Kinh tế

"Nâng tầm" cho thị trấn Tân Phú

Huyện Tân Phú là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, kết nối giao thương với tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây nguyên. Theo quy hoạch, huyện hình thành và phát triển 4 tiểu vùng gồm: tiểu vùng trung tâm (thị trấn Tân Phú), tiểu vùng phía Bắc, tiểu vùng phía Nam và tiểu vùng Nam Cát Tiên.

Một góc thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú)
Một góc thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú)

Trong đó, tiểu vùng trung tâm được kỳ vọng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.

* Trung tâm của các tiểu vùng

Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng), thị trấn Tân Phú đến năm 2030 sẽ là đô thị loại IV với quy mô dân số khoảng 50 ngàn người, đất xây dựng đô thị cũng phát triển lên 550-750 hécta.

Huyện Tân Phú có diện tích tự nhiên khoảng 77.596 hécta, với 18 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thị trấn Tân Phú và các xã: Phú Lộc, Phú Lập, Phú Thịnh, Tà Lài, Núi Tượng, Nam Cát Tiên, Trà Cổ, Phú Điền, Phú Lâm, Thanh Sơn, Phú Xuân, Phú Thanh, Phú Bình, Phú Trung, Phú Sơn, Phú An, Đắc Lua.

Với tính chất là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, thương mại... của huyện nên thị trấn Tân Phú đóng một vai trò rất quan trọng. Thị trấn được phát triển dọc theo hai bên quốc lộ 20 và đường tỉnh 774B. Trong đó, khu dân cư nằm dọc hai bên quốc lộ 20 là các dạng nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ, khu vực phía bên trong các trục giao thông chính  được tổ chức các khu nhà liên kế, nhà vườn. Khu công nghiệp trong thị trấn với diện tích 54 hécta và có thể mở rộng quy mô trong tương lai sẽ đóng vai trò rất lớn cho phát triển kinh tế của huyện.

Cũng theo đánh giá của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, tiềm năng phát triển của thị trấn Tân Phú còn rất lớn, bởi có trục quốc lộ 20 và tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi qua, đây là hành lang kinh tế động lực của vùng.

Thị trấn Tân Phú còn có sự liên kết trực tiếp về phát triển kinh tế, không gian, về giao thông với các đô thị Định Quán (huyện Định Quán), Mađagui (tỉnh Lâm Đồng) và các trung tâm tiểu vùng khác thuộc huyện Tân Phú.

Một điểm quan trọng cho xây dựng đô thị ở đây là quỹ đất khá thuận lợi để phát triển dân cư và công trình hạ tầng kỹ thuật. Thị trấn Tân Phú là khu vực phát triển năng động nhất của huyện, đặc biệt là phát triển thương mại dịch vụ, hình thành trục thương mại dịch vụ trên tuyến quốc lộ 20. Không chỉ vậy, việc đẩy mạnh phát triển Khu công nghiệp Tân Phú gắn với vùng nguyên liệu của huyện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khá tốt.

* Mở rộng thị trấn

Ranh giới của huyện được xác định: phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp huyện Vĩnh Cửu và huyện Định Quán.

Ông Nguyễn Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết, hiện tại huyện đang cho đơn vị tư vấn nghiên cứu đồ án quy hoạch thị trấn Tân Phú nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, đồ án đang trong quá trình chỉnh sửa từ những góp ý của các cơ quan chuyên môn của tỉnh.

Theo đồ án quy hoạch thị trấn trấn Tân Phú, diện tích mà đơn vị tư vấn nghiên cứu quy hoạch là hơn 800 hécta. Sau khi nghiên cứu, diện tích lập quy hoạch là 603 hécta, tăng hơn 120 hécta so với quy hoạch cũ. Theo đó, ranh giới thị trấn Tân Phú phía Tây và Tây Bắc giáp với xã Phú Lộc; phía Đông Nam giáp với xã Trà Cổ; phía Đông Bắc tiếp giáp với xã Phú Thanh, Phú Xuân; phía Tây Nam giáp huyện Định Quán. Cũng theo ông Nghị, sau khi được điều chỉnh, quy hoạch chung một số tuyến đường chính sẽ được đầu tư và hoàn thiện nhằm chỉnh trang đô thị.

Phát triển thị trấn Tân Phú, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh là rất cần thiết. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh cũng lưu ý việc lập quy hoạch với quy mô dân số thị trấn đến năm 2030 đạt 50 ngàn người là khó khả thi, bởi hiện tại dân số thị trấn chỉ khoảng 25 ngàn người. Về phát triển hạ tầng giao thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng các tuyến đường mới cần phải tính toán phát triển các khu dân cư tạo ra một đô thị ngăn nắp, hài hòa.

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,353,802       846