Kinh tế

"Hệ lụy" từ nhân dân tệ hạ giá

Gần đây, phía Trung Quốc liên tục hạ giá nhân dân tệ (NDT) nhằm đáp trả việc Mỹ sẽ áp thuế thêm 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng lớn đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam và thị trường nội địa.

Đa số nguyên liệu sản xuất giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa)
Đa số nguyên liệu sản xuất giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa)

Hiện NDT đã hạ giá xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây, với tỷ lệ mua bán hơn 7 NDT/USD. Như vậy trong 3 tháng gần đây NDT đã mất giá khoảng 8%. Điều này đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam khi doanh nghiệp Việt Nam tăng nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, trong khi xuất khẩu sang thị trường này lại giảm mạnh.

* Những ảnh hưởng trực tiếp

Sau khi áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, dự tính đến ngày 1-9-2019, Mỹ sẽ tiếp tục áp giá thêm 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa của nước này. Phía Trung Quốc đáp trả bằng cách phá giá NDT để xuất khẩu hàng hóa được nhiều hơn (do giá rẻ hơn tính theo USD). Động thái này của Trung Quốc nhằm bù đắp phần thiệt hại do thuế nhập khẩu của Mỹ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và nhập khẩu lớn nhất nên gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này chậm lại nhưng nhập khẩu lại tăng mạnh, cán cân thương mại đang ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc.

Ông Trần Dục Dân, Giám  đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa) cho hay: “Hiện nguyên liệu cho ngành giày dép đang chiếm khoảng 70% giá thành trong sản xuất nên khi NDT hạ giá, các doanh nghiệp sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Vì giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước này đang rẻ hơn 20-30% nguyên liệu trong nước. Theo đó, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm sẽ giảm mạnh”. Tương tự, các ngành dệt may, xơ sợi dệt, thiết bị điện tử, linh kiện... cũng tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc vì giá rẻ.

Tại Đồng Nai, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất và xuất khẩu là thị trường lớn thứ 3. Trong 7 tháng của năm 2019, Đồng Nai nhập gần 1,87 tỷ USD, xuất khẩu vào Trung Quốc hơn 1,17 tỷ USD; nhập siêu 700 triệu USD.

Không chỉ nhập nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp mà các sản phẩm tiêu dùng khác có xuất xứ từ Trung Quốc cũng đang tràn ngập thị trường Việt Nam như: điện máy, quần áo, giày dép, máy móc...

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai cho rằng, xuất khẩu hàng hóa của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào thị trường Trung Quốc ngày càng khó khăn, vì nông sản họ đã đặt ra rào cản về kỹ thuật, còn công nghiệp họ giảm nhập khẩu do NDT giảm giá khiến hàng nhập khẩu đắt hơn hàng trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thu hẹp sản xuất khiến nhu cầu nhập nguyên liệu cũng hạn chế. “Những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc phần lớn gặp khó khăn, do sản xuất còn manh mún, liên kết yếu, cứ nghĩ đây là thị trường dễ dãi nên không đổi mới, đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa. Vì thế khi không xuất vào thị trường này khó tìm được thị trường khác vì sản phẩm không đạt yêu cầu”- ông Nguyện nhấn mạnh.

* Tìm cách vượt khó

Nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng, nếu NDT tiếp tục suy yếu Việt Nam sẽ nhập siêu từ Trung Quốc nhiều hơn, việc này đồng nghĩa với hàng hóa nội địa sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt. Sản xuất công nghiệp sẽ lệ thuộc thị trường Trung Quốc nhiều hơn khi nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường này tăng cao, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm sẽ giảm mạnh vì hàng trong nước khó cạnh tranh về giá, mẫu mã. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thấp sẽ khiến Việt Nam không thể tận dụng được các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách giảm giá Việt Nam đồng ở mức phù hợp để ổn định thị trường trong nước. Nhưng mức hạ giá sẽ không đuổi theo cho tương đương với NDT để tránh ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam. Trong trường hợp này, doanh nghiệp xuất khẩu nên nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu qua nhiều nước, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.

Đây cũng là cuộc chạy đua của doanh nghiệp trong nước trong việc giữ “sân nhà”. Nếu doanh nghiệp Việt không nâng cao được khả năng cạnh tranh bằng giá, chất lượng, mẫu mã thì thị phần tại thị trường nội địa sẽ dần bị thu hẹp, nhường lại cho hàng Trung Quốc.

PGS-TS.Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh đánh giá, cuộc chiến thương mại Mỹ -  Trung đang ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp, nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất vào Trung Quốc, song hiện đã bị siết chặt bằng các rào cản về kỹ thuật làm ảnh hưởng đến đa số nông dân trong nước. Hiện nông dân Việt Nam vẫn chiếm 65% dân số cả nước. Vì thế, trong điều kiện này, sản xuất nông nghiệp Việt Nam buộc hướng đến ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch để xuất khẩu sang các nước khác. Chính phủ, các địa phương cần có chính sách hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, nâng giá trị gia tăng khi xuất khẩu.

“Doanh nghiệp Việt nên chủ động tìm các thị trường ngoài Trung Quốc, vì đa dạng hóa thị trường sẽ giảm bớt được rủi ro. Đồng thời các doanh nghiệp phải liên kết và sản xuất bài bản hơn”-  TS.Hoàng nói.

Theo các doanh nghiệp, Chính phủ nên có những chính sách ưu đãi hơn nữa với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Phía các doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi sẽ hạ giá thành sản xuất, như vậy tăng sức cạnh tranh góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu.

Uyển Nhi

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,364,992       684