Chương trình OCOP nhằm khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn, qua đó tạo sức bật cho các địa phương phát triển nền nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Phơi hạt sen tại Cơ sở hạt sen Trường Phát (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: B.Nguyên |
Đây cũng được cho là bệ đỡ, tạo cơ hội khởi nghiệp cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
* Khởi nghiệp cùng OCOP
Trong 12 sản phẩm được chọn phát triển theo Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 có nhiều đặc sản địa phương như: trà khổ qua rừng của Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (phường Xuân Tân, TP.Long Khánh); bưởi da xanh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú); nấm rơm của Hợp tác xã Nguyễn Thị Liên (xã Suối Trầu cũ, huyện Long Thành); bột sen dinh dưỡng của Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch)... Đây đều là những cơ sở mới, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ tại các địa phương. Họ tham gia Chương trình OCOP với mong muốn được sự hỗ trợ để các đặc sản địa phương không ngừng vươn xa, trở thành thương hiệu đặc sản cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Huyện Nhơn Trạch từng nổi tiếng về nghề trồng sen, có thời điểm địa phương này phát triển được hàng trăm hécta sen. Tuy nhiên, nhiều năm trước, hạt sen của vùng này chủ yếu bán cho một doanh nghiệp Đài Loan đóng sen tươi xuất khẩu. Khi doanh nghiệp này hạn chế thu mua, nông dân buộc phải bán loại đặc sản này với giá rẻ, đầu ra ngày càng bấp bênh. Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát tại xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) ra đời, thu mua mọi bộ phận của cây sen, từ lá đến củ và hạt sen đưa vào chế biến. Theo đó, hàng chục sản phẩm từ sen ra đời như: hạt sen khô, hạt sen sấy, bột sen nguyên chất, bột ngũ cốc hạt sen, trà lá sen...
Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát chia sẻ: “Sen là đặc sản lâu đời của vùng đất Nhơn Trạch. Tôi đầu tư chế biến các sản phẩm từ sen theo phương pháp thủ công truyền thống, chăm chút tỉ mỉ từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đầu vào đến các khâu chế biến vì muốn tiếng thơm sen Nhơn Trạch ngày càng lan xa”. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ sở chế biến quy mô còn nhỏ lẻ nên bà chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát kỳ vọng Chương trình OCOP sẽ hỗ trợ cơ sở tiếp cận về nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ xúc tiến thương mại... để nâng tầm thương hiệu cho đặc sản địa phương.
Cùng mong muốn, bà Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân cho biết, khổ qua rừng là đặc sản của vùng đất Long Khánh. Nhận thấy thực khách ngày càng ưa chuộng món đặc sản thiên nhiên này, bà Vân thử nghiệm làm thêm các món chế biến giới thiệu ra thị trường. Ban đầu, cơ sở của bà chỉ làm thử nghiệm một số món chế biến thủ công như: trái khổ qua rừng muối chua, khổ qua rừng xá xíu, khổ qua rừng nhồi thịt, nhồi cá thác lác... cung cấp vào các quán ăn, nhà hàng tại địa phương. Khi được thị trường đón nhận, bà Vân mới đầu tư máy móc làm thêm các sản phẩm chế biến sâu như: bột khổ qua rừng, trà túi lọc khổ qua rừng... Trà khổ qua rừng của doanh nghiệp được chọn trong tốp 12 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Đây là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển thêm nhiều dòng hàng mới. “Chúng tôi đã liên kết với nhiều nông dân ở TP.Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ phát triển vùng trồng khổ qua rừng để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân” - bà Vân nói.
* Nâng tầm đặc sản
Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển Chương trình OCOP. Toàn tỉnh hiện có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt và 18 dự án cánh đồng lớn đang lập dự án hoặc chờ phê duyệt. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 104 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, nhiều chuỗi liên kết được chọn làm sản phẩm OCOP của địa phương như: chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán); tiêu của Hợp tác xã Lâm San (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ)... đang xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu...
Bưởi da xanh của HTX dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú). Ảnh: B.Nguyên |
Với tiềm năng đã hình thành được 25 vùng sản xuất tập trung cho các cây trồng chủ lực tiêu, xoài, bưởi, cam, quýt, chôm chôm, sầu riêng, ca cao...; hình thành 139 vùng phát triển chăn nuôi; kinh tế tập thể phát triển mạnh với 137 hợp tác xã nông nghiệp, hơn 3,8 ngàn trang trại, Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển Chương trình OCOP. Cụ thể, qua khảo sát bước đầu cho thấy trên địa bàn tỉnh có khoảng 190 sản phẩm OCOP gồm: 155 sản phẩm nhóm thực phẩm, 6 sản phẩm nhóm đồ uống, 5 sản phẩm nhóm thảo dược, 13 sản phẩm nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, 10 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng...
Tham gia Chương trình OCOP, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ được ưu tiên hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn; đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP và xúc tiến thương mại...
Tại hội nghị quán triệt sâu Chương trình OCOP tỉnh Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện ngay việc phân bổ, hướng dẫn về việc bố trí kinh phí cho chương trình; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận vốn ưu đãi; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, tư vấn phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP; đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP; quảng bá, xúc tiến thương mại; mở rộng kênh phân phối cho sản phẩm OCOP... Mục tiêu nhằm phát triển nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi giá trị; góp phần nâng cao thu nhập, nâng chất đời sống nông dân trong hậu xây dựng nông thôn mới.
Tư vấn quốc gia Chương trình OCOP, PGS-TS.Trần Văn Ơn (Trưởng bộ môn Thực vật Trường đại học dược Hà Nội) gợi ý, là một tỉnh công nghiệp, Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển Chương trình OCOP, nhất là có thể huy động nguồn lực từ đô thị để phát triển nông thôn. Đồng Nai cũng có nhiều vùng đặc sản nông nghiệp, có sự độc đáo trong văn hóa vùng miền, cảnh quan vùng miền riêng... nên tập trung khai thác. |
Bình Nguyên