Dư luận nhẽ ra là có thể đi thành hai chiều, chiều tích cực và chiều tiêu cực, cũng có thể là chiều dửng dưng. Nhưng đa số ở nước ta, nó hay đi theo hướng tiêu cực.
Vũ Nguyễn Hà Anh
Trong công việc và cuộc sống, chúng ta cần kiên quyết loại bỏ những tiêu cực để có thể tập trung sống, làm việc và mưu cầu hạnh phúc. Đúng thế, đâu phải cứ chỉ tốt, chỉ giỏi, chỉ đẹp, chỉ phấn đấu nỗ lực là có thể thành công, có thể hạnh phúc! Muốn thành công và hạnh phúc ta cần phải có một kỹ năng nữa đó là "bỏ ngoài tai dư luận".
Dư luận là cái gì?
Dư luận, gọi nôm na là "ý kiến ý cò" của những người (trên hai người), đa số, là không liên quan gì tới mình, công việc và cuộc sống của mình. Dư luận là vô hình, có thể chỉ bắt đầu từ một người, được trá hình dưới vỏ bọc của một tập thể.
Dư luận luôn cho rằng mình có quyền đánh giá, thậm chí phán xét nhất cử nhất động của ta để rồi quy chụp nó vào tư cách đạo đức, nhân phẩm... Tóm lại, những thứ rất ư là đao to búa lớn, với mục đích làm những người đứng đằng sau nó cảm thấy mình thật đạo đức, tinh tế, có chủ quan, ý kiến riêng.
Dư luận, đặc biệt là dư luận ở Việt Nam, thường chỉ tập trung soi mói cái nó cho rằng chưa "chuẩn", chưa "phù hợp"… những quy chuẩn khá vụng về và mang tính chất mơ hồ mường tượng. Nhưng lẽ dĩ nhiên, khi gắn vào những thứ to tát và cao thượng như "thuần phong mỹ tục" hay "văn hóa Việt", "đạo làm vợ", trách nhiệm với khán giả"... thì nó rất chi huyênh hoang tự gắn mác chuẩn mực cho chính mình.
Mà đúng, dư luận nhẽ ra là có thể đi thành hai chiều, chiều tích cực, và chiều tiêu cực. Cũng có thể là chiều dửng dưng. Nhưng đa số ở nước ta, nó hay đi theo hướng tiêu cực.
Thật quá quắt! Chả nhẽ họ quên đi những câu: "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", "Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"? Những câu rất ư là phù hợp với Văn hóa Việt (lý tưởng), thuần phong mỹ tục và ty tỷ những thứ hợp đạo lý khác.
Vì sao? Vì xã hội, những con người nấp sau lưng dư luận, họ đã mất lòng tin với chính bản thân họ, với chính những con người xung quanh họ, và xã hội họ đang sống. Họ không còn tin vào bất cứ điều gì tốt đẹp, con người nào tốt đẹp.
Ảnh: Facebook Hà Anh. |
Đi học thì chạy điểm, đi thi cũng chạy điểm, đi làm cũng phải chạy việc, vào đến việc thì phải lo bợ đỡ để thăng tiến… Ôi chao, quá ư là nhiều thứ hoán đổi với nhau bằng tiền bạc, thậm chí thủ đoạn mà họ chứng kiến, hay tự trải nghiệm. Nên ai ai, đâu đâu họ cũng tin chắc là cũng sẽ như mình. Nếu được thăng chức chắc chắn do thân tín, nếu đỗ đạt chắc chắn do may mắn và thậm chí nâng đỡ, nếu thành công chắc chắn phải do trả giá.
Họ không mường tượng được một không gian sống khi những người giỏi được những người giỏi khác nhìn ra khả năng và tạo điều kiện một cách chính trực. Thậm chí họ không thể tưởng tượng tại sao một con người có thể khen tặng một người kia nếu sau lưng không có mục đích tư lợi gì.
Lời khen thì họ vô cùng cần kiệm, vì nói ra thì sợ người khác tinh tướng, tự đắc, hoặc tự làm mình mất mặt khi phải khen người khác giỏi. Nhưng những lời chê bai, miệt thị, hạ thấp người khác thì họ có thể tuôn ra như thể đây là những lời vàng ngọc ngạo nghễ, vì họ nói ra bởi họ tình tường, họ có ý kiến chủ quan, họ có quyền vì họ là khán giả, vì họ là người bảo vệ xã hội, đạo đức, luân thường. Thậm chí họ còn là những người hùng bảo vệ cả thế hệ trẻ mai sau.
Nhưng bản thân họ đã làm được gì?
Đa số là không gì cả, ngoài việc ngồi đó tỏ ra mình tinh tế, ghê gớm, hay đạo đức để bàn luận chuyện của người khác: Người ta mặc gì, ăn gì, cho con đi học trường gì, họ đánh son màu gì, bận chiếc áo gì mới, họ yêu ai, chồng vợ họ cư xử với nhau ra sao, một năm họ đi nghỉ mấy lần, ở khách sạn gì vân vân và vân vân
Nhưng phải thú thực họ là người có trí tưởng tượng và liên kết cực kỳ phong phú. Họ có thể vu vạ cho người khác một tội danh tày đình chỉ trong vài tích tắc. Ví dụ bạn vừa mở miệng chưa kịp cười họ cho rằng bạn cười khẩy coi thường. Bạn há miệng định cười to và nhỡ chớp mắt thì họ cho rằng bạn ngạo nghễ không coi ai ra gì. Đó chỉ là những ví dụ nhỏ. Còn ví dụ lớn chỉ có những đầu óc phi thường của họ mới mường tượng ra nổi.
Họ, không hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của chính mình. Thì đúng thế rồi còn gì! Người mãn nguyện hạnh phúc thường mải tận hưởng hạnh phúc của mình, màng chi đến thằng khác nó đi toilet lúc mấy giờ! Nhưng không, họ bất lực với hạnh phúc của chính mình đến mức phải chú ý xem nếu thằng hàng xóm mà đi toilet được, họ phải lu lên rằng nó bị té re. Ờ, cho chết, mày vào đấy lâu thế, hẳn 5 phút, hẳn là mày phải có vấn đề.
Ờ vấn đề, lúc nào cũng phải có vấn đề, họ luôn nghi ngờ mọi thứ, mọi con người đều có mục đích đen tối!
Ôi chao, dư luận và những con người nấp sau dư luận. Sáng nay các ngươi ngồi đó và mường tượng, lên án được những ai, những gì? Hay là ngươi hãy bỏ đó, ra tưới nước cho chậu cây, nhìn ngắm chiếc chồi non mới nhú một ít lâu. Hãy mỉm cười, nụ cười hàn gắn mọi thứ. Hãy quay ra và nói với người bên mình một lời tử tế không nhằm mục đích gì. Ngươi sẽ hạnh phúc, sẽ có niềm tin! Ta đảm bảo!
dư luận, tiêu cực, tích cực, Vũ Nguyễn Hà Anh - Hà Anh: 'Để thành công và hạnh phúc, cần bỏ ngoài tai dư luận'