Kinh tế

Tìm cơ hội bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Nhằm tiếp tục việc xúc tiến đầu tư, thương mại, đẩy mạnh bán hàng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngày 23-10, UBND tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị giao thương cho doanh nghiệp giữa hai bên.

Các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tìm kiếm cơ hội giao lưu, hợp tác tại hội nghị giao thương. Ảnh: V.Thế
Các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tìm kiếm cơ hội giao lưu, hợp tác tại hội nghị giao thương. Ảnh: V.Thế

Đây là lần thứ 3 hội nghị giao thương được tổ chức và ngày càng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản và Đồng Nai.

* Nhiều cơ hội hợp tác

Hàng chục doanh nghiệp Việt Nam ngành nghề cơ khí, chế tạo, thiết bị công nghiệp hỗ trợ đã giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp mình đến 51 doanh nghiệp Nhật Bản, qua đó cùng nhau trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ban tổ chức chương trình đã giới thiệu và ra mắt Tổ điều phối viên xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đồng Nai gồm 11 thành viên. Đây là đơn vị được UBND tỉnh thành lập vào tháng 5-2019, dựa trên mô hình hoạt động của các tổ chức điều phối viên Nhật Bản nhằm hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản khi đăng ký tham gia đều nhằm mục đích giải quyết khó khăn của mình trong việc tìm nhà cung ứng nội địa. Thực tế, vấn đề nan giải của các doanh nghiệp Nhật khi đầu tư sang Việt Nam là khó tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa, đặc biệt là những đối tác có thể sản xuất ra sản phẩm gia công theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đại diện  lãnh đạo chính quyền vùng Kansai (Nhật Bản) cho biết thêm, trong số các doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều doanh nghiệp đến từ Kansai và thế mạnh của các doanh nghiệp này là xử lý môi trường, sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng…

“Việt Nam đang phát triển kinh tế, cùng với đó là phát sinh những vấn đề về môi trường. Với kinh nghiệm của Nhật Bản nhiều năm nay trên lĩnh vực này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp được Đồng Nai cải thiện được chất lượng môi trường thông qua sự hợp tác giữa các công ty” - ông Maeda Jun, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế Cục Kinh tế thương mại và công nghiệp vùng Kansai cho hay.

Đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, sự kiện quan trọng này là cơ hội để hợp tác với doanh nghiệp Nhật. Ngay tại hội nghị kết nối, có nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng, Công ty TNHH Chimasa, Công ty TNHH cơ điện Triệu Lê… đã nhận được những quan tâm của đối tác Nhật Bản và đã có trao đổi thông tin bước đầu.

“Chúng tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc với 5 doanh nghiệp Nhật Bản và họ rất quan tâm đến sản phẩm đúc chi tiết chính xác theo yêu cầu do công ty sản xuất. đây là cơ hội để chúng tôi có thể hợp tác bước đầu, cũng như mở rộng cơ hội bán hàng về sau” - ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) kỳ vọng.

* Cần tiếp tục mở rộng KCN

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ  3 trong tổng số các quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Đồng Nai và số vốn đầu tư thời gian gần đây đang gia tăng nhanh chóng.

Các doanh nghiệp trao đổi thông tin hợp tác tại hội nghị giao thương. Ảnh: V.Thế
Các doanh nghiệp trao đổi thông tin hợp tác tại hội nghị giao thương. Ảnh: V.Thế

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh Hideyuki Okada cho biết, hiện hiệp hội có hơn 1 ngàn hội viên. Trong đó, nhóm doanh nghiệp tại Đồng Nai có hơn 130 hội viên, đứng thứ 2 trong hiệp hội. Con số này cho thấy sự quan tâm lớn của doanh nghiệp Nhật Bản đối với việc đầu tư tại Đồng Nai.

Môi trường đầu tư của Đồng Nai có nhiều ưu điểm hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật vì có sự thuận lợi về mặt vị trí địa lý, đầu tư hạ tầng cũng khá đồng bộ. Chính quyền địa phương thường xuyên lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Đồng Nai cho biết họ nhận thấy tỉnh đang thiếu các KCN mới trong khi những vị trị cũ đã gần được lấp đầy. “Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện cơ chế, chính sách thì cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn Đồng Nai sớm đẩy mạnh việc mở rộng đầu tư hạ tầng KCN. Có thêm nhiều KCN mới diện tích rộng sẽ là ưu thế cho thu hút đầu tư từ Nhật Bản với các dự án lớn hơn” - ông Hideyuki Okada đề xuất.

Ông Kishi Masashito, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Sansei Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho rằng, Đồng Nai phải tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có, đặc biệt là về hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đường bộ. Đơn cử như Sansei Việt Nam và các doanh nghiệp trong KCN Amata đang gặp khó khăn về giao thông trước cổng KCN vì giáp với quốc lộ 1. Lưu lượng phương tiện thường xuyên đông đúc, trong khi mặt đường từ lâu không được mở rộng khiến cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa mất nhiều thời gian. Do đó, khi xây dựng các KCN mới, Đồng Nai nên có sự chuẩn bị về mặt giao thông hợp lý hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản có đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế của Đồng Nai. Hiện tỉnh đang nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm hàng hóa, linh kiện của các doanh nghiệp Nhật Bản.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của chương trình và mở rộng ra các lĩnh vực nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Đồng Nai cũng cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định.

Vương Thế

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,259,962       182