Kinh tế

Đón "sóng" công nghệ cao từ FDI

Trong khi thu hút đầu tư FDI của nhiều địa phương có dấu hiệu chậm lại thì Đồng Nai lại liên tiếp đón được nhiều dự án công nghệ cao của các tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là lĩnh vực công nghiệp, logistics...

Trong khi thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của nhiều địa phương có dấu hiệu chậm lại thì Đồng Nai lại đón được nhiều dự án công nghệ cao. Các tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang liên tiếp rót vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, logistics.

Khu công nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh) là nơi đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Khu công nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh) là nơi đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong 8 tháng của năm 2018 thu hút đầu tư FDI của tỉnh đạt 980 triệu USD, sắp hoàn thành kế hoạch năm. Do có chọn lọc kỹ nên những dự án đầu tư hầu hết có công nghệ cao, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động.

* Hội tụ các tập đoàn lớn

Theo đánh giá của các hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đồng Nai hiện là nơi thu hút hầu hết các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Những “ông lớn” này không ngần ngại rót hàng trăm triệu USD để thực hiện các dự án công nghệ cao, đưa ra những sản phẩm cung ứng theo chuỗi cho toàn cầu. Do đó, sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Đồng Nai có mặt ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đến thời điểm này tỉnh đã thu hút 1.820 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD. Trong đó số dự án còn hiệu lực 1.339 dự án tổng vốn gần 28 tỷ USD; 481 dự án thu hồi tổng vốn trên 5 tỷ USD. Các dự án đầu tư FDI đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 3 quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đầu theo thứ tự là: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên nhận xét: “Các tập đoàn lớn trên thế giới phần lớn đã có mặt tại Đồng Nai, trong đó có dự án đầu tư mới, có dự án tăng vốn để mở rộng sản xuất. Các tập đoàn khi đầu tư mới hầu hết sử dụng máy móc công nghệ hiện đại, tự động hóa gần hết nên cả dây chuyền sản xuất lớn chỉ cần một vài công nhân theo dõi và điều chỉnh trên máy móc”.

Thực tế, có những tập đoàn đã đầu tư vào tỉnh từ vài trăm triệu đến cả 1 tỷ USD vẫn tiếp tục rót vốn vào như: Hyosung, Kenda, Bosch, Fujitsu, C.P, Ajinomoto, Kyokuto... 

Ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) cho hay: “Tập đoàn Hyosung đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 1,5 tỷ USD để sản xuất các loại sợi. Môi trường đầu tư của tỉnh thuận lợi nên mới đây công ty đã tăng thêm vốn gần 40 triệu USD”. Hiện Hyosung là doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư vào tỉnh lớn nhất và nếu có thêm đất công ty sẽ tiếp tục tăng vốn xây dựng thêm nhà máy.

Theo ông Choi Heung Yeon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại - công nghiệp Hàn Quốc, rất nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp để cung ứng hàng hóa cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Những dự án mới đầu tư vào Đồng Nai đa phần có công nghệ cao, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thế giới. 

* Hàm lượng công nghệ cao

Điều đặc biệt là những dự án FDI Đồng Nai thu hút được từ đầu năm đến nay đều có công nghệ cao. Lĩnh vực các doanh nghiệp FDI rót vốn vào nhiều là công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành xơ sợi dệt, dệt may, giày dép, phụ tùng máy móc, linh kiện điện tử...

Cụ thể, Tập đoàn Bosch (Đức) tăng thêm trên 71 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư vào Đồng Nai lên trên 410 triệu USD để xây dựng nhà máy với công nghệ hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á sản xuất các thiết bị phụ tùng cho ô tô, máy móc.

Công ty TNHH Hi Knit (Hàn Quốc) mới đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A (huyện Nhơn Trạch) có tổng vốn đăng ký 40 triệu USD chuyên sản xuất các loại vải dệt, không dệt với công nghệ mới trên thế giới để cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và xuất khẩu.

Tập đoàn Kenda (Đài Loan) đầu tư thêm 56 triệu USD vào Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) mở rộng thêm nhà máy sản xuất vỏ, ruột xe đạp, xe máy, ô tô cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các nước châu Âu. Nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty này là cao su thiên nhiên chủ yếu mua ở Đồng Nai và Việt Nam.

Ông Mano Shigeki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty vừa đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị đóng ngắt điện, linh kiện điện tử với công suất 5 triệu tấn/năm. Vì có công nghệ hiện đại nên sản phẩm Kyokuto xuất khẩu được sang nhiều nước trên thế giới”.

2-3 năm trở lại đây, Đồng Nai chú ý thu hút các dự án công nghệ cao nên sản phẩm làm ra xuất khẩu khá tốt và hàng xuất sang các thị trường khó tính đều có mức tăng trưởng cao như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh nhận định, năm 2018 Đồng Nai tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp đều có công nghệ hiện đại, có những nhà máy chỉ cần sử dụng dưới 10 công nhân vẫn sản xuất ra hàng triệu sản phẩm/năm.

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,480,002       158