Nhiều phim bị phản đối gay gắt vì trang phục giống Trung Quốc hoặc không ăn nhập với lịch sử.
Ngay sau khi tạo hình các nhân vật trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể đượccông bố, có nhiều ý kiến khen chê trái chiều về trang phục của phim. Không ít người cho rằng váy áo của các nhân vật được cách tân, sáng tạo không đúng với lịch sử thời trang, không ăn nhập với trang phục của người Việt trong bất kỳ triều đại phong kiến nào.
Theo chia sẻ của nhà sản xuất, ê kíp đã mất hơn 3 tháng để nghiên cứu, vẽ hơn 100 phác thảo thiết kế và chọn vải phù hợp cho tất cả các nhân vật từ vai chính đến quần chúng. Mỗi nhân vật trong phim đều có thiết kế trang phục mang dấu ấn riêng qua màu sắc, kiểu cách, chất liệu phù hợp với tính cách và câu chuyện. Số tiền đầu tư cho trang phục lên tới 2 tỷ đồng, chiếm 1/10 tổng kinh phí làm phim. Giải thích về chuyện phục trang của phim, Ngô Thanh Vân cho biết phim thuộc thể loại giả tưởng thần thoại - cổ tích lấy cảm hứng từ truyện Tấm Cám - vốn không thuộc bất kỳ triều đại lịch sử nào. Vì vậy, tạo hình và trang phục cho nhân vật được thực hiện theo tiêu chí bám sát trang phục truyền thống cùng những cách tân riêng của ê kíp.
Tạo hình của nhân vật dì ghẻ và Cám trong phim Tấm Cám. |
Những người ủng hộ tỏ ra thích thú với trang phục của các nhân vật trong phim. Theo họ, Ngô Thanh Vân và các đồng nghiệp đem đến một cái nhìn mới mẻ, sáng tạo dựa trên quần áo truyền thống của người Việt nhưng không quá hở hang, phản cảm. Bên cạnh đó, nhiều khán giả cho rằng đây là phim thần thoại nên khó có thể phân định đâu là đúng, đâu là sai so với lịch sử. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến phản đối tạo hình của các nhân vật trong Tấm cám: Chuyện chưa kể. Đối với họ, phim cổ trang Việt Nam nhất định phải bám sát lịch sử với trang phục áo nâu sòng và khăn mỏ quạ.
Nếu như Tấm Cám: Chuyện chưa kể bị phản đối vì trang phục cách tân không ăn nhập với lịch sử thời trang các triều đại Việt Nam thì phim Mỹ nhân của đạo diễn Đinh Thái Thụy lại bị cho là quá cẩu thả trong tạo hình nhân vật lịch sử. Bộ phim Mỹ nhân được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt hàng để tái hiện lại thời kỳ Trịnh - Nguyễn. Ngay khi trailer được công bố, khán giả nhanh chóng nhận ra bộ quan phục mà nhân vật của diễn viên Châu Thế Tâm mặc in hình giống nhân vật Vua Sư Tử trong phim The Lion King của Walt Disney.
Giải trình với Cục Điện ảnh về chi tiết này, đạo diễn Đinh Thái Thụy bày tỏ các chuyên gia phục trang đã làm việc rất kỹ lưỡng và làm trang phục căn cứ vào lịch sử thực tế và đây chỉ là sự cố ở một vai phụ. Dù đã dùng kỹ xảo máy tính để trám những hình ảnh thay thế vào trang phục có in hình Vua Sư Tử khi phim công chiếu nhưng ê kíp vẫn vấp phải nhiều chỉ trích của cho rằng việc làm phim lịch sử thiếu cẩn trọng như vậy là lãng phí ngân sách nhà nước và tiền đóng thuế của nhân dân.
Châu Thế Tâm mặc áo in hình Lion King trong phim Mỹ nhân. |
Trang phục giống Trung Quốc thời xưa là lý do khiến phim Thái Tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long hứng chịu nhiều chỉ trích từ dư luận. Đây là bộ phim tái hiện lịch sử thời nhà Lý rời đô ra Thăng Long, được sản xuất năm 2010 với kinh phí thuộc ngân sách nhà nước. Nói về Việt Nam nhưng sử dụng các bối cảnh và phục trang giống với Trung Quốc khiến bộ phim vấp phải sự phản đối gay gắt không chỉ của khán giả mà còn các nhà sử học, chuyên gia nghiên cứu văn hóa.
Cục Điện ảnh sau đó phải thành lập một hội đồng thẩm định để xem xét “tính chất Trung Quốc” trong 19 tập phim. Dù bộ phim đã được cắt gọt và chỉnh sửa theo yêu cầu của Cục nhưng cuối cùng Đài truyền hình Việt Nam vẫn quyết định không trình chiếu trên sóng quốc gia. Một số bộ phim cổ trang khác cũng bị chê trách vì trang phục gần giống với Trung Quốc là Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ, Anh chàng vượt thời gian của đạo diễn Hoàng Thiên Trụ và Trương Thị Ngọc Hân…
Tạo hình của Lý Công Uẩn và các bề tôi trong phim Thái Tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. |
Phục trang là yếu tố góp phần không nhỏ vào thành công của một tác phẩm điện ảnh vì nó thể hiện thẩm mỹ của bộ phim đồng thời khắc họa một phần tính cách nhân vật. Các nhà làm phim thừa nhận, thiết kế và lựa chọn trang phục cho phim cổ trang là vấn đề đau đầu. Điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim lịch sử nên không có kho lưu trữ trang phục cổ trang để tham khảo. Ngoài ra, chưa có nhiều tư liệu nghiên cứu về y phục của các thành phần xã hội qua các thời kỳ lịch sử.
Trong một bài phỏng vấn, Đào Bá Sơn - đạo diễn phim Long thành cầm giả ca từng bày tỏ, điều quan trọng nhất khi làm phim chính sử là phải trung thực với lịch sử. Vì vậy, bộ phận chế tác phim phải biết tìm tòi, nghiên cứu và tham khảo ý kiến các nhà sử học. Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ: “Với những phim không phải phim tài liệu lịch sử hay khoa giáo cần sáng tạo, người làm cần có sự phát triển về mặt thẩm mỹ thời đại của người xem. Dù chúng ta làm về thời quá khứ thì người xem vẫn là những người thời hiện đại đang kể và xem về quá khứ. Nghệ thuật là người sáng tác phải chọn góc nhìn của mình để kể một câu chuyện”.
Nguyên Anh
Ngô Thanh Vân, phim Tấm Cám, phim cổ trang Việt, trang phục trong phim cổ trang Việt - Tranh cãi không dứt về váy áo trong phim cổ trang Việt