Kinh tế

'Ẩn số' thị trường xuất, nhập khẩu cuối năm

Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai có 5 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu lớn và xuất siêu cao, nhưng bên cạnh đó lại có 4 mặt hàng chỉ nhập siêu. Thị trường xuất, nhập khẩu 2 tháng cuối năm đang là ẩn số...

ong cuộc đua về đích theo mục tiêu đã đề ra.

Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần tổng công ty may Đồng Nai. Ảnh: K.Minh
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần tổng công ty may Đồng Nai. Ảnh: K.Minh

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và phụ tùng. Bên cạnh đó, cũng có 4 mặt hàng Đồng Nai chỉ nhập khẩu mà không xuất khẩu là: bắp, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, bông các loại, vải. Mục tiêu đề ra của tỉnh là kim ngạch xuất khẩu năm 2019 sẽ tăng 10% so với năm 2018, nhưng đến nay mức tăng mới đạt gần 6%.

* Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Gần 10 tháng của năm 2019, kim ngạch xuất khẩu 5 mặt hàng chủ lực của Đồng Nai là 9 tỷ USD, chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhóm các mặt hàng trên cũng xuất siêu đến 6,4 tỷ USD. Khoảng 4 năm trở lại đây, giày da, dệt may, sản phẩm từ gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và phụ tùng có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu nên xuất siêu tăng cao.

Đơn cử như giày dép, gần 10 tháng của năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,48 tỷ USD, nhưng chỉ phải nhập nguyên phụ liệu hơn 600 triệu USD. Do đó, riêng lĩnh vực giày dép đã xuất siêu 2,88 tỷ USD. Đây là kết quả của Đồng Nai như Chính phủ sau nhiều năm ưu tiên mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước hội nhập sâu khá nhanh, hiện có 12 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhiều dòng thuế suất đã được xóa bỏ hoặc theo lộ trình giảm dần tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những ràng buộc về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu buộc phải tìm nguyên liệu trong nước. Điều này mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, cung cấp cho các công ty làm ra sản phẩm xuất khẩu.

Ông Bang Jin Woo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho hay:  “Công ty xuất khẩu giày sang hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và những năm qua luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Đầu năm 2019, công ty đầu tư thêm 100 triệu USD để xây dựng thêm nhà máy mở rộng sản xuất và xuất khẩu”. Công ty TNHH Changshin Việt Nam hiện đang là một trong 6 doanh nghiệp sản xuất giày dép lớn nhất của Đồng Nai. Giày dép là mặt hàng 5 năm liền luôn giữ được mức tăng trưởng
14-18%/năm.

Trong 10 tháng của năm nay, sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, nhưng xuất siêu đến hơn 1 tỷ USD; xơ sợi dệt có kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD và xuất siêu 700 triệu USD; dệt may xuất khẩu 1,68 tỷ USD và xuất siêu 880 triệu USD... Các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng chủ lực của tỉnh đều khẳng định, nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng đa dạng nên các đơn hàng nguyên liệu trong nước chiếm 50-60%. Trong đó, có những đơn hàng nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được 80%.

* Vì sao 4 mặt hàng chỉ nhập siêu?

Tại Đồng Nai có 4 mặt hàng chỉ nhập siêu với kim ngạch 2,3 tỷ USD. Trong số đó, vải là mặt hàng nhập siêu lớn nhất với 775 triệu USD; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 565 triệu USD; bông các loại 564 triệu USD và bắp 389 triệu USD.

Đồng Nai nhập khẩu nhiều bắp, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu để sản xuất và cung ứng cho các trang trại, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và những tỉnh, thành khác. Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai là nơi có tổng đàn heo, gà lớn nhất nhì cả nước nên nhu cầu về thức ăn chăn nuôi rất lớn. Nguồn bắp và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước không đáp ứng đủ nên phải nhập khẩu. Địa bàn Đồng Nai cũng tập trung khá nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của những tập đoàn nổi tiếng như: C.P., CJ, De Heus, Cargill... Dù tỉnh được coi là ”thủ phủ” của cây bắp với năng suất, chất lượng, diện tích lớn nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy, số còn lại buộc phải nhập khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong tỉnh nhập khẩu bông để sản xuất xơ sợi dệt cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước đây, Đồng Nai có vùng trồng bông để cung ứng cho các nhà máy, nhưng cây bông cho thu nhập thấp, người dân chuyển qua những cây trồng khác cho thu nhập cao gấp 2-4 lần và cây bông đã dần bị xóa sổ nên phải nhập khẩu để có nguyên liệu sản xuất.

Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tổng công ty may Đồng Nai cho biết: ”Thị trường trong nước đã cung ứng được 40-60% nguyên liệu cho ngành may mặc. Tuy nhiên, có những đơn hàng nguyên liệu vải vẫn phải nhập khẩu đến 70-80% mới đáp ứng được yêu cầu của đối tác”. Cũng theo ông Kích, công ty luôn ưu tiên tìm nguồn nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất và đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa khi đưa hàng vào những quốc gia Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho rằng, những mặt hàng Đồng Nai nhập siêu chủ yếu là nhập nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Hiện tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực này khá nhiều. Theo đó, thời gian tới, nhập khẩu nguyên liệu sẽ giảm dần vì nguồn cung trong nước ngày một dồi dào.

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,254,199       180