Kinh tế

"Đánh thức" đồi Sabi

Đồi Sabi (ấp 2A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) từng là khu đồi bạc màu nên dân ở đây phải bỏ rẫy, vườn ra đô thị tìm việc hoặc đi làm thuê cho các chủ rẫy ngoài xã. Thế nhưng, ngày nay đồi Sabi được phủ xanh bằng những vườn cây trái sum suê, nhiều người dân quay về làm giàu trên chính mảnh đất đã từng bỏ hoang.

Nông dân Trần Thanh Xuân có công giúp người dân ở đồi Sabi (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) từ nghèo khó vươn lên khá giả.
Nông dân Trần Thanh Xuân có công giúp người dân ở đồi Sabi (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) từ nghèo khó vươn lên khá giả.

Đồi Sabi rộng khoảng 170 hécta, có 146 hộ dân sinh sống. “Trước đây vùng đất trên đồi cằn cỗi đến nỗi cây mì được mệnh danh chịu đựng khô cằn tốt nhưng khi trồng ở vùng đồi Sabi vẫn không cao quá 1m, củ chỉ bằng ngón chân cái. Còn cây bắp, đậu, lúa thì thân èo uột khó cho bông, cho hạt nên người dân đành bấm bụng bỏ đất hoang” - ông Đoàn Thanh Quang, Trưởng ấp 2, xã Xuân Bắc cho biết.

* “Người hùng” Sabi

Ông Quang từng là hộ nghèo khi vùng đồi Sabi và ấp 2A còn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Xuân Bắc. Nói về khó khăn của đồi Sabi, ông Quang khá rành rọt kể 18 năm về trước cả khu đồi xơ xác trong cảnh nắng mưa, dân Sabi quen cảnh không điện, không đường. Nhà cửa của dân thì tạm bợ, rẫy vườn bỏ hoang, trẻ em đến trường phải được cha mẹ cõng trên lưng hoặc thồ bằng xe đạp...

Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc Trần Trung Dũng ghi nhận sự tiên phong cải hóa đất của nông dân Trần Thanh Xuân đã giúp ấp 2 và đồi Sabi thoát khỏi diện ấp đặc biệt khó khăn. Trong thời gian tới, khi huyện, tỉnh triển khai dự án xây dựng đập thủy lợi Thác Trời nhằm cung cấp nước tưới cho khu vực ấp 2A và các ấp khác thì kinh tế của người dân nơi đây dự báo sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

Năm 2000, ông Trần Thanh Xuân lúc ấy 44 tuổi, đến từ xã La Ngà, huyện Định Quán đã bỏ ra 70 triệu đồng chuyển nhượng lại khu đất hoang rộng 12 hécta của nhiều nông dân đồi Sabi để trồng cây ăn trái. Việc này khiến nhiều người dân nơi đây chê bai và ví ông như kẻ “gàn dở” dư tiền. Bỏ ngoài tai lời dị nghị, ông Xuân bắt tay ngay vào việc cải tạo vùng đất sét pha cát Sabi thành những khu vườn xoài, cam quýt, hoa màu xanh tốt.

Đồi Sabi thiếu nước vào mùa khô nhưng dư nước vào mùa mưa, ông Xuân phải bỏ tiền ra đầu tư đường dây điện hạ thế từ đầu ấp kéo vào tận rẫy để tưới cây vào mùa nắng hết 160 triệu đồng và bỏ công ra sửa đường đi nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản, phân bón vào mùa mưa của gia đình. Đồng thời, ông Xuân kiên nhẫn phủ thêm một lớp phân vi sinh, phân chuồng lên những gốc cây mới trồng để chúng đủ sức bám rễ, nhú chồi nơi vùng đất Sabi nghèo dinh dưỡng. Sự táo bạo và kiên trì của ông Xuân sớm giúp cho 12 hécta đất phủ dày màu xanh cây trái vào mùa nắng hạn khiến nhiều nông dân Sabi giật mình.

Cải tạo thành công vùng đồi Sabi như ý, ông Xuân còn vận động anh em, bạn bè về đồi Sabi mua đất lập vườn cây ăn trái. “Thời điểm năm 2004, khi vườn cây ăn trái của ông Xuân và bạn bè của ông cho thu hoạch, nông dân Sabi như mới giật mình tỉnh ngộ: đất xấu, nông dân phải chịu cảnh nghèo khó là do bản thân không biết cách cải tạo đất, “bắt” đất làm giàu. Từ đó chúng tôi không dám chê ông Xuân gàn dở nữa mà quay sang xem ông ấy là “người hùng” - ông Nguyễn Văn Thuận (73 tuổi, ngụ ấp 2, xã Xuân Bắc) bộc bạch.

