Ứng phó với dịch tả heo châu Phi (ASF), nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành chăn nuôi đang nỗ lực hết mình để bảo toàn đàn heo giống và phát triển đàn heo thịt.
Gà ta rớt giá do người nuôi ồ ạt đầu tư. Trong ảnh: Trại nuôi gà ta thả vườn tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo các DN chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ngoài các giải pháp tạm thời ứng phó với dịch ASF và ổn định thị trường thịt heo, ngành chăn nuôi phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn mới có thể khôi phục và tiếp tục phát triển sau dịch ASF.
* Giải pháp tạm thời
Hiện tại, giải pháp duy nhất bảo vệ đàn heo khỏi dịch ASF là an toàn sinh học, nên các trại chăn nuôi quy mô lớn, được đầu tư bài bản, thực hiện chặt chẽ các giải pháp an toàn sinh học có lợi thế trong việc bảo toàn và phát triển đàn heo. Tuy nhiên, với tình hình lây lan dịch ASF vẫn chưa có điểm dừng, người chăn nuôi phải hết sức thận trọng khi tái đàn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang nhận xét, trong điều kiện dịch tả vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, chỉ các DN mới có điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực để thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp an toàn sinh học để tái đàn. Hiện chủ yếu chỉ các DN, cơ sở chăn nuôi lớn mới thực hiện việc tái đàn, tăng đàn. “Với chăn nuôi nhỏ lẻ, ngay cả ở các vùng đã công bố hết dịch cũng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các giải pháp an toàn sinh học thì mới đủ điều kiện được phép tái đàn” - ông Quang nói.
Nói về giải pháp ổn định thị trường trước “cơn sốt” thịt heo, Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết: “Chương trình bình ổn giá của tỉnh sẽ dành 30 tỷ đồng để bình ổn mặt hàng thịt heo khi thị trường xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, cục bộ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020. Tham gia chương trình bình ổn giá có các DN lớn trong ngành chăn nuôi và các trung tâm thương mại của tỉnh”.
Ngoài ra, ngành Công thương đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân thay đổi về khẩu phần ăn, giảm tỷ lệ thịt heo, tăng sử dụng thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản khác trong bữa ăn hằng ngày.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cũng yêu cầu các DN ngành chăn nuôi phải nỗ lực tham gia tái đàn heo để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Trong đó, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho những DN liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư phát triển đàn heo theo hướng bền vững, vừa góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường, vừa giúp ổn định đời sống của người chăn nuôi.
* Không “chạy” theo phong trào
Chỉ ra tác hại của việc phát triển chăn nuôi còn “chạy” theo phong trào, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán dẫn chứng, nhiều hộ nuôi heo không đủ điều kiện tái đàn ồ ạt chuyển sang đầu tư cho con gà ta thả vườn và con vịt. Đàn gia cầm tăng quá nhanh trong thời gian ngắn là nguyên nhân khiến gà, vịt liên tục rớt giá trong thời gian qua. “Người chăn nuôi không nên “chạy” theo phong trào mà phải tìm hiểu kỹ thị trường trước khi đầu tư” - ông Đoán nói.
Theo các DN trong ngành chăn nuôi, chưa bao giờ hiệu quả đầu tư các trại chăn nuôi theo quy trình khép kín, công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học lại chứng minh lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn dịch ASF đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi heo như hiện nay.
Ngay cả những đại gia lớn trong ngành chăn nuôi cũng phải tổ chức lại chăn nuôi theo quy trình chặt chẽ hơn. Ông Trần Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) cho biết, DN đang cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi, ưu tiên phát triển mô hình trang trại cách xa khu dân cư, kiểm soát dịch bệnh tốt. Theo ông Tiến: “Chúng tôi chú trọng hơn trong việc xây dựng đội ngũ kỹ thuật, bác sĩ thú y đến tận trang trại hỗ trợ cho người chăn nuôi là khách hàng mua giống, thức ăn, thuốc… về quy trình phòng, chống dịch ASF, nhất là trong việc tái đàn”.
Bình Nguyên