Kinh tế

Thay đổi tư duy ngắn hạn

Nhiều nông sản chủ lực của Đồng Nai đã xây dựng được các chuỗi liên kết, cánh đồng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Nguyên nhân chủ yếu vì dù tham gia đầu tư sản xuất lớn nhưng nông dân vẫn chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đang xây dựng chuỗi liên kết trồng xoài xuất khẩu. Trong ảnh: Nông dân tham quan mô hình trồng xoài sạch theo chuẩn xuất khẩu của Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai. Ảnh: B.Nguyên
Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đang xây dựng chuỗi liên kết trồng xoài xuất khẩu. Trong ảnh: Nông dân tham quan mô hình trồng xoài sạch theo chuẩn xuất khẩu của Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai. Ảnh: B.Nguyên

Nhiều chuỗi liên kết hình thành rồi dễ dàng đổ vỡ do cả từ phía doanh nghiệp và nông dân đều chưa thật sự có cái nhìn dài hạn trong đầu tư. Nông dân vẫn còn quá chú trọng đến lợi ích trước mắt.

* Yếu trong liên kết

Đồng Nai đã xây dựng được cả trăm chuỗi liên kết nông sản nhưng trong thực tế, nhiều dự án còn thiếu tính bền vững, thậm chí “chết yểu”. Trong đó có nguyên nhân do liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân dễ dàng bị bẻ gãy vì lối làm ăn xem trọng lợi ích trước mắt. 

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Nhiều năm nay, hợp tác xã tham gia rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tiếp cận được cơ hội cung cấp sầu riêng, chôm chôm vào các hệ thống siêu thị hoặc doanh nghiệp đặt hàng với số lượng lớn cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, vì giá sầu riêng biến động quá lớn, khi mặt hàng này “sốt giá”, nông dân sẵn sàng bán cho các thương lái bên ngoài. Hợp tác xã khó đảm bảo về sản lượng khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nên đầu ra vẫn thả nổi theo thị trường”.

Dưới góc nhìn nông dân về điểm yếu của chuỗi liên kết, ông Trần Văn Trung, nông dân trồng chuối tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) chỉ ra: “Không ít lần doanh nghiệp về vùng nguyên liệu chuối đặt vấn đề liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Người dân đổ xô trồng chuối khi nghe có doanh nghiệp bao tiêu hàng xuất khẩu. Nhưng khi thị trường bất lợi, doanh nghiệp “bỏ mặc” nông dân tự xoay xở. Hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân cần có những ràng buộc mang tính pháp lý để tăng trách nhiệm giữa các bên”.

* Cần tính toán đường dài

Theo những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, điểm yếu của sản xuất nông nghiệp là nông dân vẫn chưa có thói quen tuân thủ theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ mà doanh nghiệp đặt ra nên họ vẫn đứng ngoài cuộc khi bước vào hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai, Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) nhận xét, điểm “nghẽn” lớn nhất trong sản xuất an toàn đạt chuẩn xuất khẩu là nông dân mình vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, vẫn giữ thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học để có năng suất cao. Rất nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản và các thị trường khó tính đã đến Đồng Nai đặt vấn đề xuất khẩu trái xoài nhưng nông dân chưa làm ra được trái xoài đạt chuẩn. Điều cần là nông dân phải thay đổi từ tư duy sản xuất, kiên định làm theo hướng an toàn mới mong có đầu ra bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh khẳng định: “Không còn giải pháp nào khác để phát triển nông nghiệp bền vững ngoài phát triển theo chuỗi liên kết. Đồng Nai đang tập trung xây dựng các chuỗi liên kết với doanh nghiệp là đầu tàu phát triển. Nhưng đa số các doanh nghiệp hiện cũng hoạt động theo hình thức mua đứt bán đoạn chứ chưa có sự hợp tác chặt chẽ với nông dân. Chính vì vậy, xây dựng được những hợp tác xã đủ mạnh để làm cầu nối cho các chuỗi liên kết phát triển là giải pháp cho bài toán xây dựng chuỗi liên kết bền vững hiện nay”.

Lê Quyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,274,612       115