Kinh tế

Quy hoạch hướng đến "công nghiệp xanh"

Trong giai đoạn tới, mục tiêu phát triển của tỉnh vẫn là công nghiệp. Dù có mở rộng hoặc xây dựng thêm các khu công nghiệp (KCN), nhưng tỉnh sẽ quy hoạch và phát triển có chọn lọc để hướng đến nền "công nghiệp xanh".

Trong giai đoạn tới, mục tiêu phát triển của tỉnh vẫn là công nghiệp. Dù có mở rộng hoặc xây dựng thêm các khu công nghiệp (KCN), nhưng tỉnh sẽ quy hoạch và phát triển có chọn lọc để hướng đến nền “công nghiệp xanh”.

Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) hiện đã cho thuê hết đất. Ảnh: H.G
Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) hiện đã cho thuê hết đất. Ảnh: H.G

TIN LIÊN QUAN
Quy hoạch các KCN mới của Đồng Nai sẽ được rà soát, tính toán kỹ để vừa đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, những dự án thu hút vào tỉnh trong những năm tới sẽ được sàng lọc kỹ.

* Gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường

Từ 10 năm trước, Đồng Nai đã xác định phải thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, ưu tiên các dự án công nghiệp hỗ trợ có công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động và chú trọng lao động có tay nghề cao. Để phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh đã đi trước quy định của Chính phủ 6 năm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho hay: “Các KCN của Đồng Nai đều phân theo ngành nghề để thu hút đầu tư có chọn lọc. Tỉnh ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ để tạo ra giá trị gia tăng cao. Những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm lớn sẽ bị từ chối”.

Cũng theo ông Vĩnh, với lợi thế về hạ tầng, khí hậu, thổ nhưỡng, Đồng Nai trong những năm tới sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư FDI, song sẽ chọn lọc kỹ để những dự án đầu tư vào tỉnh thực sự chất lượng. Tỉnh sẽ chú ý đến đóng góp của dự án cho tỉnh nhiều hay ít để cấp phép chứ không “chạy” theo thành tích về vốn đầu tư. Vì vậy, những dự án vốn vài triệu USD nhưng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng lớn, nộp thuế nhiều… sẽ được chọn, còn dự án vốn lớn nhưng giá trị gia tăng, đóng góp ít, công nghệ lạc hậu sẽ bị từ chối.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên - môi trường, Đồng Nai là nơi có sự đầu tư hạ tầng KCN hoàn thiện nhất cả nước. Các KCN đi vào hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung và gắn hệ thống quan trắc tự động để truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên - môi trường nhằm theo dõi, quản lý. Các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào KCN của Đồng Nai rất an tâm về môi trường.

* Chọn đất xấu làm công nghiệp

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ quy hoạch thêm một số KCN để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh và của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng quan điểm của tỉnh là sẽ chọn những khu vực đất xấu, khó phát triển những lĩnh vực khác, để làm công nghiệp. Trong đó, sẽ tìm hiểu kỹ để khi thực hiện các KCN có những nhà máy đi vào sản xuất không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, du lịch.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Nhiều KCN đã được lấp đầy, mở thêm các KCN mới là cần thiết, song quá trình chọn lựa nơi đặt KCN phải tính toán kỹ giữa lợi ích và môi trường. Những nơi đất tốt, có tiềm năng phát triển nông nghiệp sạch, du lịch thì nên giữ lại”. Nhiều địa phương cũng thống nhất nên chọn quy hoạch làm công nghiệp những vùng đất đai cằn cỗi, lợi nhuận trên 1 hécta đất nông nghiệp thấp, như vậy chuyển qua làm KCN hiệu quả mang lại từ đất đai sẽ cao hơn.

Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Hữu Đảng chia sẻ: “Huyện chọn quy hoạch mở rộng KCN, cụm công nghiệp ở những khu vực đất khô cằn sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Những nơi đất đai màu mỡ sẽ giữ lại sản xuất nông nghiệp”.

Dù đã có 35 KCN và 27 cụm công nghiệp nhưng trong tương lai  nhu cầu còn rất lớn, với quy hoạch trên sẽ không đáp ứng đủ, do đó mở rộng, tăng thêm KCN là cần thiết. Tính toán sơ bộ cho thấy, đất sản xuất công nghiệp có thể cho doanh thu bình quân 55 tỷ đồng/hécta/năm và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 3,8 tỷ đồng/hécta/năm. Trong đó, môi trường vẫn được tỉnh đặt lên hàng đầu, phát triển công nghiệp phải bền vững.

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,348,587       862