Kinh tế

Bất cập khâu quản lý

Các loài động vật hoang dã do nằm ngoài danh mục vật nuôi theo quy hoạch nên hầu như chưa có sách vở, trường lớp nào hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hoặc phòng trừ dịch bệnh.

Đa số người nuôi đều tự tích lũy kiến thức từ kinh nghiệm thực tế nên khó tránh khỏi rủi ro về dịch bệnh. 

Thu hoạch chim yến tại Cơ sở yến sào Hải Triều (huyện Trảng Bom). Ảnh: T.L
Thu hoạch chim yến tại Cơ sở yến sào Hải Triều (huyện Trảng Bom). Ảnh: T.L

TIN LIÊN QUAN
Bất cập không nhỏ hiện nay là nghề nuôi các loài vật thuộc dạng đặc sản phát triển quá nhanh nhưng chính sách quản lý chưa theo kịp. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ của những mặt hàng đặc sản trên vẫn còn bị bỏ ngỏ cũng là nỗi lo không nhỏ của người chăn nuôi.

* Thị trường còn bỏ ngỏ

Do là động vật hoang dã nằm ngoài quy hoạch chăn nuôi nên chưa có nhiều quy định trong quản lý. Dù nghề nuôi cá sấu, nuôi chim yến… phát triển mạnh trên địa bàn Đồng Nai rất nhiều năm nay nhưng đều theo hướng tự phát, mạnh ai nấy làm. Trong đó, cả thị trường tiêu thụ vẫn còn bỏ ngỏ.    Ông Chương Hải Đăng, nông dân nuôi cá sấu tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) cho biết: “Thấy cá sấu tăng giá là người dân đổ xô mở trại nuôi. Nhiều năm nay, những hộ nuôi cá sấu mỗi năm mỗi tăng nhưng vẫn chỉ có năm bảy vựa mua. Các vựa này lại phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc vì đây là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng này. Người nuôi thì nhiều trong khi chỉ có vài đầu nậu Trung Quốc thâu tóm nên cá sấu ngày càng bị ép giá; tiêu chuẩn mua hàng cũng ngày càng khắt khe hơn. Nông dân hoàn toàn ở thế bị động vì đã lỡ đầu tư trại thì vẫn cố duy trì đàn”.

Chia sẻ về đầu ra của mặt hàng tổ yến, ông Trần Văn Đức (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Hiện khách mua chính của cơ sở đều là người quen, bạn bè. Tuy có thương lái đến cơ sở mua xuất đi Trung Quốc nhưng không phải lúc nào cũng được giá tốt. Áp lực cạnh tranh trong ngành yến sào ngày càng lớn vì hiện ngay tại thị trường nội địa cũng không thiếu các mặt hàng trôi nổi, giá nào cũng có, trong đó có cả dòng yến sào nhập khẩu giá thấp”.

* Quản lý chưa theo kịp

Nói về lý do nghề nuôi yến vẫn phát triển tự phát, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang cho biết: “Nhiều nội dung về mặt quản lý nhà nước trong nghề nuôi yến vẫn chưa có quy định cụ thể. Nuôi yến hiện cũng chưa hình thành về tiêu chuẩn, kỹ thuật chăn nuôi. Nhiều cơ sở nuôi yến có nhu cầu xin cấp giấy phép hoạt động nhưng chưa có cơ quan chức năng nào có thẩm quyền cấp phép”. Ngoài ra, điểm vướng mắc lớn trong việc đầu tư nuôi chim yến trong khu dân cư hiện nay là các cơ sở này phát ra tiếng ồn. Đây là nguyên nhân gây tranh chấp giữa cơ sở nuôi yến với người dân khu vực xung quanh.

Trong cấp phép và quản lý nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là nuôi cá sấu hiện nay có nhiều nét mới. Trước đây, cá sấu được xếp vào danh mục các loài động vật nhóm II. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là CITES) tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 3-2019, cá sấu nằm trong danh mục động vật thuộc nhóm I.

Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng cho biết, khi cá sấu được đưa lên nhóm I thì thủ tục cấp phép sẽ do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp phép. Những vấn đề khác như: phân phối sản phẩm ra thị trường, xác nhận về nguồn gốc, đầu vào đầu ra cho sản phẩm đều do Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm phụ trách nên cơ bản không ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Dũng: “Vướng mắc trong thực hiện quy định mới là những hộ đã được Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cấp giấy phép theo quy định cũ hiện nghị định mới chưa có hướng dẫn cụ thể việc thay đổi lại thủ tục cấp phép. Vừa qua, chi cục đã có văn bản gửi lên tổng cục đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp trên để điều chỉnh việc cấp phép cho các cơ sở nuôi cá sấu trên địa bàn tỉnh”.

Lê Quyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,356,912       855