Kinh tế

Bài 3: Nỗ lực đưa gốm, mộc mỹ nghệ vươn xa

Trong hàng chục nghề truyền thống tại Đồng Nai thì gốm và mộc mỹ nghệ được bảo tồn và phát triển tương đối ổn định trong thời hội nhập. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, sản phẩm gốm, mộc mỹ nghệ còn xuất khẩu sang được nhiều quốc gia khác.

TIN LIÊN QUAN

Nghề làm gỗ mỹ nghệ tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc. Ảnh: H.Giang
Nghề làm gỗ mỹ nghệ tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc. Ảnh: H.Giang

Nghề làm gốm tập trung chủ yếu ở TP.Biên Hòa. Mộc mỹ nghệ chia làm 2 làng nghề khu vực xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) chuyên làm các loại máy bay, xe ô tô, thuyền buồm, thú, đồ vật từ những mảnh gỗ nhỏ. Làng nghề thứ 2 nằm ở xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) chuyên làm bàn ghế, tượng, tranh từ các gốc cây.

* Thăng trầm nghề gốm

Gốm Biên Hòa hình thành và phát triển từ hơn 100 năm trước. Làng nghề này có sản phẩm xuất ngoại sớm nhất tại Đồng Nai. Vào thập niên 20 của thế kỷ trước, gốm Biên Hòa đã xuất khẩu vào nhiều nước ở châu Âu và được đánh giá rất cao về chất lượng và mẫu mã. Gốm Đồng Nai cuốn hút vì mang dấu ấn riêng độc đáo, với 2 dòng gốm nổi tiếng là gốm trang trí và gốm đen. Cuối thế kỷ 20 và 5 năm đầu thế kỷ 21 là thời kỳ hoàng kim của nghề gốm Đồng Nai. Lúc đó, cả hai dòng gốm tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu rất tốt. Nhưng sau đó, nghề gốm bị thu hẹp dần vì yêu cầu của UBND tỉnh là phải di dời các cơ sở sản xuất gốm ra khỏi khu dân cư để bảo vệ môi trường. UBND tỉnh đã quy hoạch, xây dựng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ở xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) để di dời các cơ sở sản xuất gốm vào với mục tiêu mở rộng làng nghề và phát triển du lịch.

/Sản xuất gốm để xuất khẩu tại Cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh (TP. Biên Hòa).
Sản xuất gốm để xuất khẩu tại Cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh (TP. Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết: “Khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhiều cơ sở di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh hoạt động khá tốt. Vì có nhà xưởng đảm bảo nên các cơ sở có thể ký hợp đồng xuất khẩu gốm trực tiếp và đơn hàng cũng rất dồi dào. Hiện nhiều doanh nghiệp đăng ký thuê thêm đất để mở rộng sản xuất”. Hiện làng nghề gốm ở Biên Hòa chỉ còn hơn 30 cơ sở, nhưng hoạt động tương đối hiệu quả vì đầu ra cho sản phẩm thuận lợi.

Ông Huỳnh Đức Vinh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Thái Vinh ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) cho hay: “Gần 3 năm nay, doanh nghiệp của tôi dời vào cụm công nghiệp, đầu tư nhà xưởng bài bản nên ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với khách hàng Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ. Nhiều đơn đặt hàng lớn đến với công ty nhưng phải từ chối bớt vì không đáp ứng kịp”. Các cơ sở gốm đã đưa máy móc vào một số khâu để nâng công suất, giảm lao động, giá thành cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, những cơ sở sản xuất gốm đen khi di dời vào cụm công nghiệp lại đang gặp khó khăn chưa tháo gỡ được là quy chuẩn về môi trường. Do đó, các cơ sở sản xuất gốm đen đang chờ UBND tỉnh sớm đưa ra quy chuẩn chung về công nghệ, môi trường để các cơ sở yên tâm đầu tư và đi vào hoạt động.

Dòng gốm đen của Đồng Nai được nhiều khách hàng Hoa Kỳ, châu Âu đánh giá rất cao và muốn đặt hàng với số lượng lớn, lâu dài. Đầu ra của gốm đen không thiếu nhưng các cơ sở đang gặp khó về mặt bằng sản xuất. Hiện gốm Đồng Nai đã xuất khẩu vào hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và phần lớn là xuất trực tiếp.

* Mộc mỹ nghệ cạnh tranh bằng sự độc đáo

Mộc mỹ nghệ ở Đồng Nai từng trải qua nhiều thăng trầm, có những thời kỳ nghề này phát triển ồ ạt, huyện Trảng Bom có đến trên 70 cơ sở làm mộc mỹ nghệ và tập trung nhiều ở xã Bình Minh.

