Kinh tế

Để du lịch Tân Phú cất cánh

Nói đến du lịch Tân Phú, không ít người nhắc đến những cái tên: Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, Công viên Suối Mơ, hồ Đa Tôn, làng dân tộc Tà Lài... Đây là những địa danh du lịch mà những ai từng đến Đồng Nai đều muốn ghé thăm một lần.

Du khánh vui chơi tại Công viên Suối Mơ trong kỳ nghỉ lễ 2-9 vừa qua
Du khánh vui chơi tại Công viên Suối Mơ trong kỳ nghỉ lễ 2-9 vừa qua.Ảnh: H.D

Thực tế, tiềm năng du lịch của huyện Tân Phú là rất lớn và đang được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện quan tâm, thúc đẩy. Ước tính đã có hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào du lịch Tân Phú với các khu du lịch nổi bật như Suối Mơ, VQG Cát Tiên và sắp tới là những dự án đang “manh nha” tại hồ Đa Tôn cùng một số nơi có cảnh quan thiên nhiên khác.

Miền đất hứa của du lịch sinh thái

Vào mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết, các ngả đường vào VQG Cát Tiên, Công viên Suối Mơ của huyện Tân Phú trở nên nhộn nhịp hơn bởi những đoàn xe ô tô, xe máy tìm đến đây để vui chơi giải trí. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương nhiều năm nay và sự nhộn nhịp cũng đang có dấu hiệu tăng lên theo từng năm. Điều này cho thấy, những điểm du lịch này đang ngày càng có sức hút đối với mọi lứa tuổi. Để níu chân du khách, mỗi nơi có một cách làm riêng với những hoạt động phục vụ khách hàng.

Tạo kết nối du lịch cho Tân Phú

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Du lịch huyện Tân Phú, ông Nguyễn Xuân Chinh cho rằng, Tân Phú có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây công tác xúc tiến du lịch của huyện rất mạnh mẽ. Hiện Tân Phú đã có kế hoạch phát triển mỗi xã một sản phẩm du lịch cho định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, năng lực đầu tư trước mắt vẫn còn những hạn chế. Do đó, Tân Phú vẫn sẽ tập trung các điểm mạnh sẵn có như: VQG Cát Tiên, Công viên Suối Mơ, làng dân tộc Tà Lài kết hợp với một số khu du lịch của tỉnh Bình Thuận. Ông Nguyễn Xuân Chinh nhấn mạnh: “Tân Phú đang rộng cửa mời gọi các nhà đầu tư du lịch đến để khai thác những tiềm năng của địa phương, đặc biệt là hồ Đa Tôn có tiềm năng rất lớn về du lịch”.

Điển hình như những ngày qua tại Công viên Suối Mơ, dù là kỳ nghỉ ngắn ngày nhưng công viên vẫn đón tiếp gần 7 ngàn lượt khách/ngày. Dịp này, Công viên Suối Mơ đã đặt chỉ tiêu đón từ 18-20 ngàn du khách. Để tạo điểm nhấn và thu hút khách, Suối Mơ đã xây dựng vườn hoa hướng dương khổng lồ, tổ chức các gian hàng ẩm thực... khiến du khách rất thích thú.

Dịp lễ 2-9, mỗi ngày VQG Cát Tiên cũng chào đón từ 400-500 du khách. Thế mạnh là khám phá rừng thiên nhiên nên VQG Cát Tiên tổ chức một số tour khám phá có điều kiện (có hướng dẫn viên và giới hạn số lượng khách tham quan) tìm hiểu sâu hơn về vườn quốc gia thu hút sự quan tâm của khá nhiều du khách là người nước ngoài.

