Kinh tế

Mơ ước xây dựng được thương hiệu đặc sản trái cây sạch

Bà Nguyễn Thị Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) là người tiên phong nhân giống và xây dựng thương hiệu mãng cầu dai hạt lép ở đất Đồng Nai. Không chỉ phát triển được 5 hécta, hiện trang trại của bà Mai đang độc quyền cung cấp cây giống của loại đặc sản này.

Ở tuổi 65, bà chủ trang trại rộng gần 40 hécta trồng nhiều giống trái cây đặc sản như: mãng cầu dai hạt lép, xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc, vú sữa Hoàng Kim... vẫn hết lòng với hành trình xây dựng thương hiệu sạch cho đặc sản trái cây.

* Chọn nghề nông để... quên buồn

 Điều gì khiến bà từ một nhà giáo trở thành nông dân ở độ tuổi đã khá lớn?

- Ông xã tôi mê đất, mê vườn lắm nên có bao nhiêu vốn liếng đều bỏ ra mua đất, mua vườn. Lúc đó, gia đình tôi có gần 30 hécta đất vườn chủ yếu trồng cây điều, cà phê... Vợ chồng tôi còn bỏ tiền khai hoang được 100 hécta trồng cao su ở Bình Phước. Sau đó, ông xã tôi bị bệnh nan y nằm liệt một chỗ. Suốt 5 năm dài, vợ chồng tôi đi nước ngoài, ra Bắc, vào Nam để chữa bệnh. 100 hécta đất cao su cứ lần lượt đội nón ra đi. Khi chồng mất, tôi hầu như không còn vốn liếng gì ngoài đất rẫy. Lúc đó, tôi đã 45 tuổi và có 4 người con đang tuổi ăn tuổi học. Tôi nghĩ, bây giờ người trụ cột trong gia đình đã không còn mà mình bán đất để sống, có sẵn tiền thì các con dễ hư hỏng nên tôi quyết định tự làm nông dân.

“Người tiêu dùng nên thay đổi thói quen tiêu dùng để ủng hộ hàng sạch là đừng chỉ trọng mã ngoài bóng bẩy mà cần quan tâm đến chất lượng của sản phẩm. Hiện thị trường nông sản sạch chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng vì thiếu sự minh bạch, ở đây cần vai trò của Nhà nước trong khâu quản lý cũng như trong việc quảng bá, kết nối thị trường cho trái cây sạch”.

Đây là quyết định không dễ dàng vì tôi vốn là giáo viên, chưa từng cầm đến cây cuốc, cái cày. Bắt tay vào đầu tư, tôi không có vốn nên dùng đất làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, mua thiếu phân, thuốc của các đại lý. 5 năm trời tôi chỉ lo chăm chồng đau ốm, rẫy điều rộng 20 hécta nhìn như rừng hoang vì bị bỏ mặc quá lâu, cây dại thân to bằng cườm tay phủ kín vườn. Tôi đổ công chăm sóc lại rẫy điều, kết hợp nuôi dê để có vốn xoay xở.

 Khi nào bà bắt đầu trồng các loại trái cây đặc sản?

- Có nguồn thu từ rẫy điều, tôi lấy lại 7 hécta đất vườn tạp trước đây cho thuê về cải tạo và quy hoạch lại trồng 5 hécta xoài cát Hòa Lộc, 1 hécta xoài Úc, 1 hécta sầu riêng...

Tôi chọn xoài làm cây chủ lực của trang trại nên dần dần nhân rộng lên 14 hécta xoài cát Hòa Lộc và xoài Thái với mục tiêu làm ra sản lượng lớn cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Tôi thành lập Tổ hợp tác trái cây sạch Lộc Mai với niềm kỳ vọng trái xoài cát Hòa Lộc sẽ có giá trị trên thương trường.

 Bà có thể chia sẻ về câu chuyện đưa trái mãng cầu hạt lép về Đồng Nai?

- Tôi lên nhà họ hàng ở Lạng Sơn chơi, được mời ăn trái mãng cầu rất thơm, ngon nên ra vườn thăm. Cả vườn chỉ có một cây mãng cầu khác biệt hẳn cho trái lớn, chất lượng ngon, có thể đây là cây lai tạo giữa giống địa phương và giống mãng cầu Thái. Tôi mua cây mãng cầu này đưa về Đồng Nai. Trồng thử mới thấy giống mãng cầu này có rất nhiều ưu điểm, trái lớn có trọng lượng trên cả ký, mẫu mã đẹp, hạt lép, ruột dai với vị ngọt dịu, mùi thơm hơn mãng cầu thường, trái thu hoạch để từ 4-7 ngày mới chín nên rất thuận tiện cho bảo quản, vận chuyển. Giống mãng cầu này lại có sức chống chịu sâu bệnh và năng suất cao hơn hẳn giống mãng cầu Thái. Tôi tập trung nhân giống và đã phát triển được 5 hécta trồng loại trái đặc sản này.

Loại trái cây này sản xuất sạch rất dễ vì khi trái non chỉ cần xịt 1 lần thuốc diệt nấm bệnh rồi bao trái, 3 tháng sau cho thu hoạch mà không phải xử lý gì thêm. 1 trái mãng cầu đạt trọng lượng 1kg bán được 100 ngàn đồng nên bỏ ra 1-2 ngàn đồng phí bao trái rất dễ.

