Kinh tế

Dự án nút giao ngã tư Dầu Giây: Liên tục 'trễ hẹn'

Dù đã chậm tiến độ hơn 20 tháng, nhưng đến thời điểm này, dự án nút giao ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và "đội vốn".

Dù đã chậm tiến độ hơn 20 tháng, nhưng đến thời điểm này, dự án nút giao ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và “đội vốn”.

Thi công hạng mục hệ thống mương thoát nước dọc tuyến quốc lộ 20 đoạn kết nối với quốc lộ 1. Ảnh: P.Tùng
Thi công hạng mục hệ thống mương thoát nước dọc tuyến quốc lộ 20 đoạn kết nối với quốc lộ 1. Ảnh: P.Tùng

* Ngưng thi công chờ mặt bằng

Dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây được khởi công vào đầu tháng 2-2017, theo dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào tháng 3-2018. Tuy nhiên, do gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên dự án không thể hoàn thành kịp tiến độ. Bộ Giao thông - vận tải đã cho phép lùi thời hạn hoàn thành dự án đến cuối tháng 10-2018. Tuy nhiên, do tiếp tục gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng nên việc hoàn thành dự án tiếp tục trễ hẹn.

Đến thời điểm này, khi đã chậm hơn 20 tháng so với thời điểm dự kiến hoàn thành ban đầu nhưng công trình nút giao Dầu Giây vẫn ngổn ngang.

Theo Công ty cổ phần BT 20 - Cửu Long, chủ đầu tư dự án nút giao ngã tư Dầu Giây, hiện nhà thầu đã thi công được 7/11 mố, trụ, lao lắp dầm được 6/10 nhịp, đổ bê tông cốt thép bản mặt cầu. Ngoài ra, nhà thầu cũng đã thi công xong phần mở rộng mặt đường song hành trên quốc lộ 1 và phần đường công vụ đoạn từ đầu tuyến về ngã tư Dầu Giây và nhánh rẽ Hà Nội - Đà Lạt. Dự án cũng đã thông xe cầu Gia Đức và đường hai đầu cầu, hoàn thiện hệ thống thoát nước trên phạm vi được bàn giao mặt bằng.

Chia sẻ lý do liên tục “trễ hẹn” tiến độ, ông Hoàng Văn Mậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BT 20 - Cửu Long cho biết, do chậm được bàn giao mặt bằng nên việc thi công của nhà thầu bị chậm trễ. Trong một thời gian dài, việc thi công chỉ diễn ra cầm chừng do không có mặt bằng. “Từ đầu năm 2019 đến nay, chúng tôi thi công cầm chừng, thậm chí phải ngưng thi công vì không có mặt bằng” - ông Hoàng Văn Mậu cho biết.

Việc dự án nút giao Dầu Giây liên tục bị chậm tiến độ khiến tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra tại khu vực này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Ngô Văn Cường, người dân KP.Trần Cao Vân, thị trấn Dầu Giây bức xúc cho biết, cầu vượt Dầu Giây làm quá lâu nên khu vực ngã tư Dầu Giây thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông. “Người dân ở đây giờ chỉ mong làm sao giải phóng nhanh mặt bằng để cầu vượt sớm hoàn thành, bà con lưu thông đỡ vất vả” - ông Ngô Văn Cường chia sẻ.

* Tiếp tục gặp vướng vì... Tết

Vào tháng 8 vừa qua, nhà thầu đã được bàn giao mặt bằng phía bên phải tuyến quốc lộ 1 (hướng Bắc - Nam) khi 77 hộ dân đồng ý di dời, giải tỏa. Tuy nhiên, do các hộ dân cần thời gian để phá dỡ các công trình cũ và xây dựng nhà cửa nên việc bàn giao mặt bằng trên thực địa diễn ra muộn hơn.

Công nhân thi công hạng mục cầu vượt Dầu Giây
Công nhân thi công hạng mục cầu vượt Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng

Ông Hoàng Văn Mậu cho biết, sau khi có mặt bằng, nhà thầu đã tổ chức 4 mũi thi công các hạng mục di dời hạ tầng chiếu sáng, lu lèn nền đường để đẩy nhanh tiến độ.

Để có thể thi công hạng mục cầu vượt Dầu Giây và hệ thống kết nối quốc lộ 1 và quốc lộ 20, thời gian tới nhà thầu sẽ phải tiến hành thi công mở rộng tuyến bên phải quốc lộ 1 để điều tiết giao thông. “Để đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ phải mở rộng tuyến bên phải quốc lộ 1 để tổ chức giao thông. Phải đảm bảo đủ 2 làn xe để tổ chức giao thông mới có thể rào chắn ở phần giữa để thi công 4 trụ, mố còn lại của cầu vượt Dầu Giây” - ông Hoàng Văn Mậu cho biết.

Theo tính toán của nhà thầu, xét về yêu cầu kỹ thuật, hạng mục cầu vượt Dầu Giây và hệ thống kết nối quốc lộ 1 với quốc lộ 20 sẽ cần thời gian khoảng 3 tháng để hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế, các hạng mục này phải cần thời gian gấp đôi để hoàn thành vì vướng... Tết Nguyên đán 2020.

Để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết, thông thường từ ngày 20-12 âm lịch, việc thi công sẽ phải tạm ngưng. Với thời gian tạm ngưng 10 ngày trước Tết và thời gian chờ đợi công nhân trở lại làm việc sau Tết (dự kiến đến hết tháng Giêng âm lịch), việc hoàn thành các hạng mục trên sẽ kéo dài. “Theo tính toán của chúng tôi thì phải cuối tháng 3, đầu tháng 4 mới có thể hoàn thành hạng mục cầu vượt Dầu Giây và hệ thống kết nối quốc lộ 1 với quốc lộ 20” - ông Hoàng Văn Mậu cho hay.

Trong khi đó, đối với phía bên trái tuyến quốc lộ 1 gồm các hạng mục mở rộng tuyến và kết nối quốc lộ 1 với tỉnh lộ 769, hiện nay nhà thầu vẫn chưa được bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân là do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng cao do giá đất khu vực này tăng.

Ngoài ra, do thời gian thi công kéo dài nên hiện tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án cũng đã tăng thêm khoảng 150 tỷ đồng. Điều này khiến cho việc thi công dự án gặp thêm nhiều khó khăn do phải tính toán điều chỉnh nguồn vốn. Do đó, theo nhà thầu thi công, hiện đơn vị vẫn chưa thể dự kiến được thời gian hoàn thành đối với toàn bộ dự án này.

Dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây kết nối quốc lộ 20 với quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm đen” giao thông trên quốc lộ 1. Dự án gồm có các hạng mục chính là xây dựng cầu vượt Dầu Giây dọc theo quốc lộ 1, mặt cắt ngang cầu 16m với 4 làn xe cơ giới. Phần nút giao được mở rộng cả trên quốc lộ 1 và quốc lộ 20; mở rộng một đoạn quốc lộ 20 dài khoảng 1,5km từ nút giao Dầu Giây về hướng TP.Đà Lạt... Dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng bằng nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc.

Phạm Tùng

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,242,458       216