Kinh tế

Vẻ đẹp của sản phẩm hữu cơ là vẻ đẹp của sự bất toàn

Công ty cổ phần Vinamit (tỉnh Bình Dương) là doanh nghiệp (DN) có công nghệ chế biến nông sản hàng đầu Việt Nam. Đây cũng là đơn vị tiên phong đầu tư trang trại sản xuất hữu cơ (organic) với diện tích lên đến hàng trăm hécta. Sản phẩm của DN xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính, như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)...

Ông Nguyễn Lâm Viên trao đổi với các bạn trẻ về kinh nghiệm sản xuất và tìm thị trường cho nông sản  hữu cơ.
Ông Nguyễn Lâm Viên trao đổi với các bạn trẻ về kinh nghiệm sản xuất và tìm thị trường cho nông sản hữu cơ.

Ông Nguyễn Lâm Viên, người sáng lập thương hiệu Vinamit đã chia sẻ về câu chuyện phát triển Vinamit trở thành DN dẫn đầu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Với ông, vẻ đẹp của sản phẩm hữu cơ là vẻ đẹp của sự bất toàn, tuy chưa thể “mướt mát” như các sản phẩm khác, song lại an toàn, sạch sẽ và chứa đựng cả tâm huyết bao năm của người sản xuất.

* Không dễ sản xuất đại trà

 Đang là DN có thị phần dẫn đầu trong ngành, tại sao Vinamit lại quyết định đầu tư sản xuất hữu cơ?

- Canh tác hữu cơ cần quá trình đầu tư dài hơi, tốn kém chứ không thể là một sớm, một chiều. Đơn vị nào tuyên bố mình sản xuất hữu cơ mà luôn đảm bảo lúc nào cũng có hàng, muốn tăng bao nhiêu cũng đáp ứng thì nên xem lại. Tôi đã mất 5 năm đầu tư và mãi đến năm 2017 Vinamit mới có rau organic cung cấp ra thị trường qua hệ thống Saigon Co.op. Năm 2018, sản phẩm organic của chúng tôi mới bán ra bên ngoài. Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất vì nhu cầu của thị trường về thực phẩm organic ngày càng lớn.

Hiện chúng tôi đã đầu tư được 3 nông trang sản xuất hữu cơ rộng hàng trăm hécta nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu cả về sản lượng và sự đa dạng mặt hàng. Chính vì vậy, thị trường cần nhiều nhà sản xuất, kinh doanh khác. Đó là một nhu cầu khổng lồ nhưng nhà sản xuất chỉ nên tập trung vào một số sản phẩm chủ lực. Vinamit hiện cũng đang tập trung vào 3 loại trái cây, gồm: mít, chuối, thơm. Dự kiến Tết Nguyên đán sắp tới, chúng tôi ra mắt thêm dưa hấu organic.

Ông Nguyễn Lâm Viên tham gia hội đồng giám khảo Vietnam Startuheel - cuộc thi khởi nghiệp thường niên lớn nhất Việt Nam. Hiện ông đang là nhà đầu tư, đỡ đầu cho nhiều dự án khởi nghiệp của người trẻ làm nông nghiệp sạch. Vì theo ông, người trẻ là đội ngũ đem lại cái mới, tạo nên sự thay đổi trong sản xuất nông sản hữu cơ.

Để làm ra một sản phẩm hữu cơ theo ông là dễ hay khó?

- Chúng tôi vừa cung cấp thêm sản phẩm mới là chuối organic ra thị trường. Vinamit tự hào là DN đầu tiên sản xuất được trái chuối organic tại Việt Nam. Để có được nguồn giống không biến đổi gen là không dễ. Ngay cả khi lấy nguồn cây giống từ giống gốc thời ông bà ta đã trồng cũng phải có được sự xác nhận giống không biến đổi gen của cơ quan chứng nhận ở Mỹ.

Nông dân không trồng ra được cây chuối hữu cơ còn bởi vì chưa giải quyết được vấn đề sâu bệnh, khó nhất là sâu đục thân. DN có trung tâm sinh học phục vụ công tác nghiên cứu nhưng vẫn phải bỏ rất nhiều thời gian mới tìm ra cách trừ sâu bệnh cho cây chuối bằng giải pháp sinh học.

 Hiện đang rộ lên phong trào sản xuất theo hướng hữu cơ. Quan điểm của ông về điều này thế nào?

- Nông dân mình đã quen với phân, thuốc hóa chất nên khi kêu gọi họ bỏ hóa chất họ lo cây trồng sẽ chết. Các nhà khoa học cũng chỉ khuyên nên giảm hóa chất.

Nhưng sản xuất theo hướng hữu cơ (chỉ giảm sử dụng hóa chất) hoàn toàn khác về bản chất với sản xuất hữu cơ. Dưới gốc bón phân hữu cơ, trên lá phun thuốc trừ sâu thì cây đó vẫn nhiễm độc. Ở đây phải phân biệt rõ bạn đang nuôi sự sống hay đi diệt sự sống.