Được dân đồi Sabi tin tưởng, ông Xuân dốc gan ruột, tâm huyết và kinh nghiệm cải tạo đất, trồng cây ra chia sẻ với nông dân. Ông hỗ trợ cây giống mà ông lai ghép được hoặc hướng dẫn địa chỉ uy tín để mua giống, mua phân bón. Đồng thời, ông còn đến tận vườn bày cho nhà nông cách cải tạo đất từ phân vi sinh, phân chuồng, phân xanh và chăm sóc cho cây ra bông sai, trái ngọt.

* Giấc mơ Sabi

Sự đầu tư vườn cây ăn trái và cải tạo đất thành công của ông Xuân và những người thân, bạn bè của ông nhanh chóng thúc hối những nông dân Sabi bỏ đất hoang trước đây quay lại rẫy vườn của gia đình để quyết tâm làm giàu. Chính quyền xã, huyện thì tiếp sức cho nhà nông bằng việc hỗ trợ vốn, phân bón, kỹ thuật, giống cây trồng và đầu tư đường dây điện trung, hạ thế, đường xi măng vào tận đồi Sabi và nhiều nhánh rẽ ngang, dọc. Tất cả đều hướng đến giấc mơ làm giàu và xóa đi cái khó nghèo của vùng đất thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Xuân Bắc.

Ông Đoàn Thanh Quang (trái), Trưởng ấp 2A, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) và lão nông Nguyễn Văn Thuận thăm vườn xoài được thay giống mới năng suất hơn.
Ông Đoàn Thanh Quang (trái), Trưởng ấp 2A, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) và lão nông Nguyễn Văn Thuận thăm vườn xoài được thay giống mới năng suất hơn.

Đồi Sabi bắt đầu xuất hiện nhiều chòm xanh thì dân Sabi tự hào ghi danh mình vào danh sách thoát nghèo. Trưởng ấp 2A Đoàn Thanh Quang cho biết ông cũng là hộ tiên phong thoát nghèo nơi đồi Sabi nhờ học cách trồng cây ăn trái của ông Xuân và nhóm bạn bè của ông. Đến năm 2010, kinh tế của nông dân đồi Sabi và ấp 2A phát triển đến không ngờ, số hộ nghèo chỉ còn dưới chục hộ, những ngôi nhà tôn, nhà ván lụp xụp gần như được thay thế bởi nhà xây kiên cố, khang trang. Đến năm 2013, ấp 2A được xác định là ấp không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Xuân Bắc và huyện Xuân Lộc. Sang năm 2014, khi xã Xuân Bắc được tỉnh công nhận xã nông thôn mới thì kinh tế của dân đồi Sabi không thua kém dân các ấp khác trong và ngoài xã.

Trên đồi Sabi lồng lộng gió, lão nông Nguyễn Văn Thuận giờ tuy tuổi đã cao nhưng vẫn quyết chuyển đổi giống xoài 3 mùa một thời giúp cho nông dân Sabi thoát cảnh nghèo khó, làm giàu nhưng bị thất thế bởi thị trường sang giống xoài Thái, xoài cát Hòa Lộc để ấp ủ giấc mơ Sabi tiếp tục phát triển cùng nông thôn mới nâng cao.

Còn “người hùng” Trần Thanh Xuân thì nay có thêm biệt danh mới là “kỹ sư chân đất” của đồi Sabi với khu vườn rộng 12 hécta xanh ngát những đặc sản: bưởi da xanh, dừa dứa, cam sành, xoài cát Hòa Lộc... cho thu nhập đạt gần 1 tỷ đồng/hécta/năm. Ông Xuân bày tỏ, ông rất tự hào và tâm huyết với giấc mơ làm giàu trên vùng đất cằn của mình. Nhờ đó ông đã thuyết phục được nông dân đồi Sabi tin tưởng, nỗ lực cùng ông và chính quyền cải hóa vùng đất nghèo kiệt sớm trù phú, sung túc.

Đoàn Phú

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,495,845       445