Kinh tế

Bán đất "vàng" để tìm nhà đầu tư đủ năng lực

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã đấu giá thành công 7 khu đất "vàng" và thu về gần 6,3 ngàn tỷ đồng. Để hiểu rõ hơn xung quanh việc đấu giá đất công, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã đấu giá thành công 7 khu đất “vàng” và thu về gần 6,3 ngàn tỷ đồng. Để hiểu rõ hơn xung quanh việc đấu giá đất công, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng.

* Không ảnh hưởng đến quỹ đất công cộng, công ích

* Thưa ông, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa ra đấu giá nhiều khu đất “vàng” trên địa bàn để tăng nguồn thu cho ngân sách. Ông đánh giá kết quả của các cuộc đấu giá này như thế nào?

- Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiến hành đấu giá 7 khu đất công lớn, nhỏ nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách đang khó khăn. Giá khởi điểm của các khu đất trên là hơn 3.860 tỷ đồng, nhưng khi đưa ra đấu giá đã bán được gần 6.300 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 2.440 tỷ đồng.

Đây là thành công lớn của tỉnh trong việc đấu giá các khu đất công. Điều này cũng chứng tỏ các doanh nghiệp rất quan tâm đến môi trường đầu tư của Đồng Nai và sẵn sàng bỏ vốn ra đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh.

* Có dư luận lo lắng, đất công đem đấu giá nhiều quá thì khi cần làm các công trình công ích sẽ không còn đất để làm. Về việc này, ông có thể cho biết rõ hơn?

- Tôi cũng có nghe được một số ý kiến lo ngại rằng nếu đất công đem đấu giá nhiều thì sẽ hết, như vậy sau này các công trình công ích của tỉnh, địa phương sẽ không còn quỹ đất để xây dựng, làm ảnh hưởng nhu cầu chung của người dân trên địa bàn.

Về vấn đề này, tôi xin nói rõ là các khu đất công đưa ra đấu giá, UBND tỉnh đã xem xét, cân nhắc kỹ. Những thửa đất đưa ra đấu giá đều được quy hoạch chi tiết, sẽ không ảnh hưởng đến quỹ đất dành để làm các công trình công cộng của tỉnh cũng như địa phương.

Khu đất “vàng” 92,2 hécta tại xã Long Đức (huyện Long Thành) vừa đưa ra đấu giá thành công với số tiền 3.060 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm là 1.414 tỷ đồng. Trước đó, có 40 doanh nghiệp đến tìm hiểu các quy định với dự tính tham gia đấu giá. Việc này cho thấy các doanh nghiệp rất quan tâm đến dự án khu dân cư tại Đồng Nai.

Những khu đất được đưa ra đấu giá đem lại hai lợi ích lớn là thêm nguồn thu cho ngân sách tỉnh và tìm được nhà đầu tư phù hợp để triển khai các dự án trên những khu đất công đã đấu giá. Những dự án trên khi hoàn thành sẽ góp phần lớn vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

* Trước khi đấu giá một số khu đất “vàng” có một số ý kiến của doanh nghiệp cho rằng họ bị loại là chưa phù hợp. Việc này UBND tỉnh đã có rà soát và giải thích như thế nào?

- Trước khi đấu giá một số khu đất “vàng”, tôi có nhận được thông tin qua báo chí, doanh nghiệp về một số công ty bị loại và họ có những thắc mắc, bức xúc.

Ngay trước khi diễn ra cuộc đấu giá 1-2 ngày, biết được thông tin này, tôi đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại tất cả các hồ sơ theo đúng quy định và trình tự để đảm bảo quyền lợi của các khách hàng tham gia đấu giá. Rất tiếc trong nhiều doanh nghiệp đăng ký đấu giá, có một số đơn vị không đáp ứng đủ hồ sơ, thời gian quy định nên buộc phải loại.

Các quy trình xét duyệt hồ sơ đấu giá Hội đồng Đấu giá đất tỉnh đều làm công khai. Khi đưa ra đấu giá đất đều mời các cơ quan truyền thông tham dự để việc đấu giá đất được minh bạch, rõ ràng. Thực tế, tỉnh rất muốn nhiều doanh nghiệp có năng lực cùng tham gia đấu giá các khu đất “vàng” để từ đó ngoài việc bán đất, có thể chọn ra những doanh nghiệp có năng lực thực sự để triển khai các dự án theo quy hoạch chi tiết về các khu đất công.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng kiểm tra các khu đất công trước khi đưa ra đấu giá
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng kiểm tra các khu đất công trước khi đưa ra đấu giá

* Theo dõi sát các khu đất đã đấu giá

* Như ông đã nói, các khu đất đưa ra đấu giá đều được quy hoạch chi tiết sẽ triển khai các dự án khu dân cư. Vậy sau khi đấu giá, UBND tỉnh có ràng buộc gì với doanh nghiệp đã mua được các khu đất công?

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, trong năm 2019, Đồng Nai dự tính sẽ đưa ra đấu giá khoảng 20-21 khu đất công.

- Những khu đất công đưa ra đấu giá đều có quy định rất rõ ràng về năng lực, khả năng của đơn vị tham gia đấu giá để đảm bảo khi mua được thửa đất đó, doanh nghiệp có thể tiếp tục đầu tư dự án theo như quy hoạch.

Trong đó, UBND tỉnh cũng ràng buộc về thời gian đơn vị mua được thửa đất phải thực hiện dự án theo đúng lộ trình và quy hoạch. Cụ thể, như khu đất 92,2 hécta tại xã Long Đức (huyện Long Thành) vừa đưa ra đấu giá được 3.060 tỷ đồng, doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An thuộc Tập đoàn Đất Xanh. Theo quy định, trong 2 năm doanh nghiệp trúng đấu giá phải đưa khu đất vào sử dụng, quá thời hạn được gia hạn thêm 2 năm nhưng phải nộp cho Nhà nước tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Quá thời hạn gia hạn, doanh nghiệp chưa thực hiện dự án Nhà nước sẽ thu hồi đất, không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp bất khả kháng). Có những ràng buộc trên, những doanh nghiệp năng lực tài chính yếu sẽ không tham gia. Sau khi đấu giá đất, UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, yêu cầu đơn vị mua được đất triển khai dự án đúng lộ trình.

* Thưa ông, nguồn vốn đấu giá đất đưa về ngân sách sẽ được sử dụng như thế nào?

- Số tiền thu được từ đấu giá đất công sẽ được tỉnh dùng để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, cấp thiết trên địa bàn. Hiện nay, có rất nhiều công trình hạ tầng của tỉnh như: đường sá, trường học, trạm y tế... đang thiếu vốn để triển khai, vì thế, có được khoản tiền lớn từ đấu giá đất sẽ giúp UBND tỉnh giảm bớt được áp lực trong việc tìm vốn đầu tư các dự án trọng điểm để góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,356,313       780