Kinh tế

Đẩy mạnh phát triển du lịch xanh

Phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, tạo việc làm cho người dân, tăng nguồn thu cho kinh tế huyện là định hướng phát triển du lịch của huyện Định Quán.

Du khách trải nghiệm tour leo núi ở Định Quán. Ảnh: H.LỘC
Du khách trải nghiệm tour leo núi ở Định Quán. Ảnh: H.LỘC

Hướng đi này được đánh giá là giúp khai thác tối đa lợi thế của địa phương, mang lại nhiều lợi ích bền vững và phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh, cũng như xu hướng chuộng du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương, du lịch khám phá hiện nay của nhiều du khách.

* Nhiều tiềm năng du lịch

Mô hình phát triển du lịch xanh ở huyện Định Quán xuất hiện muộn hơn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh như: Xuân Lộc, Tân Phú, nhưng bước đầu cho thấy nhiều triển vọng.

Ông Nguyễn Nho Kiên, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Meerkat Travel, một doanh nghiệp du lịch nhỏ ở địa phương tiên phong làm du lịch xanh nhận xét, Định Quán là huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Thác Mai, Bàu nước Sôi, Ðá ba chồng, miệng núi lửa... cùng với các làng dân tộc và những lễ hội văn hóa đặc trưng là lợi thế lớn để khai thác du lịch xanh, du lịch cộng đồng.

Với vị trí khá thuận lợi, nằm trên trục đường TP.Hồ Chí Minh - Đà Lạt, dễ dàng kết nối với Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (bao gồm Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An, Khu Ramsar Bàu Sấu), Định Quán không chỉ là điểm dừng chân nghỉ ngơi mà còn là điểm đến thú vị cho những người ưa khám phá.

Thực tế, thống kê lượng du khách đến với Định Quán của công ty cho thấy, 2 năm trở lại đây, lượng khách trung bình tăng 150-200%/năm. 9 tháng của năm 2019, công ty đón khoảng 2 ngàn du khách đến Định Quán, tương đương số khách của cả năm 2018. Hiện công ty đang triển khai nhiều loại tour dành cho các nhóm lứa tuổi, đối tượng khác nhau, có thể kể đến như: đi bộ trong rừng, leo núi, team building...

Đề án phát triển du lịch huyện Định Quán giai đoạn 2017-2021, tầm nhìn đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2021, huyện Định Quán đón từ 200 ngàn du khách/năm trở lên và đảm bảo tăng trưởng 10-15% các năm tiếp theo; doanh thu du lịch đạt khoảng 20 tỷ đồng; du lịch giải quyết việc làm thường xuyên cho 400-600 lao động. Huyện có 12-15 nhà nghỉ, khách sạn đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch quốc tế.

“Tiềm năng có, thuận lợi có nhưng điều tôi trăn trở là khách đến Định Quán nhiều nhưng họ không sử dụng dịch vụ đi kèm. Họ thường phải mua đồ ăn sẵn mang theo. Họ chơi ở Định Quán nhưng tối về TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa hoặc một nơi nào đó để ngủ, nghỉ. Người dân địa phương ở đây cũng chưa nhận ra vấn đề, chưa mạnh dạn liên kết với nhau làm du lịch cộng đồng như ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên hay miền Tây để làm thay đổi cuộc sống cho mình. Huyện cũng chưa có nhà đầu tư du lịch, chưa có nhiều doanh nghiệp lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh liên kết với nhau khai thác các tour, các dịch vụ mới” - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Meerkat Travel nói.

Một hình thức du lịch khám phá độc đáo khác cũng đang có tại Định Quán đó là du lịch vườn. Với lợi thế hàng trăm hécta cây ca cao trên đất đá ong, vài năm trở lại đây, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức mở tour trải nghiệm vườn ca cao cho du khách, bước đầu thực hiện ngay tại vườn cây của công ty.

Tham gia tour, du khách được làm công việc hằng ngày của người nông dân là bón phân, tỉa cành, thu hoạch trái; được tìm hiểu các công đoạn chế biến chocolate theo cách thủ công. Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể trở thành chủ sở hữu cây ca cao khi đặt mua một năm hoặc nhiều năm. Theo đó, khách du lịch trả một khoản chi phí để người của công ty chăm sóc cây theo quy trình sản xuất hữu cơ. Trong thời gian sở hữu, khách du lịch được gắn bảng tên của mình lên cây, được công ty cập nhật hình ảnh, quy trình cây ra hoa, kết trái. Đến mùa, chủ nhân của cây ca cao sẽ quyết định việc thu hoạch và chế biến trái thành chocolate, nước uống ca cao hay rượu ca cao. Sản phẩm sau đó được gửi tới chủ nhân của cây như thành quả của thời gian chăm sóc.

Hình thức này mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo và mới lạ cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế; được kỳ vọng giúp những người nông dân trồng ca cao ở huyện có thêm thu nhập, trở thành những hướng dẫn viên, tư vấn viên du lịch.

* Khai thác gắn với bảo vệ thiên nhiên

Khai thác du lịch từ rừng, suối, hồ tự nhiên là chủ yếu nên vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên được lãnh đạo huyện Định Quán quan tâm đề cao.

Bà Nguyễn Thị Diễm Châu, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho rằng, các điểm du lịch như: Bàu nước sôi, Thác Mai thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, do đó trong quá trình khai thác du lịch, chính quyền huyện đề cao vấn đề phòng hộ rừng hơn là du lịch. Các yếu tố nguyên sơ về thiên nhiên lẫn văn hóa bản địa được tôn trọng và giữ gìn. “Chẳng hạn như việc triển khai tuyến đường nhựa vào hai khu du lịch, chúng tôi làm việc với nhà thầu, hạn chế thấp nhất việc chặt phá cây để làm đường. Chúng tôi cũng quan tâm làm sao để các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương trở thành những mặt hàng phục vụ du khách. Riêng với quần thể di tích danh thắng Đá ba chồng, quá trình đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chúng tôi tách đất công vụ, đất ở ra khỏi quần thể di tích” - bà Châu nói.

Ba năm trước, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần The Coi thực hiện dự án du lịch tại Định Quán với tên gọi là dự án Du lịch môi trường The Coi. Dự án có quy mô gần 100 hécta, tổng vốn đầu tư 1,9 ngàn tỷ đồng, dự kiến được triển khai vào cuối năm nay. Tại các buổi làm việc liên quan đến thủ tục hồ sơ, tiến độ dự án, lãnh đạo tỉnh cho rằng du lịch, và đặc biệt du lịch gắn với bảo vệ môi trường, là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường rừng tự nhiên; tạo điều kiện việc làm cho người dân vùng dự án.

Ông Nguyễn Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cũng cho rằng, trước đây, Ban Quản lý rừng và một số hộ gia đình làm du lịch theo kiểu tự phát, không có hạ tầng nên vắng khách và không quản lý chặt chẽ vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, lượng du khách đến với các điểm du lịch thuộc rừng phòng hộ ngày càng nhiều. Đặc biệt dịp nghỉ lễ 2-9 vừa qua, trung bình mỗi ngày có 700-800 khách, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Do đó, ngoài tuyến đường nhựa kết nối do tỉnh đầu tư, UBND huyện và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cũng thực hiện nhiều công trình hạ tầng phục vụ khai thác du lịch như: địa điểm cắm trại qua đêm, hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, điểm dừng chân ăn uống, khu vực ngâm cát, tắm bùn. Huyện cũng đề nghị chuyển đổi một phần diện tích đất rừng sang thương mại dịch vụ và yếu tố bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Hoàng Lộc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,336,289       562