* Khó nhất vẫn là khâu bán hàng

 Liệu giá sản phẩm hữu cơ có thể rẻ như sản phẩm thông thường không, thưa ông?

- 1 bó rau để tự nhiên thì sáng là rau, chiều là rác. Trồng sạch là một chuyện nhưng để bó rau sau thu hoạch, bảo quản rồi đưa đến tay khách hàng về trữ trong tủ lạnh cả tuần vẫn ăn ngon là cả câu chuyện lớn về quá trình vận chuyển, bảo quản đúng chuẩn. Chính vì vậy, sản phẩm organic chưa thể có giá rẻ và bán đại trà được.

 Theo ông, đưa sản phẩm organic vào thị trường Việt Nam có dễ dàng?

- Sản phẩm hữu cơ của chúng tôi chủ yếu vẫn để xuất khẩu. Năm 2018, chúng tôi mới tập trung cho thị trường nội địa. Chúng tôi chấp nhận phải “nuôi” thì mới có thị phần vì không bao giờ miếng bánh có sẵn đó để bạn chỉ vào ngồi “ăn”. Khách hàng mua thực phẩm organic là nhóm khách coi trọng sức khỏe và rất cẩn trọng trong lựa chọn thực phẩm. Tại Việt Nam, tôi nghĩ tỷ lệ người mua thực phẩm hữu cơ chưa đến 1% dân số nên muốn tiêu thụ phải đi vào thị trường ngách. Tôi vẫn khuyên những bạn trẻ khởi nghiệp, nếu chưa xác định rõ khách hàng của mình là ai thì chưa nên đầu tư.

 Có cơ hội nào trong việc mở rộng kênh tiêu thụ cho thực phẩm hữu cơ không, thưa ông?

- 90 triệu dân Việt Nam đều là khách hàng tiềm năng. Sản phẩm hữu cơ của Vinamit phát triển cho đến ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn những cộng đồng đã truyền thông về thực phẩm bẩn. Cộng đồng đó đã tạo ra sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng. Vì những sản phẩm có dư lượng hóa học vẫn tiêu thụ tốt thì người sản xuất tại sao phải thay đổi? Ở đây, người tiêu dùng phải thay đổi trước thì mới buộc nông dân thay đổi theo.

Ban đầu tôi chỉ cung cấp rau hữu cơ cho 1 hệ thống siêu thị. Và khi làm tốt, các siêu thị khác tìm đến đặt hàng, thậm chí họ phải đăng ký danh sách chờ tới lượt. Điều này cho thấy, nguồn cung thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam vẫn đang thiếu trầm trọng. Đây là cơ hội lớn cho những người chọn sản xuất theo hướng này.

 Hướng phát triển dòng sản phẩm hữu cơ của Vinamit như thế nào?

- Thực phẩm organic là dòng sản phẩm mới của DN nên hiện vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong các ngành hàng của Vinamit. Chúng tôi không đặt mục tiêu kiếm lợi nhuận ngay mà đang tập trung phát triển.

Tất cả các nhà tài phiệt về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống không hề muốn phát triển sản xuất hữu cơ. Bởi miếng bánh lợi ích của họ quá lớn. Mỗi năm, thị trường Việt Nam đang tiêu thụ cả chục triệu tấn phân bón, cả trăm ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật.

Những DN tiên phong sản xuất hữu cơ không chỉ là những nhà đầu tư khởi nghiệp mà đang góp phần giải quyết vấn nạn lạm dụng chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Bản thân tôi cũng đang đầu tư, đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp hữu cơ để nhân rộng mô hình sản xuất này. Bởi có thêm 1 người làm hữu cơ là có thêm sự từ chối phân, thuốc hóa học và thêm ý thức bảo vệ hệ sinh thái.

 Ông vẫn luôn nhấn mạnh người tiêu dùng phải thay đổi thì nông dân mới thay đổi được, cách Vinamit thay đổi nhận thức của người tiêu dùng là gì?

- Nhật Bản vẫn nói về vẻ đẹp của sự bất toàn. Có thể dùng điều này nói về đặc điểm của sản phẩm hữu cơ. Bó rau organic không xanh mượt, thậm chí lá rau còn có lỗ sâu đục. Với sản phẩm sấy cũng vậy, thời gian đầu, xoài sấy của Vinamit không bán được tại thị trường trong nước vì xoài sấy tự nhiên để mỗi ngày mỗi sẫm màu đi chứ không ra được màu vàng ươm đẹp mắt. Với sản phẩm hữu cơ, người mua nên quan tâm đến cái ruột chứ đừng quá chú trọng vào vẻ bề ngoài.  DN cũng đang bán cái chất vì đó mới là giá trị thật của sản phẩm. Nhưng người tiêu dùng hiện chưa quen mua sản phẩm bằng trí tuệ và bằng miệng mà họ vẫn đang mua bằng mắt và bằng lỗ tai. Thách thức lớn nhất với DN là việc thay đổi nhận thức, thói quen này của người mua.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,468,899       257