Kinh tế

Cần có lộ trình phù hợp

Vào đầu tháng 10-2019, UBND tỉnh và Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo Thúc đẩy nhãn sinh thái dựa trên học tập chuyển đổi tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) tại Việt Nam.

Du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại vườn rau của Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: C.T.V
Du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại vườn rau của Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: C.T.V

Dự án dãn nhãn sinh thái này là một hoạt động nhằm thúc đẩy các sáng kiến phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong các khu DTSQTG ở Việt Nam và nằm trong đề án Bảo tồn và phát triển Khu DTSQTG Đồng Nai giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

* Xây dựng bộ "tiêu chí xanh"

Trong thời gian qua, Ban Quản lý khu DTSQTG Đồng Nai đã phối hợp với Ủy ban quốc gia MAB Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội bước đầu xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí cho các sản phẩm, dịch vụ đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQTG Đồng Nai (là nhãn hiệu độc quyền sử dụng logo Khu DTSQTG Đồng Nai được UBND tỉnh cấp phép) và Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQTG Đồng Nai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, việc xây dựng, hoàn chỉnh Bộ tiêu chí cho các sản phẩm, dịch vụ và Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQTG Đồng Nai là một trong những hoạt động quan trọng đối với dự án dán nhãn sinh thái tại Khu DTSQTG Đồng Nai.

Trên cơ sở đó, Khu DTSQTG Đồng Nai cần xây dựng phương án lựa chọn, quản lý gắn nhãn chứng nhận các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu, đáp ứng các tiêu chí, quy định để dự án được triển khai theo lộ trình thích hợp, hiệu quả, thể hiện được bản sắc của địa phương.

Theo đó, tiêu chí chung đối với sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQTG Đồng Nai là những sản phẩm, dịch vụ xuất xứ tại Khu DTSQTG Đồng Nai, có đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Các sản phẩm, dịch vụ này được chia thành các nhóm: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Ở tiêu chí về môi trường, các sản phẩm, dịch vụ này phải thân thiện với môi trường, an toàn, vệ sinh, có lợi cho người tiêu dùng, phát sinh ít chất thải. Ngoài ra, quá trình sản xuất phải hướng tới các yếu tố tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, các loại sản phẩm có khả năng tái chế, tái sử dụng...

Bên cạnh đó, sản phẩm, dịch vụ cần phù hợp với các tiêu chuẩn ngành đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền về quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, quá trình sản xuất sử dụng lao động địa phương... Đối với mỗi nhóm dịch vụ, sản phẩm cụ thể sẽ có thêm các nhóm tiêu chí riêng.

GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia MAB Việt Nam cho rằng, việc dãn nhán sinh thái sẽ là công cụ hữu hiệu trong việc khích lệ các nhà sản xuất và người tiêu dùng, góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở địa phương.

Hiện nay, trong số 9 khu DTSQTG tại Việt Nam có các khu DTSQTG: quần đảo Cát Bà (TP.Hải Phòng), Lang Biang (tỉnh Lâm Đồng) đã có nhóm sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái. Ngoài ra, còn có các khu DTSQTG: Kiên Giang, Tây Nghệ An... đang chờ công nhận nhãn sinh thái đối với một số nhóm sản phẩm, dịch vụ theo đúng các quy định về sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý khu DTSQTG Đồng Nai chia sẻ, khi các sản phẩm, dịch vụ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQTG Đồng Nai sẽ góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm, đảm bảo phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

* Không để chồng chéo các quy định

GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí cho biết thêm, Khu DTSQTG Đồng Nai có nhiều điều kiện phù hợp về tự nhiên, đa dạng sinh học, các yếu tố để phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... Đặc biệt, UBND tỉnh đã cho phép triển khai dự án dãn nhãn sinh thái này.

Vấn đề lớn nhất của dự án hiện nay là bộ tiêu chí, quy chế của dự án cần được xây dựng một cách kỹ lưỡng, vừa đảm bảo phù hợp với quy định, khuôn khổ về nhãn mác sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) công nhận, vừa thể hiện được đặc trưng riêng của Đồng Nai, hướng tới quy trình sản xuất - tiêu thụ bền vững gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của Chiến khu Đ... Thông qua đó, nhãn sinh thái sẽ góp phần truyền thông, giáo dục cho người dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường gắn liền với sản xuất, phát triển kinh tế.

TS.Hà Văn Định, Viện Quy hoạch - thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) nhận định, bộ tiêu chí về nhóm sản phẩm nông nghiệp của dự án cần lưu ý tập trung vào các tiêu chí, quy định hiện hành. Đơn cử, các sản phẩm mang tính bản địa cần được xây dựng chỉ dẫn địa lý phù hợp. Tiêu chí lựa chọn sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp cần dựa trên các tiêu chuẩn cụ thể như: VietGAP, GlobalGAP...

Nhiều ý kiến của đại diện các khu DTSQTG cũng cho rằng, việc xây dựng bộ tiêu chí cần dựa trên quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ, không để chồng chéo các tiêu chí, tiêu chuẩn của các ngành liên quan. Trên cơ sở đó, hướng tới bộ tiêu chí sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn chứng nhận cần phục vụ chương trình phát triển bền vững của địa phương, nằm trong lộ trình ứng phó với biến đổi khí hậu; mang tính truyền thông, giáo dục, gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương...

Ông Trần Văn Mùi chia sẻ thêm, thông qua các ý kiến, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện DTSQTG trên cả nước, Ban Quản lý khu DTSQTG Đồng Nai sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hoàn chỉnh bộ tiêu chí phù hợp, sát với thực tế và đảm bảo các quy định liên quan.              

                Hải Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,395,816       440