Kinh tế

'Cuộc chiến' với hàng giả online

Chống hàng gian, hàng giả lâu nay được xác định là một "cuộc chiến dài hơi" cho cả các bên: cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất (hoặc sở hữu thương hiệu) và người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển của internet đang khiến "cuộc chiến" này trở nên phức tạp hơn khi hàng gian, hàng giả được "phân phối" trực tuyến (online) rất tinh vi mà các công cụ pháp lý kiểm soát hiện thời chưa theo kịp.

Chống hàng gian, hàng giả lâu nay được xác định là một “cuộc chiến dài hơi” cho cả các bên: cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất (hoặc sở hữu thương hiệu) và người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển của internet đang khiến “cuộc chiến” này trở nên phức tạp hơn khi hàng gian, hàng giả được “phân phối” trực tuyến (online) rất tinh vi mà các công cụ pháp lý kiểm soát hiện thời chưa theo kịp.

onlineshopping.jpg
Ảnh tư liệu

Kinh doanh trực tuyến hiện đang tồn tại chủ yếu dưới 2 hình thức: một là bán hàng thông qua các trang mạng xã hội đã được thiết lập dưới “hình dạng” các sàn giao dịch thương mại điện tử (như: Facebook, Twitter…) để giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm và hai là hình thức bán hàng thông qua website riêng.

Để kiểm soát, quản lý hoạt động kinh doanh trực tuyến, cách đây 5 năm, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử. Tuy nhiên, thông tư này trên thực tế mới chỉ kiểm soát được các hoạt động đăng ký chính thức của các trang mạng bán hàng, chứ chưa thực sự quản lý được chất lượng, xuất xứ hàng hóa trong “thế giới trực tuyến”.

Kinh doanh hàng gian, hàng giả trên internet hiện nay chủ yếu vẫn đang chịu sự quản lý của Bộ luật Hình sự và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính hành vi bán hàng hóa không rõ nguồn gốc. Song, đặc thù của kinh doanh trực tuyến là chủ thể bán hàng thường không có kho hàng hay cửa hàng thực tế mà chỉ nhận đơn đặt hàng trực tuyến, không đăng ký, không có hóa đơn chứng từ, thu tiền mặt từ khách hoặc nhận chuyển khoản qua tài khoản cá nhân mà không thể hiện nội dung mua bán hàng hóa… Do đó, việc kiểm tra thực tế và chứng minh vi phạm rất khó khăn.

Điều này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn phổ biến trên toàn thế giới. Kể cả những nhà bán lẻ trực tuyến lâu đời và có uy tín như: Alibaba, eBay, Amazon... cũng đối mặt với nhiều cáo buộc về kinh doanh hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc. Một phần là do các trang bán lẻ trực tuyến toàn cầu này có quy mô quá lớn, quá rộng và họ khó lòng kiểm soát hết tất cả các mặt hàng mà mình bán.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), chỉ trong những tháng đầu năm 2019, Bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử cả nước rà soát, gỡ bỏ hơn 3.750 sản phẩm vi phạm xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái của gần 600 gian hàng và website (nguồn: Bộ Công thương).

Trên nhiều phương tiện truyền thông, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, các loại hình bán hàng trực tuyến tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại cao là bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên các trang web và sàn thương mại điện tử. Hiện tại, vẫn chưa có chính sách quản lý hay công cụ xử phạt nào đủ hiệu quả để hạn chế đến mức thấp nhất hàng gian, hàng giả ở các loại hình này. Thông thường, chỉ khi khách hàng kiện cáo, cơ quan chức năng mới có cơ sở kiểm tra, xử lý và chưa hẳn cơ quan chức năng đã tìm ra nơi cung cấp, cất giữ hàng hóa để tiến hành xử phạt.

Vi Lâm

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,249,636       411