Là vị khách trung thành của cả 2 điểm du lịch trên vào những năm gần đây, ông Trần Văn Tá, ngụ huyện Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, quê của vợ ông ở huyện Định Quán nên mỗi lần có dịp về quê vợ là ông Tá rất hào hứng, khi chuẩn bị đồ đạc ông Tá không quên mang theo giày thể thao, quần áo phù hợp với đi rừng để chuẩn bị cho chuyến tham quan VQG Cát Tiên cùng các anh em trong gia đình vợ. Ông Tá cho biết, bản thân ông thích khám phá thiên nhiên nhưng vợ và các con lại thích đi tắm mát ở Công viên Suối Mơ nên hầu như lần nào cả gia đình ông đều đến 2 nơi trên để trải nghiệm du lịch theo sở thích.

Khơi dậy tiềm năng sẵn có

Ông Phạm Châu An, Phó tổng giám đốc Công viên Suối Mơ cho biết, sau 3 năm đi vào hoạt động chính thức, Suối Mơ đã được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến, trở thành thương hiệu mang bản sắc riêng của Đồng Nai. Ngoài việc phục vụ du khách tham quan, Suối Mơ còn tổ chức hội nghị, tiếp nhận các đoàn khách lớn muốn lưu trú, khám phá nhiều hơn về vùng đất Tân Phú. Theo ông An, Suối Mơ đang chuẩn bị cải tiến, tạo điểm nhấn cũng như vạch ra hướng kinh doanh cụ thể để hoạt động của khu du lịch ngày càng phát triển, có hiệu quả, trở thành khu du lịch tiềm năng, một trong những thương hiệu du lịch lớn của Đồng Nai.

Ông Nguyễn Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường VQG Cát Tiên cho biết, với đặc thù là cảnh quan thiên nhiên rừng núi kết hợp với động vật hoang dã, Cát Tiên cũng tạo được nét riêng cho những du khách yêu thiên nhiên, thích khám phá. Dịp lễ, VQG đón trung bình mỗi ngày 400-500 lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ. Điểm đặc biệt khi đến VGQ Cát Tiên chính là ngoài đi dạo, ngắm cảnh rừng núi thiên nhiên, những du khách có điều kiện và muốn khám phá hơn nữa có thể đăng ký tham quan sâu hơn vào trong rừng. Tuy nhiên, để bảo đảm công tác bảo tồn nên tour tham quan này mỗi lần cũng chỉ vài người tham gia.

Bên cạnh những cái tên như Công viên Suối Mơ, VQG Cát Tiên, Tân Phú còn nổi danh với nhiều điểm du lịch khác như: Hồ Đa Tôn, làng dân tộc Tà Lài, thác Hòa Bình hiền hòa bên cạnh chùa Linh Phú tôn nghiêm... những địa danh này đang ngày càng tạo được sức hút. Tuy nhiên, theo một số người dân, tiềm năng của những địa danh trên cần phải khai thác nhiều hơn nữa mới phát huy hết những thế mạnh của mình.

Chị Ka Thơm, người dân tộc Châu Mạ (xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) chia sẻ, làng đồng bào dân tộc của chị nằm gần khu vực hồ Đa Tôn. Những năm qua dù chưa được đầu tư xây dựng thành khu du lịch nhưng hồ Đa Tôn vẫn thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm vì cảnh sắc thiên nhiên nơi đây rất đẹp. Theo chị Ka Thơm, nếu Khu du dịch hồ Đa Tôn được đầu tư, thu hút khách nhiều hơn thì sẽ tạo rất nhiều cơ hội việc làm cho bà con sinh sống xung quanh, đặc biệt là làng dân tộc Châu Mạ của chị có cơ hội phát triển, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

“Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, ẩm thực của dân tộc mình là mơ ước lớn của tôi thời gian qua nhưng rất khó để thực hiện. Nếu du lịch hồ Đa Tôn được phát triển thì đây sẽ là cơ hội cho làng dân tộc của tôi có cơ hội phát huy. Vì vậy, tôi rất mong dự án du lịch hồ Đa Tôn sớm hình thành để có cơ hội thực hiện mơ ước của mình” - chị Ka Thơm cho biết thêm.

Thủy Mộc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,349,638       671