Kinh tế

Thu hút đầu tư sản xuất, chế biến nông sản

Là huyện nông thôn mới đầu tiên của Đồng Nai cũng như cả nước, Xuân Lộc có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Huyện có diện tích lớn, chủng loại cây trồng, vật nuôi đa dạng cho việc phát triển ngành nghề chế biến nông sản, thực phẩm.

Mô hình trồng quýt tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc
Mô hình trồng quýt tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc

Dù có nhiều tiềm năng, song những năm qua việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Xuân Lộc còn khiêm tốn. Lãnh đạo huyện cho hay, địa phương kêu gọi và mong muốn doanh nghiệp đồng hành, tăng cường đầu tư để thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

* Tiềm năng lớn

Theo Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện hiện có hơn 60 ngàn hécta đất trồng trọt. Từ 10 năm trước, Xuân Lộc đã hình thành được các vùng cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn quả, cây có múi, rau màu... với tổng diện tích trên 26 ngàn hécta.

Huyện cũng đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và hình thành nên 4 tiểu vùng sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, Xuân Lộc thành lập được 48 hợp tác xã, 362 câu lạc bộ năng suất cao, 47 tổ hợp tác và trên 50 trang trại. 46 sản phẩm từ nông nghiệp của huyện được cấp nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có hàng chục sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt) như: xoài Suối Lớn; cam, quýt SaBi, sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa… Huyện còn có đàn heo trên 200 ngàn con và đàn gia cầm trên 6,8 triệu con.

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương nên trong thời gian qua, huyện Xuân Lộc đã tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở cho nông nghiệp như hệ thống lưới điện, đường giao thông nông thôn kết nối giao thông nội đồng tại các vùng sản xuất. Bên cạnh đó, Xuân Lộc cũng xây dựng được 3 công trình thủy lợi lớn là hồ Gia Ui, Núi Le, Gia Măng phục vụ nước tưới cho các cánh đồng với dung lượng chứa nước khoảng 20 triệu m3. Hiện huyện tiếp tục lập kế hoạch đầu tư thêm các công trình khác để đưa nước tưới cho cây trồng thuộc các xã Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao, Xuân Trường, Xuân Hưng, Xuân Hòa...

Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho hay, tiềm năng phát triển nông nghiệp là rất lớn. Bên cạnh những điều kiện thiên nhiên ưu đãi thì hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện là cơ sở để huyện xây dựng chương trình kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư.

“Xuân Lộc đã quy hoạch các vùng phục vụ phát triển nông nghiệp như khu nông nghiệp công nghệ cao 200 hécta tại xã Xuân Trường, các phân khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Xuân Tâm, Xuân Thành với diện tích 1 ngàn hécta. Tại đây trong tương lai sẽ bố trí nhà máy chế biến, kho chứa, kho bảo quản nông sản, khu trưng bày sản phẩm...” - bà Lê Thị Hiệp nói.

* Mời gọi doanh nghiệp đầu tư sâu vào chế biến

Mặc dù có nhiều tiềm năng, song lãnh đạo huyện Xuân Lộc cũng thừa nhận tình hình sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế khi muốn chuyển sang nền sản xuất hàng hóa lớn. Các ngành chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa phát triển, lãng phí nguồn nguyên liệu của địa phương. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhất là khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế; việc sử dụng nhà màng, nhà kính để sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Những hạn chế này khiến cho Xuân Lộc dù có nhiều mặt hàng nông sản nhưng tiếng vang  chưa xa, hàng hóa còn rất khó để vào siêu thị trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu số lượng lớn đi nước ngoài.

Xuân Lộc có nhiều cây trái, nong sản nhưng công nghiệp chế biến vẫn còn thiếu
Xuân Lộc có nhiều cây trái, nong sản nhưng công nghiệp chế biến vẫn còn thiếu.

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn cũng chưa như mong đợi. Huyện Xuân Lộc mới chỉ có một số ít các nhà đầu tư với vốn không quá lớn như Công ty TNHH Trang Trại Việt ở xã Xuân Trường trồng rau sạch trong nhà màng, định hướng xuất khẩu; Công ty TNHH một thành viên Thanh Đức nuôi gà đẻ trứng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đi một số nước châu Á... Bên cạnh đó là các công ty, cơ sở nhỏ lẻ đang chế biến nông sản bằng thủ công. Việc thu hút các tập đoàn lớn trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào đây hầu như chưa có.

Để khắc phục những hạn chế trong nhiều năm qua, Xuân Lộc đặt quyết tâm kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết huyện tiếp tục được chọn làm điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đó, huyện đang triển khai đề án phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025 gắn với mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Trong bối cảnh nguồn lực từ địa phương còn hạn chế, muốn phát triển nhanh, bền vững ngành nông nghiệp thì sự đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tầm cỡ có vai trò rất quan trọng.

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự đồng hành, chung tay góp sức của đội ngũ doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp trong huyện, tỉnh rồi các doanh nghiệp lớn tìm hiểu tiềm năng, lợi thế để đầu tư. Huyện cũng nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ cũng như đồng hành, phối hợp với nhà đầu tư nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc” - Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên bày tỏ.

Các lĩnh vực huyện Xuân Lộc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gồm:

- Đầu tư vào xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, cây ăn trái.

- Đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt các sản phẩm nông nghiệp theo công nghệ cao.

- Đầu tư công nghệ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch.

- Kết nối và phát triển các tuyến du lịch sinh thái gắn với khu du lịch núi Chứa Chan.

- Tiêu thụ sản phẩm, kết nối và quảng bá sản phẩm đã có nhãn hiệu và đạt các tiêu chuẩn cao.

Mô hình trồng quýt tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc

Văn Gia

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,243,400       119