, nhiều dòng thuế sẽ giảm về 0%. Lâu nay, các nước thuộc EU là thị trường xuất khẩu lớn nên nhiều doanh nghiệp Đồng Nai trông đợi khá nhiều vào những cơ hội mở ra từ EVFTA.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Hiện nay, EU là một trong 4 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với kim ngạch hơn 2 tỷ USD/năm. Do đó, EVFTA được kỳ vọng sẽ tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp.

* Chưa khai thác hết tiềm năng

EU hiện có 28 nước, nhưng hiện các doanh nghiệp Đồng Nai mới tập trung khai thác ở một số thị trường như: Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hà Lan. Còn lại các nước khác trong khối thì kim ngạch thương mại hai chiều không cao. EVFTA và CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình) được xem là 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Trong đó, CPTPP đã có hiệu lực còn EVFTA khả năng sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “EVFTA được tách làm hai hiệp định, một là về thương mại, một về đầu tư (IPA). Ngày 30-6-2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA. Hiện hiệp định đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ ở hai bên và dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực trong cuối quý II hoặc đầu quý
III-2020. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế từ hàng hóa của Việt Nam”. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU dự kiến cuối năm nay sẽ tăng khoảng 20%.

Các doanh nghiệp ở Đồng Nai hiện đang xuất khẩu nhiều nhóm hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, thiết bị máy móc, phụ tùng, điện tử và linh kiện... vào thị trường EU. Thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị khá kỹ để tận dụng ưu đãi về thuế khi hiệp định có hiệu lực. Hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU.

Ông Bang Jin Woo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Changshin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Năm 2019, công ty đầu tư thêm 100 triệu USD để xây dựng thêm nhà máy sản xuất giày tại Khu công nghiệp Tân Phú (huyện Tân Phú), dự kiến sẽ hoàn thành đi vào sản xuất trong cuối quý I-2020. Dự tính của công ty là sẽ tăng công suất, mở rộng thị trường xuất khẩu vào những nước trong khối EU và những nước Việt Nam đã có ký kết hiệp định thương mại tự do”.

Theo các chuyên gia kinh tế, hàng hóa của Đồng Nai đã vào được thị trường Pháp, Đức, Anh, Italy sẽ dễ dàng vào được những thị trường còn lại trong EU. Do đó, doanh nghiệp nên chú ý những thị trường còn lại khác để tăng kim ngạch xuất khẩu, tận dụng những ưu đãi khi thuế về 0%.

* Doanh nghiệp trong nước yếu thế

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tại Đồng Nai chỉ khoảng 3,6 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 16,1 tỷ USD. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh chưa cao.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai đánh giá: “Doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do còn chậm và ít hơn so với doanh nghiệp nước ngoài. EU là thị trường lớn, nếu doanh nghiệp trong nước tiếp cận được sẽ có đầu ra ổn định hơn”. Tuy nhiên, theo ông Nguyện, doanh nghiệp trong nước hiện đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu mặt bằng sản xuất, vốn nên khó đáp ứng được những đơn hàng lớn. Trong khi các đối tác nước ngoài khi đặt hàng thường đòi hỏi số lượng lớn, lâu dài.

Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu vào được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và được đánh giá khá cao. Nếu có nguồn vốn vay ưu đãi lớn công ty sẽ tăng công suất và xuất khẩu vào thị trường EU để hưởng các ưu đãi về thuế”.

Doanh nghiệp nhỏ trong nước hiện nay đa số gặp khó khăn do vốn ít, mặt bằng sản xuất hạn hẹp. Vì thế, muốn đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại thường bị trở ngại. Do đó, nhiều doanh nghiệp EU đã đến Đồng Nai tìm cơ hội hợp tác để nhập khẩu hàng hóa, nhưng khi đến thăm nhà xưởng sản xuất thấy không đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, công suất... nên đã chần chừ chưa đặt hàng.

Theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ gần 86% thuế nhập khẩu. Sau đó trong 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến 99,2%. Cam kết của Việt Nam với EU trong EVFTA và IPA gồm: cắt giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu; hạn ngạch thuế quan; quy tắc xuất xứ; dịch vụ - đầu tư; mua sắm của Chính phủ; sở hữu trí tuệ; thương mại và phát triển bền vững; Hiệp định IPA (về bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước).

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,241,247       68