Kinh tế

Thầy giáo làm điện mặt trời

Điện mặt trời áp mái đang là xu hướng được người dân sử dụng nhiều trong thời gian gần đây bởi giá điện ngày càng tăng cao. Không những chủ động nguồn cung điện, người dân còn có thể bán điện "thừa" cho ngành điện khi không dùng hết công suất.

Điện mặt trời áp mái đang là xu hướng được người dân sử dụng nhiều trong thời gian gần đây bởi giá điện ngày càng tăng cao. Không những chủ động nguồn cung điện, người dân còn có thể bán điện “thừa” cho ngành điện khi không dùng hết công suất.

Anh Trịnh Ngọc Quyết Tiến hướng dẫn kỹ thuật cho nhân viên thi công công trình điện áp mái  của một khách hàng ở TP.Biên Hòa
Anh Trịnh Ngọc Quyết Tiến hướng dẫn kỹ thuật cho nhân viên thi công công trình điện áp mái của một khách hàng ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Nắm bắt được xu thế đó, anh Trịnh Ngọc Quyết Tiến (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã cùng cộng sự thành lập Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh (Công ty Tiến Thịnh), cung ứng các giải pháp lấy điện mặt trời cho người dân. Nhạy bén với thị trường, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, startup này đã có nhiều khách hàng ở Tây Nam bộ, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

* “Cú rẽ ngang” bất ngờ

Anh Quyết Tiến (sinh năm 1986) vốn học ngành công nghệ thông tin, anh từng công tác tại bộ phận kỹ thuật Viettel Đồng Nai. Sau khi rời Viettel, Tiến sang Nhật Bản học tập và làm việc.

Trở về Việt Nam, Tiến trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật ở TP.Biên Hòa. Và từ năm 2016, anh là giám đốc tuyển sinh, hợp tác đào tạo nghề  của một doanh nghiệp chuyên đào tạo Nhật ngữ. Doanh nghiệp này hoạt động trên nhiều lĩnh vực như đào tạo tiếng Nhật, đào tạo nghề và làm dịch vụ du học, xuất khẩu lao động cho các du học sinh, người lao động sang Nhật Bản.

Năm 2018, khi giá điện tăng cao theo cách tính mới của ngành điện, nhiều người dân muốn tìm kiếm nguồn cung cấp điện năng khác giá rẻ. Lúc này điện mặt trời được nhiều người chú ý hơn và Công ty Tiến Thịnh ra đời từ đó.

Với một người đang gắn bó trong môi trường giáo dục, dạy nghề thì việc mở thêm lĩnh vực kinh doanh mới cũng khiến chàng trai này có nhiều trăn trở, nhất là khi dịch vụ anh cung cấp còn rất mới. “Số lượng hộ dân sử dụng thiết bị để thu điện từ năng lượng mặt trời còn ít, đó cũng chính là cơ hội cho những doanh nghiệp mới như chúng tôi. Song đi kèm với đó là thách thức bởi người dân vẫn chưa có thói quen dùng điện mặt trời” - anh Tiến chia sẻ.

Theo anh Tiến, điện năng lượng mặt trời còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã phát triển rất mạnh ở nhiều nước và đang trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu. Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài xu hướng đó, việc thành lập doanh nghiệp đi theo lĩnh vực này cũng là đón đầu xu thế mới.

Ưu điểm của điện mặt trời là những tấm pin thu năng lượng có thể dễ đặt trên mái nhà, sân thượng hoặc tại khu vực có hiệu suất cao nhất, chuyển hóa thành nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Nguồn năng lượng tái tạo này thân thiện môi trường và không bị cạn kiệt. Phương án này giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, trong khi chi phí vận hành và bảo trì thấp.

