Tôi chẳng thấy dã quỳ đẹp ở đâu. Cũng chẳng thơm tí nào. Vì cái mùi hoa này đã vĩnh viễn ngấm vào tuổi thơ tôi ngai ngái, đắng ngắt cho tới tận bây giờ.
Thảo Chu
Bây giờ, Ba Vì quê tôi nổi tiếng vì những đồi hoa mang tên dã quỳ. Từng triền đồi vàng rực trong nắng, rất đẹp. Nếu không biết, thoáng nhìn chắc sẽ tưởng ấy là những thảo nguyên hoa vàng xa lắc ở vùng miền nào đó.
Hằng ngày, người thành phố, người miền xuôi thi nhau đổ về đấy ngắm hoa. Người ta đi từng cặp, rồi người ta đi thành từng đoàn, người ta mang cả các loại đồng phục, váy áo để chụp ảnh kỷ niệm. Người ta trên tay cầm những cây gậy selfie rất dài để mong chụp được những tấm ảnh đẹp nhất. Này là cô gái chu mỏ bên hoa, này là cặp tình nhân ôm nhau e ấp với đôi bàn tay chụm lại thành hình trái tim, này là đoàn người mặc đồng phục áo đỏ... Người ta thi nhau khen hoa đẹp thế, ảnh đẹp thế...
Còn tôi, chẳng thấy hoa này đẹp ở đâu. Cũng chẳng thơm tí nào. Vì cái mùi hoa này đã vĩnh viễn ngấm vào tuổi thơ tôi ngai ngái, đắng ngắt cho tới tận bây giờ. Sau hơn 30 năm, khi nhìn lại hoa này, tôi bất giác mím môi vẫn kịp nhận ra vị đắng ngắt trên môi mình, bất giác chớp mắt vẫn thấy một vị cay xè trên mí. Đó là bởi vì vị của cây hoa này, mà mỗi lần đưa lưỡi liềm quơ cắt từng nắm nó đã bay vào mắt vào môi...
Trẻ em quê tôi được mẹ đưa lên rừng hoa dã quỳ để kể cho con nghe về một ký ức. Ảnh: Chu Mai. |
Hồi ấy, xa lắc, hơn 30 năm, cuối thu mà trời đã lạnh lắm, cũng cùng một triền đồi này trải dài dưới chân núi Ba Vì, tôi - một đứa bé gái sau buổi học ở trường về là giúp mẹ đi hái cây hoa này về ủ trong đống phân trâu bò để đợi cây mục ra làm phân bón cho đồng ruộng. Hồi ấy, tôi đâu biết nó có tên mỹ miều là dã quỳ đâu. Làng tôi hay gọi là cây hoa hôi, nó mọc dại khắp ở bờ rào, những mảnh vườn hoang, hay trên những triền đồi thoai thoải.
Tôi hồi ấy thấp bé, nhỏ xíu, đứng chỉ nhỉnh hơn đôi quang gánh một chút. Vậy mà chiều chiều lại quẩy quang gánh lên vai đi hái cây hoa hôi. Trời lạnh, tôi mặc cái quần "bích kê" mông chằng chịt, khoác cái áo bộ đội cũ sờn của cha. Khi thì đi dọc các hàng rào nhà người ta xin hái, khi thì tạt vào những mảnh ruộng vườn hoang, khi thì lên đồi, tôi cầm liềm cắt từng ngọn, từng ngọn. Nước từ thân cây qua vết cắt sắc lẹm của cái liềm cứ thế bắn vào mắt vào môi, vừa đắng nghét, vừa cay ngắt.
Tôi thích nhất được lên đồi. Sau khi quang gánh đã đầy những cây hoa hôi, tôi một mình thoả thích chạy nhảy trên những triền đồi hắt đầy ánh hoàng hôn tím đỏ. Khi thì đuổi bắt những con còng còng sặc sỡ sắc màu, khi thì chui vào từng bụi cây tìm quả dại chín mọng. Chán chê, tôi nằm lăn ra cỏ ngửa mặt hướng về chân trời, nơi mặt trời đang lặn xuống. Ở đó, vào giờ đó luôn mang một màu sắc của sự bí ẩn, mê hoặc và những đám mây bồng bềnh hoang dại. Tôi thường hình dung đó có khi là một con quỷ đang chuẩn bị ăn mặt trời, có khi lại là những cô tiên cúi đầu thì thầm...
Những người lớn cũng háo hức chụp ảnh cùng dã quỳ, lưu lại kỷ niệm về một mùa hoa. Ảnh: Chu Mai. |
Trời tối dần, tôi ra về. Gánh trên vai nặng trĩu những cây hoa hôi. Tôi đói và khát nước. Nhưng vẫn cố về đến nhà. Có lần tôi hỏi mẹ: "Mẹ ơi, cũng là hoa mà sao nó chả thơm tí nào?". Mẹ tôi nói: "Hoa này là ủ để làm phân bón cho đồng ruộng con ạ, nó không có mùi thơm. Nhưng nó giúp mình có lúa tốt, gạo ngon đấy con".
Sau này, làng tôi làm ăn khấm khá lên, người ta chặt hết cây cối ở bờ rào và thay vào đó là xây tường bao. Những vườn hoang cũng thôi không còn cây hoa hôi nữa. Những triền đồi người ta cũng trồng lạc, trồng khoai. Tôi từ đó không còn nhìn thấy loài hoa này nữa.
Cho đến tận bây giờ, khi xa quê nửa vòng trái đất, lại thấy những triền đồi hoa hôi mọc bạt ngàn. Ký ức về tuổi thơ, về đứa trẻ của đồng quê, về một thời không được no đủ lại bất ngờ trở về với vị ngai ngái, đắng ngắt như tôi vừa chạm lưỡi liềm vào một loài hoa...
hoa dã quỳ, hoa hôi, hoa của mùa đông, người Việt xa quê - Ký ức 'không chất thơ' về mùa hoa dã quỳ