Kinh tế

"Tôi thường nói "về Đồng Nai", bởi tôi coi mảnh đất này là quê hương thứ hai"

Bà Lily Lin được nhiều người biết đến không chỉ là một nữ Hội trưởng Hiệp hội Nữ doanh nhân Đài Loan tại Việt Nam với tính cách gần gũi, thân thiện mà còn là một doanh nhân đầu tư vào Đồng Nai khá thành công. Dù bận rộn với việc điều hành công ty và của hiệp hội, nhưng bà vẫn dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện.

Bà Lily Lin
Bà Lily Lin. Ảnh: H.G

Bà Lily Lin bắt đầu đến đầu tư tại Đồng Nai từ năm 2002. Có hơn 17 năm gắn bó với Đồng Nai, bà coi nơi này như quê hương thứ hai của mình bởi gia đình, sự nghiệp của bà đều ở đây. Bà thường dùng từ “về Đồng Nai” mỗi khi phải đi xa như một sự gắn bó của mình với vùng đất này.

* Mảnh đất này cho tôi sự thành công

* Điều gì khiến bà chọn Đồng Nai là điểm đến để đầu tư, phát triển sự nghiệp của mình?

- Năm 2002, tôi đến Đồng Nai thuê đất ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa) để thành lập Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt, sản xuất các loại ốc vít cung cấp cho Tập đoàn SYM (chuyên sản xuất các loại xe gắn máy).

Lý do khiến tôi chọn Đồng Nai là vì ở thời điểm đó, Đồng Nai có nền công nghiệp phát triển nhất cả nước, hạ tầng giao thông, khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi. Đồng Nai cũng là nơi có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào nên cơ hội liên kết, mở rộng sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn khác cũng nhiều hơn.

Không chỉ là Hội trưởng Hiệp hội Nữ doanh nhân Đài Loan tại Việt Nam, bà Lily Lin còn là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan tại Đồng Nai.

Bên cạnh đó, Đồng Nai là nơi có nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào rất sớm và khá thành công. Những điều trên đã giúp tôi đưa ra quyết định sẽ đầu tư vào tỉnh. Và thực tế đã chứng minh lựa chọn của tôi đã khá chính xác, sau một thời gian đi vào hoạt động, tôi đã tìm được thêm những khách hàng mới như: Yamaha, Suzuki, Piaggio, Kymco... 

Từ việc chỉ cung cấp ốc vít cho các công ty sản xuất các loại xe máy, xe đạp, tôi từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm để có thể cung cấp cho các hãng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong và ngoài nước.

* Sau khi dự án đầu tư tại Đồng Nai đạt được những thành công nhất định, bà có dự định mở rộng đầu tư ra những nơi khác không?

- Đầu tư vào Đồng Nai một thời gian, tôi đã xây dựng được uy tín, thương hiệu nên khách hàng đến với công ty ngày càng nhiều. Vì thế, tôi đầu tư tiếp một nhà máy sản xuất ở tỉnh Thái Nguyên để hàng hóa bớt phải vận chuyển xa, đồng thời tạo thuận lợi cho khách hàng ở phía Bắc.

Do lĩnh vực tôi đầu tư thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ nên được Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác rất chào đón. Nhưng tôi đã có nhiều năm gắn bó với Đồng Nai, tình cảm với nơi này khá nhiều nên vẫn chọn đây là trụ sở chính để sản xuất và giao dịch.

* Đã có gần 2 thập niên đầu tư vào Đồng Nai, trong mắt bà, môi trường đầu tư của tỉnh như thế nào so với các nơi khác?

- Theo quan sát của tôi, môi trường đầu tư của tỉnh nói riêng và của cả Việt Nam nói chung đang ngày càng được cải thiện tốt hơn. Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định và đây là yêu cầu đầu tiên cho các doanh nghiệp FDI khi chọn đầu tư sang quốc gia nào đó.

Các chính sách trong thu hút đầu tư, thuế, hải quan cũng từng bước được đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Tuy nhiên, có một điểm tôi cũng như nhiều doanh nghiệp Đài Loan mong muốn tỉnh tiếp tục có những chính sách cho phù hợp hơn là đào tạo nghề. Dù những năm gần đây, việc đào tạo nghề cho lao động có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn thiếu nguồn lao động có tay nghề cao và giỏi ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ Đồng Nai nên tiếp tục tăng thu hút đầu tư các doanh nghiệp FDI sản xuất nguyên liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp để giảm nhập khẩu. Như vậy, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ chủ động hơn trong sản xuất và có thể tận dụng tốt các lợi thế của những hiệp định thương mại.

* “Cho đi” là để “nhận về”

* Bà được biết đến như là một trong những người sáng lập ra Hiệp hội Nữ doanh nhân Đài Loan tại Việt Nam. Vì sao bà lại có ý tưởng thành lập hiệp hội này?