Tại huyện Xuân Lộc hiện cũng có trên 60 cơ sở, hộ gia đình làm mộc mỹ nghệ từ gốc rễ cây. Nhưng hội nhập, cạnh tranh giữa các làng nghề trong nước và hàng nhập khẩu khá gay gắt dẫn đến nhiều cơ sở, hộ gia đình buộc phải ngưng sản xuất. Số cơ sở làm mộc mỹ nghệ ở hai địa phương trên đã giảm gần 50%, song những cơ sở còn tồn tại lại phát triển khá tốt vì đã tìm ra hướng đi riêng là tập trung vào nâng cao tính nghệ thuật của sản phẩm. Vì thế, Đồng Nai là nơi nổi danh cả nước vì có nhiều sản phẩm mộc mỹ nghệ “độc, lạ” và giá rẻ.

 Khách hàng nước ngoài đến làng nghề gỗ mỹ nghệ ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) để đặt hàng.
Khách hàng nước ngoài đến làng nghề gỗ mỹ nghệ ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) để đặt hàng. Ảnh: H.Giang

Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở ấp Tân Bắc (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) cho biết: “Cơ sở của tôi tồn tại và phát triển được là nhờ có trên 500 mẫu sản phẩm, trong đó có những mẫu đặc sắc, độ tinh xảo cao chưa nơi nào làm được và giá cả cạnh tranh. Do đó, khách hàng đã đến với cơ sở của tôi ít khi bỏ đi được. Vì vậy các sản phẩm như: máy bay, ô tô, mô tô, hình thú, thuyền... của cơ sở tôi đã xuất qua hơn 10 nước trên thế giới”. Để đáp ứng kịp những đơn hàng lớn, ông Nhân đã liên kết với một số cơ sở khác trên địa bàn huyện chia sẻ bớt đơn hàng.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, nghề mộc mỹ nghệ làm từ gốc rễ cây ở huyện Xuân Lộc sản xuất không còn chạy theo số lượng và chú ý đến tính nghệ thuật, độc lạ cho các sản phẩm. Các cơ sở luôn chú trọng đến giá trị nghệ thuật của từng sản phẩm. Do đó, mỗi tác phẩm được tạo ra thường là “độc nhất vô nhị”, khó tìm được cái thứ hai tương tự nên được rất nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài ưa thích, sẵn sàng mua với giá cao.

Ông Đoàn Minh Tiên, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Minh Tiên ở ấp 5 (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Những năm gần đây, sản phẩm làm từ gốc rễ cây có tính nghệ thuật cao rất dễ bán và thường bán được giá cao. Có những tác phẩm tôi bán được từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng. Song có khách mua về, gặp người mê sưu tầm các sản phẩm “độc lạ” từ gỗ sẵn sàng trả giá cao gấp 2-3 lần để được sở hữu sản phẩm”.

Nghề này có đặc trưng riêng là các nghệ nhân, thợ phải có sẵn gốc rễ cây rồi từ đó mới lên ý tưởng cho sản phẩm. Mỗi nghệ nhân, người thợ sẽ có những ý tưởng về nghệ thuật khác nhau nên sản phẩm tạo ra mang hồn và phong thái riêng. Đây chính là yếu tố giúp cho mỗi tác phẩm đều có những điểm riêng đặc sắc không “đụng hàng”, vì thế ngày càng có nhiều khách hàng trong và ngoài nước tìm đến làng nghề để mua hàng. Hiện có nhiều khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng trong nước tìm đến đặt hàng từ làng nghề gỗ mỹ nghệ ở huyện Xuân Lộc.  

”Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Xuân Lộc, hiện trên địa bàn huyện có hơn 30 cơ sở làm mộc mỹ nghệ, thị trường đầu ra rất thuận lợi. Tuy nhiên, các chủ cơ sở mộc mỹ nghệ ở Xuân Lộc cho biết, khó khăn của làng nghề không phải là thị trường đầu ra mà là lao động có tay nghề cao. Nhiều cơ sở muốn mở rộng sản xuất nhưng tuyển thợ rất khó khăn. Thợ làm mộc mỹ nghệ đòi hỏi phải có năng khiếu, cần cù và đào tạo một người thợ lành nghề phải mất từ 4-5 năm”.

Hương Giang

Bài 4: Xuât hiện những làng nghề mới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,244,416       160