Kinh tế

Với tôi, vật lý rất "đẹp" và không hề khô cứng

Sinh năm 1982 tại huyện Thống Nhất, Nguyễn Ngọc Duy trở thành một trong những tiến sĩ trẻ nhất về chuyên ngành vật lý nguyên tử hạt nhân khi nhận học vị này năm 32 tuổi. Sau khi hoàn thành đề tài luận án theo chương trình học bổng của Trường đại học Tokyo (Nhật Bản), anh về nước tiếp tục giảng dạy...

nghiên cứu tại Trường đại học Đồng Nai. Hiện nay, anh vẫn đang nghiên cứu tại các trung tâm trong và ngoài nước như: Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện RIKEN (Nhật Bản), Trung tâm INFN (Ý), Viện Dubna (Nga)... TS.Nguyễn Ngọc Duy đã công bố trên 35 công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới.

Hiện tại, TS.Nguyễn Ngọc Duy đang nghiên cứu và hướng dẫn cho các học viên sau đại học tại Trường đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc). Anh chia sẻ, đam mê của mình mãi sau này vẫn sẽ là nghiên cứu và giảng dạy môn Vật lý nguyên tử hạt nhân, bởi với anh, đó không phải là một chuyên ngành khô cứng, trái lại còn “rất đẹp đẽ và nhiều ý nghĩa”.

* Vật lý hạt nhân rất... thú vị

 Vì sao anh chọn theo đuổi ngành vật lý hạt nhân? Những ngày đầu, điều gì đã thu hút anh theo nghề?

- Vật lý là một trong những ngành khoa học tự nhiên theo hướng nghiên cứu cơ bản, song lại giao thoa nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, bao gồm cả toán học và hóa học. Vật lý nghiên cứu các quy luật tự nhiên, mà đôi khi những quy luật tự nhiên ấy cũng tồn tại trong xã hội bởi con người cũng là một thực thể gắn liền với tự nhiên. Sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và công nghệ ngày nay một phần dựa trên nền tảng vật lý.

Với tôi, vật lý hạt nhân rất thú vị vì tất cả vật chất theo nghĩa thông thường đều được cấu tạo từ hạt nhân nguyên tử. Có rất nhiều ứng dụng của vật lý vào đời sống trong các lĩnh vực như: PET/CT trong chẩn đoán và xạ trị trong điều trị ung thư; phát điện từ năng lượng hạt nhân; cải tạo giống cây trồng trong nông nghiệp; kiểm tra chất lượng trong công nghiệp; kiểm tra ô nhiễm môi trường; xác định niên đại trong khảo cổ... Vấn đề là chúng ta có đủ kiến thức và công nghệ để triển khai ứng dụng nó hay chưa?

 Khoa học luôn là một con đường lâu dài đầy rẫy khó khăn, đối với anh, yếu tố nào là quan trọng nhất cho người làm nghiên cứu khoa học?

- Khi làm bất kỳ việc nào đó có tính khả thi với tất cả kiến thức, niềm đam mê và sự kiên trì thì sự thành công sẽ đến với bạn. Đó cũng là những yếu tố quan trọng nhất đối với một người nghiên cứu khoa học. Năng lực tư duy và sức sáng tạo sẽ mang lại những kết quả đột phá trong nghiên cứu. Ngoài ra, môi trường làm việc cũng là một yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả nghiên cứu của các nhà khoa học.

 Từng có kinh nghiệm học tập, nghiên cứu tại Nhật, Hàn Quốc, Ý, Nga..., theo ông, Việt Nam có những hạn chế và thuận lợi nào cho những người làm khoa học? Chúng ta thiếu gì và cần thêm những yếu tố nào để có một môi trường tốt hơn cho khoa học?

- Trước hết, tôi biết ơn Trường đại học Đồng Nai và các giáo sư nước ngoài đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để tôi có thể học tập và nghiên cứu tại các nước phát triển trên thế giới.

Năng lực khoa học và quản lý của bộ phận quản lý khoa học cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển khoa học của nước nhà. Ngoại ngữ cũng là một hạn chế của người làm nghiên cứu hiện nay vì đa số các vấn đề khoa học luôn được phổ biến rộng rãi trên thế giới bằng tiếng Anh. Do đó, để có môi trường nghiên cứu khoa học tốt hơn thì ít nhất chúng ta cần phải khắc phục được những hạn chế.

Tôi nghĩ, Việt Nam luôn có rất nhiều người đam mê nghiên cứu khoa học, từ sinh viên tại các trường đại học cho đến những bác nông dân ở các miền quê xa xôi. Năng lực tư duy, sức sáng tạo của chúng ta không thua kém, nhưng cũng không hẳn là nổi trội hơn so với thế giới. Những hoạt động nghiên cứu của chúng ta chưa có sự tập trung, còn mang tính lẻ tẻ. Quan sát những thống kê thuộc lĩnh vực nghiên cứu của học viên sau đại học, du học ở các nước hoặc tham dự các hội đồng khoa học, dễ dàng nhận ra mỗi người theo một lĩnh vực khác nhau mà những lĩnh vực này không hoặc liên quan rất ít với nhau. Nghĩa là chưa có sự định hướng tốt về các lĩnh vực trong nghiên cứu.