- Tôi nghĩ phụ nữ ra nước ngoài làm việc, sinh sống thì sẽ có áp lực lớn hơn nhiều so với sống tại quê hương. Đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tiếp đến là môi trường làm việc.

“Việt Nam đã hội nhập sâu, ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với các nước nên thị trường xuất, nhập khẩu cũng được mở rộng. Vì thế, lao động cũng đòi hỏi phải biết 2-3 ngoại ngữ của những quốc gia có nền thương mại lớn. Đơn cử, công ty của tôi muốn kiếm một số lao động kỹ thuật, kinh doanh biết tiếng Anh và tiếng Nhật Bản để có thể trao đổi tiếp nhận những công nghệ mới trong sản xuất và mở rộng kinh doanh với các đối tác này nhưng tìm kiếm khá khó khăn”.

Thực tế, nữ doanh nhân Đài Loan sang Việt Nam mở công ty sản xuất kinh doanh cũng khá đông nên tôi đã nảy ra ý định thành lập hiệp hội để chị em có dịp gặp gỡ, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và động viên nhau sẽ tốt hơn.

Điều khiến tôi vui nhất là chị em doanh nhân Đài Loan tại Việt Nam sau một thời gian tham gia vào hiệp hội sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Đến nay, hiệp hội đã thu hút hơn 100 nữ doanh nhân Đài Loan tại Việt Nam tham gia. Đây cũng là một trong 68 Hiệp hội Nữ doanh nhân Đài Loan ở nước ngoài có số hội viên đông.

* Bận rộn với công việc kinh doanh, công việc của hiệp hội nhưng bà vẫn dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện. Nhiều doanh nghiệp khi làm từ thiện thường khuếch trương, vì sao bà lại chọn cách làm khá âm thầm?

- Tôi sinh ra trong gia đình theo Phật giáo nên từ nhỏ đã được giáo dục là phải biết chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế, khi đến Đồng Nai đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, tôi thường dành ra một phần cho công tác thiện nguyện.

Tôi nghĩ đơn giản rằng, nơi này đã “cho” tôi khá nhiều, vậy thì mình cũng nên góp một chút công sức, tâm ý để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Tôi rất tâm đắc với triết lý sống “cho đi là để nhận về”. Do đó, trước đây hằng tháng tôi đều tham gia làm từ thiện và thường đến trực tiếp những nơi chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi, người già không nơi nương tựa. Mấy năm gần đây, tôi đóng góp với Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai để cùng tham gia thiện nguyện. Mục đích là cùng các doanh nghiệp tham gia công tác xã hội để cùng nhân rộng mô hình này.

* Nhiều năm sống ở Đồng Nai cũng như Việt Nam, điều gì khiến bà gắn bó nhất?

- Điều khiến tôi và cả các con tôi yêu quý vùng đất này là vì tôi may mắn gặp được những người Việt luôn chân thành và sát cánh cùng tôi trong công việc. Thú thật sau hơn 17 năm sống tại Việt Nam, tôi luôn mang trong mình lòng biết ơn với các cộng sự người Việt của mình.

Thời điểm mới đến Đồng Nai đầu tư, vốn tiếng Việt của tôi rất ít, trong khi mọi thủ tục hóa đơn phải ký tên đều là tiếng Việt. Lúc ấy tôi chỉ có thể tin tưởng tuyệt đối vào họ và họ đã không phụ lòng tôi, chăm chỉ, linh hoạt hỗ trợ tôi trong việc giao dịch sản xuất, kinh doanh. Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt có được thành công như ngày hôm nay có phần góp sức lớn của những cộng sự người Việt.

* Kế hoạch tiếp theo của bà trong tương lai là gì?

- Như đã nói ở trên, tôi rất tin tưởng đội ngũ công nhân viên và cộng sự người Việt của mình. Vì vậy, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đào tạo họ và giao bớt công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh cho họ, còn tôi sẽ chỉ đạo từ xa.

Tôi cũng sẽ từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất để giảm bớt lao động, tăng công suất nhằm tránh được tình trạng thiếu lao động. Thị trường xe gắn máy ở Việt Nam với nhiều nước đang bão hòa, nhu cầu về nguồn cung ốc vít sẽ giảm dần, muốn công ty tiếp tục phát triển tôi sẽ đưa các máy móc hiện đại vào để sản xuất các loại ốc vít cho ô tô và những loại máy móc khác. Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, sẽ từng bước mở rộng xuất khẩu. Với kinh nghiệm nhiều năm cung cấp sản phẩm cho những thương hiệu có tên tuổi tại Đài Loan, Nhật Bản..., tôi tin tưởng hướng đi mình đã lựa chọn là đúng.

    Xin cảm ơn bà!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,342,363       625