“Ngành điện đang khuyến khích người dân sử dụng điện từ năng lượng mặt trời để giảm tải áp lực cho lưới điện quốc gia, đồng thời cũng thu mua điện thừa của người dân thông qua lắp đặt công tơ hai chiều. Nếu việc này được thực hiện tốt thì chắc chắn sẽ càng có thêm nhiều hộ gia đình sử dụng giải pháp này. Đó là cơ hội cho những doanh nghiệp như Công ty Tiến Thịnh” - Giám đốc Trịnh Ngọc Quyết Tiến chia sẻ.

* Đón đầu xu hướng mới

Theo anh Tiến, một hộ gia đình trung bình dùng khoảng 2 máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, tivi, hệ thống đèn... thì giá thành lắp đặt bộ thu điện từ năng lượng mặt trời từ 60-80 triệu đồng với sản phẩm chất lượng tốt.

Tuy giá lắp đặt ban đầu khá cao nhưng sau một thời gian (4 năm) sẽ hoàn lại vốn và tất nhiên, từ đây hộ gia đình đó được sử dụng điện miễn phí. Không những thế còn có thêm tiền từ việc bán “điện thừa” cho Nhà nước. Độ bền của pin năng lượng mặt trời lên tới 20 năm, chi phí lắp đặt như trên tính ra không quá cao và giá thành sẽ ngày càng giảm xuống.

Chi phí đầu tư tấm pin mặt trời áp mái còn tùy thuộc vào vị trí lắp đặt là mái ngói, sân thượng hay mái tôn... cùng với các cấu kiện khác. Để tối ưu chi phí, khi lắp đặt, hộ gia đình, doanh nghiệp cần có tham vấn kỹ càng. Riêng với Tiến Thịnh, ngoài cung ứng pin thu nhiệt chất lượng tốt thì doanh nghiệp còn đưa ra nhiều ưu đãi. Theo đó, khách hàng chỉ phải trả 80% giá trị công trình cho đến khi nguồn điện được điện lực sở tại lắp công tơ hai chiều. Khi bán được điện, người dân mới thanh toán thêm 10%, 10% còn lại là ký quỹ. “Sở dĩ chúng tôi làm như vậy và dành 10% ký quỹ là để khách hàng thêm yên tâm về dịch vụ của công ty” - anh Tiến cho biết.

Chọn đúng thời điểm để khởi nghiệp nên tình hình kinh doanh của Công ty Tiến Thịnh từ đầu năm đến nay liên tục phát triển. Tiến Thịnh đã lắp đặt, vận hành được trên 50 dự án điện mặt trời lớn nhỏ của các hộ dân, doanh nghiệp trong khu vực miền Nam, trong đó có một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, tiêu tốn nhiều điện năng.

“Điện mặt trời về lâu dài sẽ giải quyết một phần vấn đề tài chính của người dân khi vừa được sử dụng điện miễn phí, vừa có thể thu được tiền nhờ bán điện dư thừa. Là năng lượng sạch nên điện mặt trời cũng giúp giải quyết ô nhiễm môi trường là lý do mà chúng tôi yên tâm sử dụng” - ông Huỳnh Viết Châu, ngụ phường An Bình, một khách hàng của Công ty Tiến Thịnh chia sẻ.

Không dừng lại ở lĩnh vực lắp đặt điện mặt trời, Công ty Tiến Thịnh đang hướng tới trở thành một doanh nghiệp xây lắp các công trình chuyên về lưới điện. “Dù mới chỉ là một startup non trẻ ở lĩnh vực năng lượng mặt trời nhưng cùng với điện mặt trời, về lâu dài, Tiến Thịnh phấn đấu trở thành nhà thầu thi công các dự án truyền tải điện ở Đồng Nai cũng như các địa phương khác. Thử thách sẽ còn rất nhiều đối với một doanh nghiệp non trẻ nhưng quan trọng là phải nhạy bén, nắm bắt thời cơ và luôn hướng về phía trước” - Giám đốc Trịnh Ngọc Quyết Tiến chia sẻ.

Văn Gia

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,346,987       741