Ngoài ra, môi trường nghiên cứu chưa được chú trọng. Chẳng hạn, ở các trường đại học và viện nghiên cứu tại các nước phát triển rất dễ dàng tải về các bài báo khoa học mới nhất trên các tạp chí uy tín, nhưng điều này tương đối khó khăn ở Việt Nam do chúng ta không mua các tạp chí này. Ngoài ra, trang thiết bị dành cho nghiên cứu cũng rất hạn chế. Bên cạnh đó, công lao động cho hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được trả một cách tương xứng, vì vậy không có được nhiều kết quả có giá trị cao, do các nhà khoa học không thể tập trung toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu mà còn lo vấn đề cơm áo.

 Có nhận xét cho rằng Việt Nam có nhiều nhà khoa học, nhưng công trình khoa học ứng dụng thực sự vào thực tiễn đời sống lại quá ít ỏi.  Anh có đồng tình với ý kiến này không? Tại sao?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Có thể chỉ ra một số lý do như sau:

Thứ nhất, hiện nay các nghiên cứu vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm khoa học cơ bản hơn là nghiên cứu ứng dụng. Điều này chủ yếu là do hạn chế cả về trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng lẫn kiến thức công nghệ. Để có thể triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống, cần đến kỹ thuật và công nghệ. Chẳng hạn, kết quả nghiên cứu laser để đưa vào ứng dụng làm dao mổ y khoa thì cần có công nghệ tạo chùm laser công suất lớn.

Thứ hai, có thể nhiều người chưa hiểu được bản chất của việc nghiên cứu khoa học là tìm ra hoặc cải tiến những lý thuyết hay sản phẩm mới chưa từng biết trước đó. Do đó, các kết quả nghiên cứu khoa học mới thường mất một khoảng thời gian nào đó để có thể ứng dụng vào đời sống. Kết quả nghiên cứu khoa học có thể là ra sản phẩm sử dụng được ngay, nhưng cũng có thể là chưa. Kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản được ví như là nguồn nguyên liệu cho việc tạo ra các sản phẩm khác nhau. Vì vậy, các sản phẩm của nghiên cứu khoa học cơ bản thường mất thời gian dài hơn để ứng dụng vào thực tiễn so với kết quả của nghiên cứu ứng dụng. Do đó, muốn có nhiều kết quả ứng dụng ngay vào đời sống thực tiễn thì việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng và tìm hiểu công nghệ là điều cần thiết.

Thứ ba, một thực trạng đáng buồn là số lượng người mang danh xưng “nhà khoa học”, tiến sĩ hay phó giáo sư, giáo sư thì rất nhiều, nhưng số lượng nhà khoa học thực thụ lại rất ít. Điều này thể hiện qua số lượng công trình công bố của Việt Nam trên các tạp chí đạt chuẩn ISI (tập hợp các tạp chí khoa học tự nhiên được thế giới công nhận) uy tín trên thế giới và số lượng bằng sáng chế hằng năm.

* Trong khoa học, người thầy rất quan trọng

Là một người thầy, anh nhận xét ra sao về tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học của giới trẻ hiện tại? Làm sao để thu hút họ vào những môn khoa học “khô cứng, khó khăn” như Vật lý?

- Trong mắt tôi, giới trẻ hiện nay là một thế hệ của xã hội hiện đại và năng động. Các em có nhiều niềm đam mê, tài năng và điều kiện để phát triển. Vật lý rất đẹp và mang tính triết học nhiều nên không hẳn là khô cứng hay khó học. Muốn các em thấy được cái đẹp đó, một phần do các em phải có đam mê, tìm tòi thông qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau..., phần còn lại là do người hướng dẫn. Có ý kiến cho rằng: “Dạy học là một nghệ thuật và giáo viên là một nghệ sĩ”, tôi thấy điều này rất đúng. Người hướng dẫn hãy chỉ ra những triết lý trong từng định luật, những kiến thức vật lý đã, đang và sẽ ứng dụng trong thực tiễn cho người học để họ thấy được bức tranh sinh động của vật lý. Để làm được điều đó, người hướng dẫn cần có đủ kiến thức chuyên môn và nhiệt huyết.

 Kế hoạch tương lai của anh ra sao? Anh có định đeo đuổi ngành vật lý hạt nhân lâu dài?

- Vật lý hạt nhân có nhiều điều thú vị và có khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Do đó, việc hình thành các nhóm nghiên cứu ứng dụng vật lý hạt nhân là một việc nên làm. Với những kiến thức, kinh nghiệm có được trong quá trình học tập và làm việc ở nước ngoài, khi về nước tôi mong rằng sẽ đóng góp một phần nhỏ cho sự phát triển nghiên cứu khoa học của các bạn trẻ. Tôi mong muốn các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn đến khoa học - công nghệ để giúp cho quê hương đất nước phát triển. Dù đứng trên bục giảng hay ở phòng nghiên cứu, vật lý luôn có sự thu hút đặc biệt đối với tôi. Cuốn sách Từ hạt nhân đến vũ trụ do tôi biên soạn sẽ ra mắt bạn đọc trong thời gian sắp tới.

 Xin cảm ơn anh!

Kim Ngân (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,477,714       437