Kinh tế

Xuân Lộc, Cẩm Mỹ làm tốt công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi

(ĐN) – Ngày 4-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi và việc chuyển đổi sản xuất cho những hộ chăn nuôi heo tại huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc.

(ĐN) – Ngày 4-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi và việc chuyển đổi sản xuất cho những hộ chăn nuôi heo tại huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Trưởng, hộ chăn nuôi heo tại xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Trưởng, hộ chăn nuôi heo tại xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ).

Đến nay, tổng đàn heo của huyện Cẩm Mỹ còn gần 212 ngàn con. Do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, huyện đã tiêu hủy trên 29 ngàn con thuộc 449 hộ chăn nuôi và 50 trang trại. Kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi trên 56 tỷ đồng. Huyện đã phê duyệt và cấp kinh phí cho 309 hồ sơ với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 10 này, huyện sẽ chi trả hết cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại.

Huyện Xuân Lộc hiện còn tổng đàn trên 442,5 ngàn con, trong đó có 120 trang trại chăn nuôi với gần 373 ngàn con. Tính đến ngày 3-10, toàn huyện đã tiêu hủy trên 11 ngàn con heo với kinh phí dự kiến hỗ trợ cho người chăn nuôi khoảng 18 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã nhận được 68 hồ sơ của các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi và đã chi trả cho 10 hộ chăn nuôi với số tiền gần 751 triệu đồng. Việc triển khai hỗ trợ cho người chăn nuôi còn chậm do hồ sơ chi trả còn một số sai sót cần chỉnh sửa.

Tại 2 địa phương trên, nhiều hộ chăn nuôi heo bị tiêu hủy đàn do dịch tả heo châu Phi đã chuyển đổi sang những mô hình sản xuất khác như: trồng cây, nuôi gà, vịt, dê…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá, huyện Xuân Lộc hiện có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh; địa hình lại trải dài theo quốc lộ 1 nên việc vận chuyển heo rất phức tạp gây rủi ro lớn trong việc lây lan dịch tả heo châu Phi. Nhưng tỉ lệ heo tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi của huyện chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng đàn, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ heo tiêu hủy bình quân toàn tỉnh là 16% tổng đàn. Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của địa phương trong công tác chỉ đạo phòng dịch, khi xảy ra dịch cũng làm rất tốt công tác tiêu hủy, dập dịch đã hạn chế dịch lây lan. Huyện Cẩm Mỹ cũng có tổng đàn heo lớn thứ 3 của tỉnh nhưng số heo tiêu hủy chỉ chiếm 12% tổng đàn. Địa phương cũng đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh làm việc tại UBND xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh làm việc tại UBND xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu thời gian tới, 2 địa phương trên phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. Trong chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại cần làm đúng quy định nhưng phải nhanh, kịp thời hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc nhiều hộ chăn nuôi heo bị dịch đã chuyển đổi sang loại hình sản xuất khác, tham gia vào chuỗi liên kết có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là mô hình rất tốt, 2 địa phương cần tiếp tục khuyến khích nhân rộng để đảm bảo phát triển ổn định. Các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm soát không để các hộ, trang trại nuôi heo tái đàn ngay trong vùng dịch hoặc không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.

Tin, ảnh: Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,287,933       110