Phong cách

Tranh cãi quanh chuyện hàng trăm người giật tiền cô hồn

Nhiều người đã có kinh nghiệm đi giật tiền cô hồn còn mang theo cả vợt, bao, thúng để hứng được nhiều tiền hơn.

Những ngày qua hình ảnh, video người dân lao vào tranh giành đồ cúng, tiền lễ cô hồn đang được đăng tải đã thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều người. Xoay quanh vấn đề này cũng xuất hiện các luồng ý kiến trái chiều.


Video hàng trăm người Sài Gòn giành giật tiền lẻ cúng cô hồn ở khu vực quận 5

Tục lệ cúng cô hồn vào dịp rằm tháng 7 đã diễn ra từ lâu. Tại khu phố người Hoa ở Sài Gòn, nhiều hộ kinh doanh thường chi một số tiền lớn để cúng cô hồn. Gia chủ khi cúng xong sẽ ném tiền và đồ cúng ra ngoài đường với quan niệm bố thí cho các vong linh, âm binh lang thang. Họ cũng quan niệm rằng khi cúng xong phải có người vào tranh đồ lễ thì mới được may mắn. Chính vì thế không ít người cho rằng đây là chuyện bình thường, nó cũng đã trở thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa. Cũng vì đã quen với tục lệ này nên nhiều người còn mang theo cả vợt, bao để hứng tiền cho được nhiều. “Năm nào cũng vậy mà, cứ coi như phong tục tập quán đi, chỉ là vui thôi mà khi nào đánh nhau thì mới đáng lên án, nhiều người nghèo no đủ được nhờ tháng 7 này lắm đó. Lúc nhỏ rảnh cũng cùng nhóm bạn đi giựt, giờ nhớ lại vẫn thấy vui”, Tran Trinh cho biết.

tranh-cai-quanh-chuyen-hang-tram-nguoi-gianh-giat-tien-co-hon

Ảnh: Hải Thuận

Tuy nhiên nhìn vào những hình ảnh này có thể thấy phong tục này đang ngày một trở nên quá đà: “Trước đây việc giật đồ cúng cô hồn là việc của trẻ con nên mới có cảm giác vui, còn hiện nay lực lượng thanh niên tham gia thì không phải để vui nữa rồi. Ngày xưa người cúng cô hồn chờ lũ trẻ giật còn bây giờ thì lại ném lên đầu thì quá xem thường người khác rồi. Nhìn chung lại là vấn đề ý thức mà thôi”, nickname Khoảng Lặng bình luận.

Nhìn cảnh tượng nhiều người lao vào tranh nhau tiền lễ được gia chủ từ trên lầu cao ném xuống khiến không ít người thấy bất bình: “Làm như chết đói không bằng, toàn những thành phần giang hồ văn hóa thấp, tự hạ mình đi giật đồ ăn mất hình ảnh như thế, nghèo thì cũng phải cho sạch sẽ đẹp đẽ một tí chứ”, Hoàng Nhựt bình luận.

tranh-cai-quanh-chuyen-hang-tram-nguoi-gianh-giat-tien-co-hon-1

Chưa nhắc đến chuyện gây rối, xích mích trong quá trình giành giật tiền lễ, phong tục này còn có thể khiến khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam không hiểu và làm xấu đi hình ảnh của người Việt: “Cô hồn chết chưa nhặt được đã bị cô hồn sống giành hết, không biết khi nước ngoài họ xem thì họ nói người Việt Nam như thế nào nhỉ. Người Việt Nam giành ăn với cả cô hồn, tranh giành như vậy có gì là vui, chạy xe mà ngó qua ngó lại kiếm nhà cúng để vào giật, không lo quan sát tông xe vào người khác thành luôn cô hồn”, một người góp ý.

Hay như Facebook Nguyen Thanh Uyen cho hay: “Thật ra hồi nhỏ cũng đi giựt, vui là chính. Có những chỗ họ làm ăn lớn nên họ thả tiền lớn, cho nên lúc đó toàn người lớn và thanh niên giựt, xe ôm, xích lô, thanh niên trai tráng đi khắp khu phố tìm chỗ giựt. Hỗn loạn và mất trật tự. Hồi nhỏ thấy vui, nhưng lớn thì thấy đó là văn hóa không tốt. Nó tạo thói quen chụp giựt và đây cũng là một hủ tục cần đươc bỏ. Chưa kể chi nhiều tiền như vậy để cúng cô hồn rồi ném đi làm chi cho lãng phí trong khi nhiều người còn đói khổ không có cơm ăn”.

Maruko Chan

NgoiSao.net

rằm tháng 7, tháng cô hồn, giành tiền cô hồn, Sài Gòn - Tranh cãi quanh chuyện hàng trăm người giật tiền cô hồn


      © 2021 FAP
        6,544,623       54