* Vững tâm làm sản phẩm sạch

 Loại trái đặc sản này khi mới ra thị trường có được chào đón không, thưa bà?

“Sản xuất sạch còn ít và yếu ớt lắm. Nhiều khách hàng Nhật Bản đến trang trại của tôi đặt vấn đề xuất khẩu trái xoài cát Hòa Lộc nhưng mình không đáp ứng được về sản lượng. Tôi thuyết phục nông dân sản xuất sạch để cơ hội đến thì mới đủ điều kiện tham gia thị trường xuất khẩu. Nhưng đa số nông dân lại chờ có được hỗ trợ, phải bán được giá tốt ngay thì mới chuyển đổi nên họ vẫn mãi luẩn quẩn trong ngõ cụt không lối thoát”.

- Tôi đem trái mãng cầu giống lạ chào hết các sạp trái cây tại chợ Bến Thành (TP.Hồ Chí Minh), ai cũng ngại vì trái quá lớn, sợ mình xịt thuốc tăng trưởng. Tôi thuyết phục được một sạp bán trái cây cho trưng bày trái mãng cầu, bên cạnh dán hình ảnh cây mãng cầu đang bao trái để giới thiệu đến người tiêu dùng. Có người mua thử về ăn rồi quay lại vì chất lượng trái ngon, sau đó dần dần có nhiều mối đặt hàng. Với giá bỏ mối 120 ngàn đồng/kg, trái mãng cầu này chủ yếu cung cấp cho các sạp, siêu thị, cửa hàng trái cây cao cấp ở những thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội... Nhiều siêu thị lớn đặt vấn đề đưa sản phẩm này vào tiêu thụ trong hệ thống. Tôi cũng có một đối tác ở Hà Nội đặt bao tiêu hàng để xuất khẩu. Tôi dự định tiếp tục mở rộng diện tích và khuyến khích nhiều nông dân khác cùng đầu tư vào loại mãng cầu này vì tiềm năng thị trường còn rất lớn.

 Tại sao bà lại chọn hướng sản xuất trái cây an toàn ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp với nghề nông?

- Trái cây là mặt hàng bổ dưỡng nhưng nếu xịt thuốc ngày hôm trước, hôm sau bán cho khách dù biết độc hại thì tôi làm không được. Khi biết có thương lái vào vườn sầu riêng thu trái và nhúng thuốc tại chỗ, tôi trăn trở lắm vì thử nghĩ trong gia đình nếu có 1 người bị bệnh ung thư thì sẽ khốn khổ thế nào? Làm được trái cây sạch bán cho người tiêu dùng tôi vui lắm nên luôn kiên trì theo con đường này.

Nông dân sản xuất sạch còn thiệt thòi lắm. Vườn sầu riêng của tôi để đủ độ già mới cắt bán. Dù có một số cửa hàng trái cây sạch bao tiêu với giá 80 ngàn đồng/kg nhưng tôi vẫn phải lựa từng trái và cam kết thu hồi lại trái không đạt chất lượng. Mỗi đợt các cửa hàng này chỉ nhập được vài chục đến vài trăm ký nên rất tốn công thu hoạch, đóng hàng. Vườn thu hoạch kéo dài tốn công chăm sóc, canh vườn nhưng vẫn hao hụt, mất mát nên bán giá cao vẫn không lời bằng bán mão cả vườn cho thương lái.

Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai được thành lập với mục tiêu xây dựng thương hiệu và hướng đến thị trường xuất khẩu. Nhưng nhiều năm qua, tổ hợp tác hoạt động không hiệu quả vì chuyển sang sản xuất sạch cần quyết tâm rất lớn mà không phải ai cũng kiên trì theo được.

 Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành trang trại rộng hàng chục hécta?

- Ngoài lương trả đều hằng tháng cho nhân công, ở mỗi vườn cây ăn trái, tôi thường để gần 1m đất cách ly cây trồng với bờ rào và để người làm tận dụng trồng chuối, trồng cỏ nuôi bò tăng thêm thu nhập. Năm trúng giá bò, gia đình quản lý vườn cho tôi bán bò có vốn mua được cả hécta đất. Vườn cây của mình là chén cơm, nguồn lợi của người lao động nên họ luôn hết lòng chăm sóc.

 Theo bà, cần những yếu tố gì để trở thành nông dân thời hội nhập?

- Các nước khác ăn một trái chuối tốn đến vài USD. Trong khi đó, trái cây Việt Nam quá ngon, quá phong phú nhưng sao nông dân mình lại nghèo so với nông dân nhiều nước.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là nông dân mình cần phải thay đổi tư duy sản xuất, đừng chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, mà phải nghĩ là trái cây mình trồng ra và yên tâm ăn thì mới bán cho mọi người ăn. Và nông dân ngày nay phải biết theo dõi, nắm bắt được nhu cầu thị trường để kiên định với hướng đầu tư của mình chứ không phải thấy người khác trồng gì thì chạy theo trồng cái nấy.

 Xin cảm ơn bà!

Bình Nguyên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,452,054       305