Có ba loại bình mà người phụ nữ không bao giờ nên biến mình trở thành, đó là bình hoa trong công sở, bình trút giận của mọi người, bình nước gạo chứa cơm thừa canh cặn.
Trang Hạ
Đó là câu nói mà tôi thường nói trong các buổi đi nói chuyện với chị em phụ nữ. Có lần ở một công ty tại quận 1, TP HCM có hai chị nhân viên khá lớn tuổi đứng lên phản đối bài nói chuyện của tôi ngay tại chỗ. Hai chị nói, phụ nữ hy sinh chính là hạnh phúc. Các chị chỉ cần về nhà thấy nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, chồng con vui vẻ sung sướng, thì khổ mấy các chị cũng thấy là hạnh phúc. Hạnh phúc của người đàn bà nếu không mang lại niềm vui cho gia đình chồng con, thì mang lại niềm vui cho ai?
Sau khi họ phản bác, tôi thường vỗ tay rất to. Tôi hoan nghênh tất cả mọi tương tác, mọi phản biện, mọi chủ kiến quan điểm, đó là tự do ngôn luận và đó mới là sự lan tỏa của những nghị đề truyền thông. Tôi sợ những thứ một chiều, những lời nói một chiều, những người đàn bà sống một chiều.
Nhưng khi ăn trưa, Trưởng phòng nhân sự của công ty nói với tôi, “Chị Trang Hạ ạ, hai người nhân viên hôm nay đứng lên cãi, họ là hai người đặc biệt của công ty, vì họ chưa bao giờ dám lên phòng Nhân sự đòi em tăng lương. Họ không có bất cứ thứ gì cống hiến để đòi tăng lương? Họ thua kém cả những em vừa ra trường một hai năm nhưng thăng tiến tốt trong công ty. Vì họ - đi ra ngoài xã hội nhưng đầu óc vẫn quẩn quanh trong bếp - đã đặt toàn bộ thành công của họ vào việc phục vụ và hy sinh cho chồng con”.
Những người đàn bà như thế có vẻ chiếm đa số trong xã hội Việt Nam. Họ thậm chí không dám chọn thành công, mà chọn sự tất bật trong xó bếp, với hy vọng chồng con ngày kia cảm kích nghẹn ngào. Họ hy sinh nhan sắc, không màng tuổi xuân, khi nhận ra thì ngực xập xệ, bụng xổ ra một đống, da chùng mắt nhăn, và chồng họ thì than ôi, mắt vẫn dán lên những làn da căng mịn, những lưng ong, cặp “bánh dầy” tròn căng, những mắt sóng sánh nước và môi hàm tiếu.
Cách sống ấy là tốt hay xấu? Liệu có bao giờ, một người đàn bà tốt hay một gia đình tốt số lại là chướng ngại vật của một xã hội tiến bộ. Cuộc sống mười phân vẹn mười hoàn hảo hạnh phúc của người đàn bà gia đình liệu có phải là sản phẩm của mười phần hy sinh, mười phần phục vụ, không phần sống cho mình và vì mình.
Chúng ta hy sinh bao nhiêu phần trăm cuộc đời mình cho việc phục vụ, thì được xã hội đóng dấu chứng nhận là đàn bà tốt. Trên báo chí có hàng nghìn bài báo đã nói về chủ đề này, ví dụ như: Vợ người ta là chân dài đi với đại gia nên hạnh phúc, còn nhà mình thì chọn hy sinh và phục vụ là hạnh phúc.
Thế thì trong công thức hạnh phúc ấy, những cô chân dài đã chiến thắng rực rỡ. Bởi vì các cô ấy đã tự chọn lấy cả mười phần xinh đẹp và không hề có phần hy sinh, mà công thức hạnh phúc của họ có phần góp rất lớn từ người đàn ông. Trong khi những người đàn bà chân không dài coi hy sinh là sứ mệnh của cuộc đời, họ phải tự tạo ra hoàn toàn thứ mà họ coi là hạnh phúc. Trong “mười phân vẹn mười” của hạnh phúc, họ đã tự nhận lấy cả mười phần hy sinh và phục vụ.
Tôi vốn không định khiêu chiến với các bà mẹ chọn hy sinh, phục vụ cho gia đình. Tôi đang bận chạy hàng ngày, tôi muốn trở thành vận động viên Marathon sau tuổi 40. Và kế hoạch của tuổi 50 vẫn là biker xe phân khối lớn, xe thể thao, motocross dọc ngang những tỉnh lộ, y như 20 năm trước. Những người đàn bà chọn hy sinh là sứ mệnh, họ sẽ nhận được phần thưởng, là một người đàn ông chỉ biết mở tủ lạnh ra và ăn.
Có những người hèn quá, chẳng lôi được chồng vào bếp, đành tự è lưng làm và lên tiếng bảo vệ quyền được hy sinh của đàn bà. Đừng bao giờ bảo đàn ông rằng, vì em đã đẻ một lũ con cho anh, vì em đã nấu cho anh ăn, anh phải yêu em suốt đời. Và vì em đã hy sinh 10 phần cho anh, em cũng cần anh 10 phần biết ơn đầy ăm ắp trong lòng.
Giời ơi, lấy đâu ra mà biết ơn, trăm phần trăm của đàn ông chỉ có nghĩa là cạn. Cũng đừng để đàn ông định nghĩa hạnh phúc của mình, hãy tự cho mình sống cuộc đời “Mười phân vẹn mười”, 10 phần hạnh phúc, 0 phần hy sinh.
Nhà văn Trang Hạ, phụ nữ hy sinh cho gia đình, Trang Hạ - Trang Hạ: Phụ nữ 10 phần hy sinh, đàn ông 0 phần cảm kích